Trước đó chính phủ Đức đã bố trí hàng ngàn nhân viên an ninh để kiểm soát những người biểu tình, trong khi các nhà lãnh đạo chuẩn bị thảo luận các vấn đề như an ninh quốc tế, khí hậu thay đổi và cuộc khủng hoảng người tỵ nạn.
Những người biểu tình chống lại chủ nghĩa tư bản đã đụng độ với cảnh sát, trong lúc cuộc họp thượng đỉnh G-20 đang tiến hành tại thành phố Hamburg thuộc Đức.
Cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để chống lại người biểu tình, mà trước đó những người nầy đã đốt vỏ xe hơi và giơ các tấm bảng mang hàng chữ " Hãy phá vỡ cuộc họp G-20".
Trước cuộc họp, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã nói chuyện trước một đám đông tại Ba Lan và tuyên bố rằng, nền văn minh Tây phương hiện bị đe dọa do khủng bố và nạn hành chính quan liêu.
"Việc bảo vệ cho Tây phương lệ thuộc chính yếu không chỉ là các phương tiện, mà còn dựa trên ý chí của người dân để thắng lợi và sẽ thành công, cũng như sẽ đạt được những gì mong muốn. Vấn đề căn bản của thời đại chúng ta là, liệu rằng Tây phương có ý muốn tồn tại hay không. Chúng ta có đủ niềm tin về các giá trị của chúng ta, trong việc bảo vệ chúng bằng bất cứ giá nào hay không?".
Ông Trump cũng đề cập đến chuyện Bắc hàn trước đám đông, với ngụ ý rằng hành động quân sự có thể là một chọn lựa.
"Liên quan đến vấn đề Bắc hàn, tôi không biết rõ và chúng ta sẽ xem những gì xảy ra. Tôi không thích nói về những gì mà tôi đã có kế hoạch, thế nhưng tôi có một số chuyện khá quan trọng mà chúng ta đang suy nghĩ. Đó không có nghĩa là chúng ta sẽ có hành động đối với họ, tuy nhiên tôi không vạch ra một mức giới hạn nào cả".
"Tôi nghĩ chuyện đó rất có thể là Nga, thế nhưng tôi nghĩ rằng nó có thể là các nước khác, và tôi không muốn nói một cách cụ thể" Tổng Thống Donald Trump nói về việc Nga có thể xen lấn vào cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2016.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã đến Hamburg và đề nghị rằng, các biện pháp cấm vận kinh tế nên là đường lối được thi hành để kiểm soát Bắc hàn.
"Chúng ta là một tập thể và dĩ nhiên là ủng hộ việc cấm vận do Liên hiệp quốc áp đặt. Và chúng ta cũng có các biện pháp cấm vận riêng của chúng ta, đối với các tài sản và những cá nhân của Bắc hàn. Thế nhưng chúng ta sẽ hành động một cách hợp tác qua Liên hiệp quốc và thực hiện các bước tiến có chừng mực và tự ý, thế nhưng nhắm vào việc tạo áp lực kinh tế lên Bắc hàn hầu chế độ nầy hiểu được ý nghĩa nầy, chứ không phải là cuộc xung đột".
Trong những gì được xem là cuộc họp thượng đỉnh G-20 nặng về chính trị, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận về cách đối phó với khủng bố, môi trường và vấn đề toàn cầu hóa.
Là quốc gia đứng ta tổ chức cuộc họp, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel thừa nhận có nhiều khác biệt giữa các nhà lãnh đạo vào lúc nầy, thế nhưng bà cam kết sẽ cộng tác với nhau.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu chúng ta giải quyết những vấn đề lớn, chúng tôi biết rằng hiện tại có rất nhiều chuyện trên thế giới và nếu chúng tôi cố gắng hết sức để tìm giải pháp, thì mọi người đều có thể hưởng lợi từ điều này. Việc nầy được gọi là cả đôi bên đều có lợi".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaueble (SHOY-bleh) cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc Hoa kỳ cùng hành động cùng với các nhà lãnh đạo khác.
"Là cường quốc mạnh nhất trên thế giới về mặt kinh tế và chính trị, nếu Hoa kỳ muốn mạnh hơn thì siêu cường nầy phải hướng dẫn cả thế giới. Nếu siêu cường nầy nói rằng 'Chỉ lo cho nước Mỹ mà thôi', thì việc nầy không có ý nghĩa là họ vẫn còn là một siêu cường, mà trở nên ngày càng kém quan trọng đi".
Tổng thống Trump dự trù sẽ gặp gỡ Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin vào tối nay, thứ sáu.
Tuy nhiên cuộc họp diễn ra, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố vào hôm qua rằng, Nga có thể đã xen lấn vào cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ hồi năm 2016.
"Tôi nghĩ chuyện đó rất có thể là Nga, thế nhưng tôi nghĩ rằng nó có thể là các nước khác, và tôi không muốn nói một cách cụ thể".
Hội nghị G-20 sẽ diễn ra trong hai ngày, nhằm vào đêm nay và đêm mai giờ Đông bộ Úc châu.
"]
Thêm thông tin và cập nhật Like
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại