Tại Gaza, người dân địa phương khắc khoải đang nuôi hy vọng cuộc bắn phá quân sự của Israel vào lãnh thổ sẽ tạm dừng, khi các cuộc đàm phán ngừng bắn tiếp tục.
Những hy vọng này xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ám chỉ rằng, một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời có thể đạt được, tại các cuộc đàm phán ở Qatar, nhằm tạm dừng giao tranh trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.
“Ông có thể đoán được khi nào lệnh ngưng bắn bắt đầu?”, một ký giả hỏi.
"Các cố vấn an ninh quốc gia của tôi nói với tôi rằng, chúng ta đã đến gần rồi".
"Việc này vẫn chưa xong, nhưng tôi hy vọng vào thứ Hai tới chúng ta sẽ có lệnh ngừng bắn”, Joe Biden.
Được biết chính phủ Israel, Hamas và các nhà hòa giải Qatar đã nhanh chóng làm tiêu tan những hy vọng này, vì những yêu cầu mâu thuẫn giữa các bên tham chiến, khiến khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn không chắc chắn.
Hamas đang cân nhắc một đề nghị được Israel đồng ý tại cuộc đàm phán với các nhà hòa giải ở Paris vào tuần trước, về một lệnh ngừng bắn kéo dài 40 ngày, đây sẽ là lệnh ngừng bắn kéo dài đầu tiên sau cuộc chiến kéo dài 5 tháng.
Theo Bộ Y tế Gaza, cho đến nay gần 30 ngàn người Palestine đã thiệt mạng, trong cuộc tấn công gần đây của Israel vào Gaza.
Người đứng đầu Hamas là ông Ismail Haniyeh cho biết, nhóm này đang xem xét đề nghị ngừng bắn để bảo vệ dân thường, nhưng cũng sẵn sàng chiến đấu chống lại lực lượng Israel.
"Bất kỳ sự linh hoạt nào mà chúng tôi thể hiện trong các cuộc đàm phán, đều là để bảo vệ xương máu của người dân và chấm dứt những đau đớn, cùng hy sinh to lớn của họ trong cuộc chiến tiêu diệt tàn khốc".
"Song song đó, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ người dân của mình”, Ismail Haniyeh.
Trong khi đó một nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán nói với Reuters rằng lệnh ngừng bắn được đề ra, các bệnh viện và tiệm bánh ở Gaza sẽ được sửa chữa, 500 xe vận tải viện trợ sẽ đi vào dải đất này mỗi ngày và hàng ngàn lều và xe thuộc loại cắm trại, sẽ được chuyển đến nơi ở cho những người phải di dời không còn nhà cửa.
Tình trạng thiếu lương thực đã trở thành một khó khăn, trên khắp vùng đất Palestine kể từ khi Israel leo thang phong tỏa khu vực thành một cuộc bao vây, sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas, khiến phiến quân giết chết gần 1.200 người ở miền nam Israel.
Hôm qua Bộ Y tế Gaza báo cáo rằng, 6 trẻ em đã chết vì suy dinh dưỡng hoặc mất nước, trong khoảng thời gian 24 giờ trước đó ở phía bắc Gaza, nơi việc cung cấp viện trợ hết sức hiếm hoi.
Tại trại tị nạn Jabalia ở phía bắc, một bà mẹ nói rằng bà hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực lâu dài, để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo.
"Chúng tôi hy vọng tin tức này là chính xác và viện trợ sẽ đến rồi các tiệm bánh hoạt động trở lại, để những người đói có thể tìm được thức ăn để ăn và nạn đói chấm dứt".
"Chúng tôi cũng hy vọng thỏa thuận ngừng bắn này sẽ lâu dài chứ không phải tạm thời, để chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu của mình".
"Một tháng rưỡi không đủ để người dân đáp ứng đủ nhu cầu, mọi người có thể thấy người dân đang đói, chết vì đói khát như thế nào, nhân quyền ở đâu?".
"Chúng tôi kêu gọi các tổ chức nhân đạo và những người có lương tâm sát cánh cùng chúng tôi, chúng tôi kêu gọi thế giới tự do hỗ trợ cho những người bị áp bức này”, một bà mẹ tại Gaza.
Chúng ta nhất quyết không được trao cho họ điều đó, Yoav Gallant.
Còn ở Israel, gia đình của 134 con tin còn lại đang nín thở trước một thỏa thuận, có thể đưa người thân của họ trở về nhà.
Đề nghị ngừng bắn tạm thời sẽ chứng kiến một số nhưng không phải tất cả các con tin được trả tự do, để đổi lấy việc Israel thả hàng trăm người Palestine bị giam giữ.
Israel đã nhiều lần từ chối yêu cầu ngừng bắn vĩnh viễn của Hamas, để đổi lấy tất cả các con tin Israel còn lại, nói rằng họ phải tiếp tục tiêu diệt Hamas.
Trong cuộc tuần hành kéo dài 4 ngày từ biên giới Gaza đến Jerusalem, ông Ronen Neutra, người cha của con tin 22 tuổi Omer Neutra, nói rằng chính phủ Israel có trách nhiệm bảo đảm quyền tự do cho tất cả mọi người, chứ không chỉ một số con tin mà thôi.
"Không ai có thể bị bỏ lại phía sau, cả người sống lẫn kẻ bị sát hại".
"Nội các chiến tranh có trách nhiệm bảo đảm rằng, thỏa thuận hiện tại sẽ bao gồm tất cả các con tin và chúng tôi không thể đồng ý bỏ lại bất kỳ lãnh vực nào”, Ronen Neutra.
Trong khi người Hồi giáo ở Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, chuẩn bị kỷ niệm tháng chay Ramadan, dự trù bắt đầu vào ngày 10 hoặc 11 tháng 3, căng thẳng hàng năm sẽ bùng lên tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem.
Khu vực này, vốn là thánh địa của tất cả các tôn giáo và được người Do Thái gọi là Núi Đền, đã trở thành điểm nóng về bạo lực giữa các nhóm tôn giáo trong những năm gần đây.
Năm rồi sau buổi cầu nguyện buổi tối trong tháng Ramadan, người Hồi giáo Palestine đã rào chắn bên trong Al-Aqsa, sau khi có báo cáo cho rằng các nhóm Do Thái cực hữu sẽ vào khu nhà để hiến tế một con dê, một hành động theo truyền thống bị các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái cấm đoán và được nhiều người coi là một hành vi phạm tội, cũng như là một chiêu trò chính trị đầy khiêu khích.
Sau đó cảnh sát Israel đã đột kích vào nhà thờ Hồi giáo trong trang bị chống bạo động, làm bị thương 50 tín đồ và bắt giữ ít nhất 400 người.
Và bây giờ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được cho là đã đồng ý hạn chế việc tiếp cận nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, đối với những người đến cầu nguyện trong tháng Ramadan.
Người đứng đầu Hamas là ông Ismail Haniyeh kêu gọi người Hồi giáo, bất chấp mọi hạn chế tiềm tàng.
"Đây là lời kêu gọi đến người dân của chúng tôi ở Jerusalem và Vùng Tây Ngạn, cũng như các khu vực bị chiếm đóng".
"Chúng ta hãy tuần hành về phía nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa từ ngày đầu tiên của tháng chay Ramadan, theo từng cá nhân hay theo mỗi nhóm, để cầu nguyện và ở lại trong đó, nhằm chống lại sự cấm đoán”, Ismail Haniyeh.
Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Israel là ông Yoav Gallant tuyên bố rằng, chính Hamas đang khuấy động căng thẳng trong khu vực, nhằm chia rẽ lực lượng Israel vì các mục tiêu chiến lược.
"Mục tiêu hàng đầu của Hamas vào thời điểm này, là gây ra bạo loạn bùng nổ ở Temple Mount, để chúng tôi buộc phải giảm bớt một số áp lực cho Hamas và chuyển nguồn lực cũng như lực lượng đến Bờ Tây và Jerusalem".
"Chúng ta nhất quyết không được trao cho họ điều đó”, Yoav Gallant.