Lãi suất đi xuống, nhưng liệu sự ủng hộ cho đảng Lao động có đi lên?

Prime Minister Anthony Albanese speaks to the media (AAP)

Prime Minister Anthony Albanese speaks to the media Source: AAP / DEAN LEWINS

Thủ tướng hy vọng mức độ ủng hộ sẽ tăng sau quyết định cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, phe đối lập khẳng định động thái này không đủ để giúp các gia đình đang gặp khó khăn. Khi ngày bầu cử đang đến gần, tỷ phú Clive Palmer cam kết sẽ quay trở lại chính trường, tuyên bố sẽ tranh cử dựa trên nền tảng chính sách giống Donald Trump.


Thủ tướng Anthony Albanese đang đặt mình vào hoàn cảnh của các gia đình khi lần đầu tiên được hưởng lợi từ việc cắt giảm lãi suất. Ông đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử và muốn ghi nhận công lao.

"Chính phủ của tôi đã hợp tác với người dân Úc để giảm lạm phát, tăng lương, giúp lãi suất giảm, cắt giảm thuế cho mọi người dân Úc và duy trì việc làm."

Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

"Khi chúng tôi nhậm chức, lạm phát đang cao và tiếp tục tăng, giờ đây nó đang giảm. Khi chúng tôi nhậm chức, lãi suất đang tăng, và giờ đây nó đang giảm. Khi chúng tôi nhậm chức, lương thực tế đang giảm, và giờ đây nó đang tăng trở lại. Tất cả những điều đó là kết quả của chính sách kinh tế mà chúng tôi đã thiết kế."

Lần tăng lãi suất đầu tiên trong chu kỳ này xảy ra khi chính phủ liên đảng cầm quyền trong chiến dịch bầu cử trước đây.

Dưới thời Lao động, đã có 12 lần tăng lãi suất. Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton nhanh chóng đổ lỗi.
Thủ tướng có thể đang ăn mừng cùng Bộ trưởng Ngân khố, nhưng tôi biết vẫn còn rất nhiều gia đình đang vật lộn để chi trả hóa đơn mua sắm, tiền điện hay tiền gas. Mọi thứ đều tăng giá dưới thời chính phủ này, và lạm phát vẫn là một vấn đề lớn trong nền kinh tế.
Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton
Người phát ngôn của phe đối lập về ngân khố, Angus Taylor, cũng đưa ra cảnh báo.

"Thống đốc Ngân hàng trữ kim đã chỉ ra rõ ràng rằng chúng ta sẽ không thấy nhiều đợt cắt giảm lãi suất và chắc chắn sẽ không trở lại mức như trước khi chính phủ Lao động bắt đầu điều chỉnh lãi suất. Chúng ta đã chứng kiến 12 lần tăng lãi suất, và giờ chỉ mới có một lần giảm. Áp lực chi phí sinh hoạt vẫn đang đè nặng lên người dân Úc."
Thủ tướng phản bác.

"Hôm qua, trông Angus Taylor như thể con mèo của ông ta vừa bị xe cán vậy, trông thất vọng vô cùng. Họ vẫn tiếp tục bôi xấu nước Úc, còn tôi sẽ tiếp tục nói về những điều tích cực của đất nước này."

Các đảng nhỏ và các ứng cử viên độc lập ngày càng mở rộng ảnh hưởng và có thể đóng vai trò quyết định tại Hạ viện trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tỷ phú khai khoáng Clive Palmer đang muốn tham gia.

Ông tuyên bố sẽ theo đuổi khẩu hiệu chiến dịch "rút cạn đầm lầy" của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời ám chỉ sẽ đề cử ứng viên trên toàn quốc.

"Nước Úc cần các chính sách của Trump, người dân Úc mong muốn điều đó. Các cuộc thăm dò ý kiến đã cho thấy điều đó và sẽ tiếp tục thể hiện rõ ràng trong những ngày tới. Chúng ta không cần ai cho phép được sống tại chính đất nước của mình. Chúng ta tôn trọng mọi người dân Úc. Chúng ta cần tôn trọng tất cả những người đã góp phần xây dựng nước Úc như ngày nay."

Sau khi thất bại tại Tòa án Tối cao trong việc tái đăng ký đảng Palmer United Party, cựu thượng nghị sĩ này đang tìm cách đổi thương hiệu.

"Trumpet of Patriots sẽ đặt người dân Úc lên hàng đầu và làm nước Úc vĩ đại trở lại."

Ông vận động tranh cử dựa trên cam kết cắt giảm lãng phí của chính phủ, giảm nhập cư và chỉ công nhận hai giới tính sinh học.

Trong cuộc bầu cử trước, sau khi chi hàng trăm triệu đô la cho quảng cáo, ông chỉ giành được một ghế thượng viện cho Ralph Babet.

Thủ tướng nhanh chóng chỉ trích.

"Một gã chi hơn 100 triệu đô la chỉ để có được một ghế thượng viện, một gã ngồi ở góc phòng và liên tục lan truyền các thuyết âm mưu, không phải là một khoản đầu tư đáng giá."

Quốc hội đã thông qua luật giới hạn quyên góp tranh cử, nhưng luật này chỉ có hiệu lực sau cuộc bầu cử năm nay.

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay 

Share