Trung tâm nghiên cứu về tình trạng san hô, đã thực hiện các cuộc khảo sát trên không và dưới biển tại 84 địa điểm thuộc khu vực Di sản Thế giới cho biết, hậu quả đầy đủ về hiện tượng môi trường nầy vẫn chưa thể biết rõ.
Rặng san hô Great Barrier Reef được xem là viên kim cương quí báu trên vương miện cuả ngành du lịch nước Úc, khi nơi nầy thu hút 2 triệu du khách và đóng góp khoảng 6 tỷ đô la cho nền kinh tế, thế nhưng các nhà khoa học một lần nữa cảnh cáo rằng, rặng san hô hiện lâm nguy.
Năm nay Trung tâm Nghiên cứu về Rặng San Hô cho biết, đây là lần thứ ba trong 18 năm qua, rặng san hô bị bạch hóa do hiện tượng nóng ấm toàn cầu.
Trung tâm nói rằng, sự kiện nầy là do nhiệt độ nước biển nóng hơn, vốn xảy ra khi nhiệt độ toàn cầu gia tăng một độ bách phân so với trước kia.
Một trong các tác giả nghiên cứu của trung tâm, giáo sư John Pandolfi thuộc đại học Queensland cho đài ABC biết rằng, đó là tình trạng tệ hại nhất chưa từng có.
"Cuộc khảo sát của chúng tôi nới rộng, từ những nơi thuộc cực bắc của rặng san hô Great Barrier Reef lên đến quần đảo Torres và Papua tân Guine, rồi hướng về phía nam đến phía nam thành phố Townsville".
"Những gì chúng ta thấy, là ảnh hưởng lớn lao các san hô chết, từ Cairns lên phía bắc, có hơn 50 phần trăm san hô hiện đã chết, hay đang chết dần".
"Phía nam Cairns chúng ta có mức tử vong ít hơn, vào khảng 5 phần trăm và mọi việc khá hơn tại đây".
"Thế nhưng khi chúng ta tổng kết hai khu vực doc theo Great Barrier Reef, chúng ta có tỷ lệ san hô chết khoảng 35 phần trăm".
Các nhà khoa học của trung tâm hy vọng, những nơi san hô chỉ bị bạch hóa chút ít, sẽ phục hồi lại màu sắc trong vài tháng tới.
Thế nhưng họ cho biết, tình trạng bạch hóa dường như làm chậm lại tiến trình sinh sản và tăng trưởng của san hô.
Nói chung, trung tâm cảnh cáo việc hồi phục của san hô phải mất một thập niên hay lâu hơn, thế nhưng sẽ mất thời gian lâu hơn, để phục hồi các nhóm san hô lớn nhất và già nhất đã chết.
Trung tâm cho biết, san hô nay không còn sức chịu đựng như trước kia và hiện cố gắng để đối phó với tình trạng hiện tại.
Bộ trưởng Môi sinh Queensland là ông Steven Miles cho đài ABC biết rằng, khí hậu thay đổi là nguyên nhân của vụ san hô bị bạch hóa, thế nhưng vẫn còn các nguyên nhân khác nữa.
"Hậu quả nói chung của hiện tượng El Nino năm nay lại gia tăng cường độ với sự thay đổi khí hậu, khiến dẫn đến những thời kỳ nước biển ấm hơn nhiệt độ trung bình của nước biển, một cách lâu dài hơn".
"Thế nhưng những gì cũng biết, là chúng ta có thể giúp cho rặng san hô chịu đựng được với hậu quả của sự thay đổi khí hậu, bằng cách giải quyết các nguy cơ có tính cách địa phương, qua việc kiểm soát trực tiếp, vốn là những ô nhiễm thải ra từ đất liền".
"Quí vị không thể xem trọng vấn đề cứu vãn rặng san hô Great Barrier Reef, trong khi quí vị vẫn mở ra các vụ khai thác mỏ than đá mới, vốn sẽ ký bản án tử hình đối với rặng san hô". Lãnh tụ đảng Xanh, ông Richard Di Natale.
Các cuộc khám phá mới nhất diẽn ra, khi phe đối lập Lao động hứa hẹn, sẽ đầu tư nửa tỷ đô la trong 5 năm, nhằm giúp chống lại các nguy cơ của rặng san hô, bao gồm tình trạng khí hậu thay đổi.
Lãnh tụ đối lập Bill Shorten nói rằng, rặng san hô mà ông mô tả là xương sống của nền kinh tế thuộc vùng cực bắc Queensland, hiện lâm nguy.
Ông cho biết việc cứu vãn cần được thực hiện, cả về mặt môi trường và kinh tế.
"Chúng tôi sẽ đầu tư trực tiếp vào việc quản lý môi trường, đầu tư vào khoa học và nghiên cứu, chúng ta sẽ đầu tư vào việc bảo tồn thích hợp cho rặng san hô".
"Chúng ta sẽ đặt ra một ngân quỹ nửa tỷ đô la, để thực hiện các biện pháp nầy trong 5 năm tới, bởi vì rặng san hô rất xứng đáng để được cứu vãn".
Lao động cho biết, sẽ dành ra ngân khoản 100 triệu đô la để nghiên cứu và việc xúc tiến do cơ quan CSIRO, các đại học và những tổ chức khác.
Một ngân khoản khác là 300 triệu đô la, sẽ tài trợ cho các chương trình nhằm giảm bớt chất nitrô và phù sa trong nước biển, cùng ngân khoản lên đến 100 triệu đô la nhằm cải thiện việc quản lý rặng san hô.
Tổng trưởng Môi sinh, ông Greg Hunt bác bỏ các chỉ trích cho rằng, chính phủ liên bang đã không làm đủ.
Ông cho biết đã cung cấp 170 triệu đô la cho rặng san hô, trong bản ngân sách hồi tháng 5.
"Tôi hiểu Lao động hiện tìm cách bắt kịp. Chúng tôi đã loan báo ngân khoản 460 triệu đô la cho chương trình phụ thêm, trong thời gian chúng tôi nắm quyền".
"Tôi nghĩ con số thực sự hôm nay, là gần đến 370 triệu đô la".
"Có hai vấn đề hết sức quan trọng là, tại sao họ cắt giảm và thứ hai là 100 triệu đô la của chương trình, chỉ là thêm những quan liêu và không thể tin được".
Lời loan báo của Lao động diễn ra một tháng, sau khi đảng Xanh đưa ra một kế hoạch gồm 7 điểm, để cứu vãn rặng san hô, bao gồm một tỷ đô la nhằm giúp đỡ các công nhân mỏ than bị nghỉ việc.
Lãnh tụ đảng Xanh là ông Richard Di Natale nói rằng, kế hoạch cuả Lao động, không đáp ứng được nguyên nhân thực sự của việc san hô bị bạch hóa.
"Quí vị không thể xem trọng vấn đề cứu vãn rặng san hô Great Barrier Reef, trong khi quí vị vẫn mở ra các vụ khai thác mỏ than đá mới, vốn sẽ ký bản án tử hình đối với rặng san hô".
"Quí vị không thể xem trọng vấn đề nóng ấm toàn cầu và hậu quả đối với rặng san hô, trong khi quí vị nhận các hiến tặng lớn lao về nhiên liệu hóa thạch, khai thác các mỏ than mới và hủy bỏ các mục tiêu năng lượng tái tạo.