Mỹ, Âu Châu và các nước khác đề ra mục tiêu thải khí tại cuộc họp thượng đỉnh, trừ Úc

SBS News in Macedonian 23 april 2021, Macedonian community,

US President Joe Biden is seen on the screen as he attends the leaders summit on climate via video conference, in Brussels. Source: Getty Images

Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden hứa hẹn tại Cuộc họp Thượng đỉnh của các Nhà Lãnh Đạo về Khí hậu là sẽ cắt giảm khí thải tại Mỹ vào năm 2030, từ 50 đến 52 phần trăm của mức độ năm 2005. Trong khi một số nước khác cũng đặt ra mục tiêu mới, Thủ Tướng Scott Morrison chống lại áp lực trong việc cập nhật mục tiêu của Úc.


Phát động ‘Cuộc họp Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo về Khí hậu’, Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden hứa hẹn cắt giảm khí thải nhà kính của Mỹ vào năm 2030 từ 50 đến 52 phần trăm, của mức độ của năm 2005.

Mục tiêu nói trên là một phần của Hiệp Định Khí hậu Paris, thế nhưng không có tính cách bó buộc.

Ông Biden không đưa ra chi tiết về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu, thế nhưng cho rằng Mỹ không chờ đợi để dẫn đầu về một vấn đề mà ông kêu gọi là, ‘một sự thúc đẩy có tính cách đạo đức và kinh tế’.

“Quí vị biết những bước tiến này sẽ đưa Mỹ vào con đường kinh tế không thải khí, không trễ hơn là vào năm 2050".

"Sự thật là Mỹ chiếm ít hơn 15% lượng khí thải trên thế giới, thế nhưng không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng này, tất cả chúng ta đều phải tiến lên".

"Chúng tôi biết điều đó cực kỳ quan trọng như thế nào, bởi vì các nhà khoa học cho biết, đây là thập niên mà chúng ta phải đưa ra quyết định, để tránh những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng về khí hậu”, Joe Biden .

Trong khi đó, các Thủ Tướng của Nhật Bản và Canada cũng dùng cuộc họp thượng đỉnh để cam kết các mục tiêu mới vào năm 2030, trong khi Brazil thề quyết sẽ đạt đến thải khí bằng không vào năm 2050.

Tái xác nhận cam kết của Trung Quốc sẽ đạt đến tình trạng thải khí bằng không vào năm 2060 và giảm bớt thải khí từ năm 2030, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng loan báo một kế hoạch nhằm giới hạn việc sử dụng than đá.

“Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ các dự án phát điện bằng than đá".

'Chúng tôi giới hạn nghiêm nhặt việc tiêu thụ than đá trong kế hoạch ngũ niên thứ 14, từ 2021 cho đến 2025 và loại dần trong kế hoạch 5 năm lần thứ 15, từ 2026 cho đến 2030”, Tập Cận Bình.

Thế nhưng ông Tập muốn các nước phát triển, hãy có những nỗ lực vững chắc để giúp đỡ các nước đang phát triển, hầu gia tốc việc chuyển đổi sang việc phát triển nền kinh tế xanh và ít carbon.

Việc nầy cũng được Chủ tịch Hội đồng Âu Châu là ông Charles Michel lập lại.

“Chúng tôi quyết định cùng nhau huy động ít nhất 100 tỷ đô la mỗi năm cho việc tài trợ về vấn đề khí hậu".

"Liên Âu và các nước thành viên vẫn là thành phần đóng góp nhiều nhất vào quỹ khí hậu công cộng cho các nước đang phát triển".

'Chúng tôi thúc giục các nước phát triển hãy gia tăng phần đóng góp".

"Nếu chúng ta muốn được hòa bình với thiên nhiên, thì chúng ta cần loại bỏ khí thải trong các mô hình kinh doanh thương mại, đây là con đường duy nhất để thay đổi hướng đi mà thôi”, Charles Michel.

Còn Tổng Thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng lên tiếng.

“Điều quan trọng là viện trợ về biến đổi khí hậu nên được cung cấp một cách riêng rẻ và không nên là một thành phần trong việc trợ giúp phát triển thông thường".

'Khi viện trợ nầy được cấp dưới hình thức tài trợ tín dụng, thì gánh nặng nợ nần của các nước đang phát triển lại càng tệ hại hơn".

"Chúng tôi kêu gọi các nền kinh tế phát triển mà trong lịch sử đã từng gánh trách nhiệm lớn nhất về khí thải, hãy đáp ứng với trách nhiệm của mình đối với các nền kinh tế đang phát triển”, Cyril Ramaphosa.
"Một nhà lãnh đạo thực sự là phải đoàn kết mọi người với nhau, giáo dục, hướng dẫn quần chúng và phải nói thực”, Sarah Hanson Young.
Để đạt được bất cứ tiến bộ thực sự nào trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, mỗi quốc gia trên thế giới cần đóng vai trò của mình.

Thủ Tướng Tân Tây Lan, Jacinda Ardern thúc giục mọi nước, hãy theo gương của quốc gia của bà trong việc chấm dứt trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch, khai báo việc tài trợ liên quan đến khí hậu là chuyện bó buộc, cũng như cung cấp nguồn tài trợ thích hợp.

“Các nước láng giềng Thái Bình Dương của chúng ta đã xác định biến đổi khí hậu là một nguy cơ lớn lao và duy nhất cho cuộc sống, an ninh và thịnh vượng của họ".

'Mục tiêu chung của chúng tôi trong cuộc họp thượng đỉnh nầy và xa hơn, phải là hành động hữu hiệu trên toàn cầu về biến đổi khí hậu".

"Điều đó có nghĩa là các cam kết chung của chúng tôi trong năm 2021, sẽ cần phải đáp ứng với cảnh cáo về việc giới hạn nhiệt độ nóng ấm toàn cầu là 1,5 độ bách phân, so với nhiệt độ của thời tiền kỹ nghệ”, Jacinda Ardern.

Trong khi đó, một viên chức cao cấp trong chính phủ Biden cảnh cáo trước cuộc họp thượng đỉnh rằng, phải có sự chuyển đổi trong chính sách biến đổi khí hậu của Úc và Thủ Tướng Scott Morrison hiện chống lại áp lực nầy.

Điều đó khiến cho nước Úc nhắm vào việc giảm bớt thải khí vào năm 2050 từ 26 đến 28 phần trăm của mức độ năm 2005, vào khoảng phân nửa mục tiêu được xét lại của Mỹ.

Ông Morrison cho rằng, Úc nhắm vào việc làm thế nào để giảm bớt khí thải, hơn là đề ra các mục tiêu mới.

“Nước Úc trên đường tiến đến việc thải khí bằng không, mục tiêu của chúng tôi là đạt đến cột mốc đó càng sớm càng tốt khi chúng tôi có thể làm được qua kỹ thuật, vốn có thể biến thể các kỹ nghệ của chúng tôi".

"Chẳng có chuyện đánh thuế là có thể chấm dứt được khí thải, mà chính là các công việc cùng cuộc sống được hỗ trợ và tạo thành, đặc biệt trong khu vực của chúng tôi".

"Các thế hệ tương lai, những đồng nghiệp của tôi và mọi người sẽ cảm ơn chúng tôi, không phải do những lời hứa hẹn mà là những gì chúng tôi mang lại".

"Trên thắng lợi đó, nước Úc luôn luôn có thể được mọi người trông cậy vào”, Scott Morrison.

Thế nhưng trong việc trao đổi ý kiến với Tổng Trưởng Năng lượng Keith Pitt trong chương trình Hỏi và Đáp của đài ABC, thượng nghị sĩ đảng Xanh là bà Sarah Hanson Young chỉ trích đường lối của chính phủ, khi nói rằng nước Úc cần phải làm nhiều hơn nữa.

“Chúng ta phải thực tế về chuyện biến đổi khí hậu tại đây, bởi vì chúng ta đã gây ô nhiễm không khí và phải chấm dứt chuyện nầy".

'Chúng ta phải loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch, vốn làm cho hành tinh nầy càng thêm bệnh hoạn".

"Tôi biết rất khó cho ông Tổng Trưởng, do ông phụ trách bộ nầy từ Thủ Tướng giao cho".

"Những gì ông ta nói là tìm cách chia rẽ các thành thị và nông thôn, bằng quan điểm chính trị hết sức lười biếng".

"Chuyện nầy sẽ không đạt được thắng lợi và đối phó hữu hiệu, với một quốc gia chia rẽ".

"Một nhà lãnh đạo thực sự là phải đoàn kết mọi người với nhau, giáo dục, hướng dẫn quần chúng và phải nói thực”, Sarah Hanson Young.

Trong khi đó, chính phủ liên bang cho biết, chiến thuật giảm bớt khí thải của Úc sẽ được cập nhật, trước cuộc họp thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc tại Glasgow, vào tháng 11 sắp tới.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share