Nạn nhân bạo hành gia đình tham gia giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ

Mary page

Mary Page with some of the toys donated to 'Friends with Dignity' Source: SBS

Với những vụ bạo hành gia đình gia tăng tại Úc, các nạn nhân sống sót đã gia nhập những tổ chức từ thiện khác nhau. Cho đến nay họ đã trao các vật phẩm trị giá 8 triệu đô la cho các nạn nhân.


“Ồ ghế sa lông nầy thật tuyệt, hãy còn tốt”, Manuela Whitford.

Bà Manuela Whitford và chồng là Darryl đang chất nhiều tặng phẩm lên xe van của họ.

Đồ đạc và các vật dụng khác hiện được chở đến những nơi mà họ gọi là ‘nơi trú ẩn’, nhằm giúp đỡ các gia đình thoát khỏi nạn bạo hành gia đình, để họ có chỗ tạm trú.

“Các tình nguyện viên đến nhà kho của chúng tôi và đóng gói mọi thứ. Họ sẽ gởi một gói hàng cần thiết trong nhà tắm theo nhu cầu của gia đình và rồi một túi đồ dùng trong bếp, một gói để giặt giũ và chăn màn”, Manuela Whitford.

Được biết tổ chức từ thiện của bà có tên là ‘Người Bạn Với Phẩm Giá’ được thành lập hồi năm 2015.

Cho đến nay, tổ chức nầy giúp đỡ trong việc cung cấp đồ đạc thiết bị cho gần 700 gia đình, để họ bắt đầu cuộc sống mới.

“Hai tuần qua, tôi muốn nói rằng chúng tôi bị tràn ngập với các yêu cầu".

"Đó là các nhu cầu về các vật dụng cụ thể hay những giúp đỡ về tài chánh, thế nhưng trong tuần qua chúng tôi đã thực sự giúp đỡ cho 5 gia đình", Manuela Whitford.

Chính bà cũng không lạ gì với những hành vi bạo lực.

Bà trốn thoát đến Úc, sau một vụ tấn công bạo động hồi năm 2009.

Việc nầy diễn ra trên đường bà đi làm giữ một nơi công cộng, tại quê nhà ở Nam Phi.

“Họ chửi rủa, rồi xô tôi xuống đất, tôi bị trầy trụa khá nặng và cánh tay bị sưng lên".

"Tôi hoàn toàn bị bỏ mặc, mặc dù chung quanh có rất nhiều người, thế nhưng chẳng một ai đến giúp tôi cả".

"Đó là lúc mà tôi phải có một quyết định sáng suốt, là tôi sẽ không phải là người qua đường làm ngơ".

"Nếu tôi biết về chuyện bạo hành hay những việc tương tự như vậy, tôi sẽ đứng lên và giúp đỡ người đó”, Manuela Whitford.

Trong khi làm việc tại hệ thống lao tù ở Queensland, người y tá được huấn luyện nhận thấy có sự liên hệ giữa sự tái phạm và bạo hành gia đình.

“Tôi nói chuyện với các cá nhân và những nhóm khác nhau, tôi nghĩ phần lớn các cuộc đối thoại là nói về chuyện bạo hành, dù họ là người ra tay hay là những nạn nhân, câu chuyện nói chung là bạo hành trong gia đình”, Manuela Whitford.

Bà thiết lập tổ chức có tên là ‘Người Bạn Với Phẩm Giá’ có trụ sở tại ngoại ô Meadowbrooke ở Brisbane, gần thị trấn Logan.

Khu vực nầy nằm trong số các địa điểm gia tăng mọi loại lạm dụng, kể từ khi đại dịch xảy ra.

Nhà tranh đấu về bạo hành gia đình là bà Hayley Foster, giám đốc của tổ chức có tên là 'Fullstop Australia' tạm dịch là ‘Nước Úc hãy Chấm dứt’, giải thích.

“Đó là một cuộc khủng hoảng toàn quốc và còn trầm trọng hơn do đại dịch, như Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc gọi đó là một đại dịch trong bóng tối".

"Bởi vì mỗi tuần, chúng ta vẫn còn có các phụ nữ và trẻ em chết tại đất nước nầy".

"Hầu hết người dân Úc sẽ ngạc nhiên khi biết được, làm thế nào chuyện nầy xảy ra như vậy".

"Chúng ta nhìn vào con số, có 1 trong 3 phụ nữ bày tỏ một số hình thức về bạo hành thể xác, 1 trong 5 người trải qua bạo hành về tình dục".

"Và các tỷ lệ đó đối với phái nam, là 1 trong 2 người trải qua bạo hành thể xác và 1 trong 20 người bị lạm dụng tình dục”, Hayley Foster.
“Hãy ra khỏi nơi đó, không cần biết chuyện đó có khó khăn bao nhiêu hay sợ hãi đến đâu, cần phải thoát ra khỏi nơi đó”, Mary Page.
Trong khi đó bà Mary Page 66 tuổi, thoát nạn bạo hành gia đình cùng với 3 con trẻ hồi thập niên 1990 và nay là một thiện nguyện viên của tổ chức ‘Người Bạn với Phẩm Giá’, cho biết thật khó khăn để bắt đầu mọi chuyện trở lại.

“Lòng tôi nặng trĩu khi nghĩ đến họ, vì tôi biết nếu tôi có mặt ở đó, tôi biết những gì xảy ra".

"Nó chỉ khiến tôi cảm thấy, như tôi làm một điều thiện cho một ai mà họ rất cần đến”, Mary Page.

Bà có tên trong số 150 tình nguyện viên có đăng ký với tổ chức tại đông nam Queensland, New South Wales và Tây Úc.

Cho đến nay tổ chức từ thiện đã trao một lượng hàng hoá trị giá 8 triệu đô la, bà Mary biết rõ các tặng phẩm có thể thay đổi cuộc sống của họ như thế nào.

“Một khi họ đi vào ngôi nhà của mình với nhân viên hỗ trợ, họ đầm đìa nước mắt và kinh ngạc".

"Nếu có một dịch vụ như vậy từ 30 năm trước thì nó sẽ giúp đỡ cho tôi rất nhiều, đặc biệt với những đứa con nữa, vì chúng hãy còn rất bé bỏng”, Mary Page.

Trên khắp nước Úc, các phẩm vật hiến tặng rất cần đến với hầu hết các dịch vụ cho biết có sự gia tăng trong các trường hợp bạo hành gia đình nghiêm trọng kể từ khi đại dịch diễn ra, như bà Hayley Foster giải thích.

“Những người Thổ Dân, người khuyết tật, đặc biệt là những người bị thiểu năng trí tuệ, là những hạng người với mức nguy hiểm cao hơn".

"Những người nói một ngôn ngữ khác với tiếng Anh tại nhà, hay có lẽ ở trong tình trạng visa không ổn định, bất cứ ai có thể lâm vào hoàn cảnh đó có ít quyền hạn cho mình, thì tôi nghĩ họ là những người bị nguy cơ khá cao”, Hayley Foster.

Bà nói rằng chúng ta có thể giữ một vai trò quan trọng, bằng cách hỗ trợ cho những người đã trải qua nạn bạo hành gia đình.

“Quí vị có thể hiến tặng cho một tổ chức từ thiện chuyên về chuyện nầy, có thể lên tiếng khi thấy những kẻ phân biệt giới tính, hay những lời bình phẩm hoặc tính tình oán ghét phụ nữ".

"Quí vị có thể thực sự nói lên và có mặt ở đó để hỗ trợ cho họ, giúp họ tiếp cận các dịch vụ có sẵn”,Hayley Foster .

Là một người sống sót, bà Mary Page có lời khuyên sau đây gởi đến bất cứ ai gặp nguy cơ bạo hành.

“Hãy ra khỏi nơi đó, không cần biết chuyện đó có khó khăn bao nhiêu hay sợ hãi đến đâu, cần phải thoát ra khỏi nơi đó”, Mary Page.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share