Người Úc chuyển sang dùng hàng nhãn riêng – nhưng giá rẻ có đi kèm chất lượng?

Aussie shoppers in home brand shift

Credit: Pexels / Helena Lopes

Dù từng mang tiếng là “rẻ tiền”, ngày càng nhiều người Úc lựa chọn các sản phẩm nhãn riêng (home brand) khi mua sắm hàng tuần. Vậy tại sao dòng hàng này lại có giá thấp – và liệu cả người tiêu dùng lẫn siêu thị có thật sự được lợi?


Giữa lúc giá cả sinh hoạt tiếp tục leo thang, người tiêu dùng Úc đang tìm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu. Một trong những xu hướng nổi bật gần đây là sự quay trở lại với các sản phẩm nhãn riêng homebrand, những mặt hàng từng bị xem nhẹ vì hình ảnh “thấp cấp”.

Theo báo cáo quý mới nhất từ hệ thống siêu thị Coles, cứ ba khách hàng thì có một người đang mua nhiều sản phẩm nhãn riêng hơn nhằm tiết kiệm khi tính tiền.
LISTEN TO
Vietnamese_home_brand_shift_070525.mp3 image

Người Úc chuyển sang dùng hàng nhãn riêng – nhưng giá rẻ có đi kèm chất lượng?

SBS Vietnamese

04:22
Nhưng hàng nhãn riêng thực chất là gì? Và mức giá thấp đó có ẩn chứa điều gì không?

Hàng nhãn riêng là gì?

Sản phẩm nhãn riêng, còn gọi là private label, là những mặt hàng được sản xuất riêng cho các siêu thị và được bán dưới thương hiệu của chính hệ thống đó.

Tại các nhà bán lẻ như Woolworths, Coles và Aldi, những sản phẩm này thường không do siêu thị trực tiếp sản xuất, mà được đặt hàng từ các nhà máy bên ngoài.

Trong một số trường hợp, cùng một nhà máy có thể sản xuất cả nhãn hiệu cao cấp lẫn hàng nhãn riêng của siêu thị.

“Tuy được sản xuất tại cùng một nơi, nhưng điều đó không có nghĩa là sản phẩm giống hệt nhau,” bà Sarah Megginson, phát ngôn nhân của trang so sánh tài chính Finder cho biết với SBS News. “Có khi bạn sẽ không phân biệt được sự khác biệt giữa hàng hiệu và hàng nhãn riêng, nhưng cũng có trường hợp mùi vị hoặc chất lượng hoàn toàn khác nhau.”
homebrand.jpg
Homebrand - hàng nhãn riêng, siêu thị tự làm tự bán ở Coles, Woolworths và Aldi Credit: Screenshot from Coles, Woolworths, and Aldi websites

Tại sao hàng nhãn riêng lại rẻ hơn?

Có nhiều lý do khiến sản phẩm nhãn riêng thường rẻ hơn hàng thương hiệu.

Theo bà Megginson, chi phí bao bì đơn giản hơn, ít trung gian trong chuỗi cung ứng, và đôi khi sử dụng nguyên liệu hoặc công thức tiết kiệm hơn đều góp phần làm giảm giá thành.

Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất là chi phí tiếp thị gần như bằng không.

“Các thương hiệu lớn đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng hình ảnh và chạy chiến dịch quảng cáo,” bà Megginson giải thích. “Chưa kể họ còn phải trả nhiều tiền cho siêu thị để được trưng bày ở vị trí thuận mắt như kệ ngang tầm mắt hoặc cuối dãy hàng.”

“Trong khi đó, hàng nhãn riêng không tốn chi phí này, thường nằm ở kệ dưới cùng, nhường chỗ cho hàng đắt tiền.”

“Hầu hết chúng đều rẻ hơn hàng thương hiệu và nếu vẫn đạt yêu cầu về hương vị hay hiệu quả (như với sản phẩm tẩy rửa), thì đây là lựa chọn đáng cân nhắc khi ngân sách eo hẹp,” bà nói thêm.

Bà Kate Browne, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Compare Club, nhận xét chất lượng hàng nhãn riêng tại Úc hiện nay “rất tốt”.

Điểm hạn chế duy nhất có thể là ít lựa chọn hơn. Ví dụ, sốt cà chua của nhãn riêng có thể chỉ có cà chua nguyên chất, trong khi sản phẩm thương hiệu có thêm húng quế, tỏi hoặc các gia vị khác.

Ngoài ra, sự chênh lệch giá có thể đến từ chi tiết nhỏ, như việc lon cà chua có nắp bật hay không.

Chất lượng có bảo đảm?

Theo tổ chức bảo vệ người tiêu dùng CHOICE, câu trả lời là có, thậm chí có lúc vượt mong đợi.

Trong nhiều năm qua, CHOICE đã thử nghiệm nhiều mặt hàng nhãn riêng và kết quả cho thấy chúng thường cho hiệu quả tốt hơn các sản phẩm đắt tiền hơn.

“Chúng tôi nhận thấy điều này ở nhiều danh mục sản phẩm, bao gồm túi trà, cà phê, kem, chất tẩy rửa máy rửa chén, giấy vệ sinh và nhiều loại khác,” một chuyên gia của CHOICE chia sẻ với SBS News.

“Chẳng hạn, trong thử nghiệm túi trà gần đây nhất, trà đen Just Organic của Aldi đạt điểm cao nhất trong tổng số 32 thương hiệu. Mỗi túi chỉ có giá 6 cent, nhưng lại rẻ hơn và ngon hơn cả Lipton, Twinings, Tetley và T2.”

Siêu thị được lợi gì?

Không chỉ người mua, mà bản thân siêu thị cũng hưởng lợi từ việc phát triển hàng nhãn riêng, đây là cách vừa giúp khách tiết kiệm, vừa tăng lợi nhuận cho họ.

“Các siêu thị rất chuộng nhãn riêng vì đó là thương hiệu do họ sở hữu,” bà Browne nói.

“Chúng ta đã thấy sự thay đổi lớn trong mô hình bán lẻ ở Úc. Cách đây 10-12 năm, siêu thị có rất nhiều thương hiệu bên ngoài. Nhưng nay, phần lớn là sản phẩm do siêu thị tự phát triển, và lý do chính là lợi nhuận.”

Bà cho biết khi làm việc với các thương hiệu lớn, siêu thị phải đàm phán với nhà cung cấp bên ngoài, tốn thời gian và chi phí. Còn với nhãn riêng, họ chủ động được mọi thứ, từ sản xuất đến phân phối, giúp tối đa hóa lợi nhuận.

Dù điều này có thể làm giảm sự đa dạng lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng đổi lại là giá thành rẻ hơn và siêu thị kiểm soát được nhiều hơn.

Giá thực phẩm đang "cắn" vào túi tiền

Khi chi phí sinh hoạt vẫn là mối quan tâm lớn của người dân, quầy kệ siêu thị nay cũng phản ánh rõ điều đó.

Theo khảo sát của CHOICE vào tháng 1, có đến 84% hộ gia đình lo ngại về giá thực phẩm và hàng tạp hóa.

“Vì giá cả tăng cao, nhiều người chuyển sang mua các sản phẩm rẻ hơn để tiết kiệm chi tiêu,” CHOICE nhận định.

Khảo sát cùng thời điểm của Finder với 1.013 người cho thấy 39% đang chuyển qua dùng thương hiệu rẻ hơn do áp lực tài chính.

Tương tự, nghiên cứu từ Compare Club phát hiện 80% người Úc đang chịu mức căng thẳng cao hoặc rất cao về hóa đơn, và một nửa trong số đó đã phải cắt giảm những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu.

“Chúng tôi thấy hành vi người tiêu dùng đang thay đổi rõ rệt. Điều đáng lo là một số người bắt đầu dùng hình thức mua trước trả sau để mua đồ ăn,” bà Browne nói.

“Nhưng mặt tích cực là người tiêu dùng cũng cởi mở hơn với các thương hiệu. Họ tìm sản phẩm rẻ nhất, không quan trọng nhãn mác nữa.”

Ngoài ra, nhiều người hiện nay chọn ghé qua nhiều siêu thị khác nhau để so sánh giá trước khi tới hệ thống lớn. “Họ tìm mức giá tốt nhất và sẵn sàng thử nhãn mới.”

Hàng nhãn riêng – từ “giải pháp cuối” thành lựa chọn phổ biến

Từng bị xem là giải pháp bất đắc dĩ, hàng nhãn riêng giờ đây đã trở thành một phần quen thuộc trong bếp của nhiều gia đình Úc – và định kiến cũng dần phai nhạt.

“Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong vài thập kỷ qua,” bà Browne kết luận. “Trước đây có chút kỳ thị, nhưng giờ chúng đã trở thành yếu tố làm thay đổi cuộc chơi trong thị trường.”
Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ hay 

Share