Người Úc lo lắng cho thân nhân mắc kẹt ở Gaza và Lebanon

A Palestinian family sits inside a tent in a refugee camp in Khan Yunis

A Palestinian family sits inside a tent in a refugee camp in Khan Yunis Source: AAP / Middle East Images/ABACA/PA/Alamy

Chính phủ Liên bang nói họ đang làm tất cả những gì có thể để mở cửa khẩu biên giới với Ai Cập, bảo đảm việc đi lại an toàn của dân thường, giữa lúc hơn 70 người Úc và vợ con vẫn bị mắc kẹt ở Gaza. Trong khi đó, tại Lebanon, khi căng thẳng có nguy cơ leo thang giữa Israel và Hezbollah, khoảng 15.000 người Úc đang được khuyến khích nên cân nhắc việc rời đi.


Cậu bé này nằm trong số những người Úc bị mắc kẹt tại cửa khẩu Rafah ở Gaza.

“Không có nơi nào an toàn. Không có nơi nào hết... Cháu muốn quay lại đạp xe ở vùng ngoại ô, cháu muốn quay lại chơi bóng đá với bạn bè. Cháu thực sự đã chịu đựng đủ rồi. Chuyện này không bình thường chút nào.”

Gia đình em cùng với rất nhiều người nước ngoài đã đi đến biên giới Rafah với hộ chiếu trong tay với hy vọng được thoát ra ngoài.

Mẹ của em nói với đài SBS tiếng Ả Rập rằng những nỗ lực ngoại giao nhằm mở lại cửa khẩu cho dân thường rời đi đến nay đã thất bại.

"Chúng tôi đã được các quan chức Úc thông báo - họ đã gọi điện thoại cho chúng tôi nhiều lần và bảo chúng tôi đến đây để vượt biên, nhưng thật không may... không có hành động nào cả. Cho đến nay không có hành động nào nghiêm túc cả. Chúng tôi rất thất vọng. Chúng tôi thực sự hy vọng có thể vượt qua biên giới chỉ vài cây số - để đến một nơi an toàn hơn."

Bộ Ngoại giao nói họ đang hỗ trợ 77 người Úc, thường trú nhân và thành viên gia đình trực hệ ở Gaza, đồng thời nói với SBS là “tình hình ở Gaza rất khó khăn và đang thay đổi nhanh chóng”.

Về phần mình, chính quyền Israel đã nhiều lần kêu gọi người dân ở thành phố phía bắc Gaza hãy tìm đường hướng về phía nam vì sự an toàn của họ.

Nhưng các khu vực phía Nam cũng đã bị tấn công.

Hồi cuối tuần, một cuộc không kích của Israel đã tấn công một tiệm cà phê tại thành phố Khan Younis miền nam - chỉ cách biên giới khoảng 10 cây số - lúc đó những người Palestine di tản đang tụ tập trong quán cà phê để sạc pin điện thoại.

Khoảng 12 người đã thiệt mạng.

Đối với Yazan Hellis, 12 tuổi, đến từ Melbourne, giao tranh gần như trở thành một chuyện bình thường khủng khiếp.

"Tôi đang bắt đầu quen với nó. Vẫn còn đáng sợ khi có vụ đánh bom ở gần, nhưng tôi cũng bắt đầu quen với nó rồi."

Trong khi đó, ở quê nhà Úc, những căng thẳng có nguy cơ leo thang ở Lebanon đang gợi lại những ký ức đau buồn về nhiều cuộc chiến mà họ từng trải qua ở quê nhà.

Năm 2006, gia đình Mokdad đến từ Sydney chỉ mới đi nghỉ được một tuần ở miền nam Lebanon - và bị sốc khi thấy mình bị cuốn vào cuộc chiến kéo dài 5 tuần giữa Israel và Hezbollah.

Chị gái Sarah nói rằng họ buộc phải chạy trốn khỏi nhà của ông nội và tị nạn lên phía bắc.

"Hai tuần sau, chúng tôi vẫn bị kẹt ở đó, 30 người trong số chúng tôi, chen chúc trong căn hộ 2 phòng ngủ.”

Sau đó, họ đã trốn thoát nguy hiểm để đến Syria trong đêm, lái xe trên con đường, mà họ nói rằng – chỉ vài phút sau - đã bị đánh bom - và ngôi nhà mà họ tạm trú khi sơ tán đã bị phá hủy.

"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Nó rất rủi ro. Chúng tôi đã nghĩ về điều kinh khủng nhất và chúng tôi chấp nhận rủi ro. Cái chết gần như ở ngay trước mắt chúng tôi."

Bây giờ, mười bảy năm đã trôi qua, người Úc ở Lebanon lo lắng rằng họ có thể rơi vào tình huống tương tự - tuần trước nhiều người Úc đang ở Lebanon đã được thúc giục hãy quay về nhà ở Úc, sau cảnh báo du lịch từ Ngoại trưởng Penny Wong.

"Nếu bạn là người Úc và đang ở Lebanon, bạn nên cân nhắc việc rời đi ngay bây giờ nếu thấy an toàn."

Tại Sydney, điện thoại của đại lý du lịch Zakaria Ammoun đã đổ chuông không ngừng kể từ cảnh báo của Ngoại trưởng.

"Chúng tôi rất, rất bận vì chính phủ đã gửi cảnh báo... Họ rất sợ hãi. Nếu sân bay đóng cửa thì họ sẽ bị mắc kẹt ở đó."

Sarah Mokdad cho biết nhiều người thân của cô đang chuẩn bị di tản.

Nhưng đối với người chị họ người Úc của cô, Nina Rizk - đang đi nghỉ ở Lebanon trước sự kiện ngày 7 tháng 10 - thì mọi chuyện không đơn giản như vậy.

"Thật không công bằng và ích kỷ khi chúng tôi chỉ cần thu dọn đồ đạc và quay về nhà trong khi những người dân nơi đây đang thực sự bị mắc kẹt. Chúng tôi thật may mắn khi được sinh ra ở Úc và chúng tôi có một nơi trú ẩn an toàn ở đó - nhưng những người này thì không.”

Sarah nói dựa trên kinh nghiệm của cô, không có ai và không nơi nào là an toàn.

"Thực tế là tôi đã ở đó và tôi đã trải qua, đó chắc chắn không phải là điều tôi mong muốn xảy ra với bất kỳ người nào."



Share