Những người đam mê đi xe đạp nói Úc có thể học hỏi từ cuộc cách mạng đi xe đạp của Hà Lan

Daily Life In The Netherlands

A view of the bicycle path and bicycle parking in Amsterdam, Netherlands on September 1, 2022. (Photo by Jakub Porzycki/NurPhoto via Getty Images) Source: Getty / NurPhoto/NurPhoto via Getty Images

Vào Ngày Xe đạp Thế giới 3/6, câu chuyện về cuộc cách mạng của người dân Hà Lan, dẫn đến những tiện ích trong thành phố dành cho xe đạp, đang truyền cảm hứng cho những người đam mê đạp xe đạp ở Úc.


Nhiều nơi ở Châu Âu - như Hà Lan và Đan Mạch - nổi tiếng với văn hóa đạp xe đạp.

Tại Úc, thì không nhiều lắm.

Mặc dù những thay đổi về cơ sở hạ tầng đã được thực hiện trong vài năm qua, chẳng hạn như việc các thành phố phát triển làn đường riêng dành cho xe đạp, nhưng những lo ngại về an toàn khi đi xe đạp vẫn còn phổ biến.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình hình người dân đi xe đạp cũng như mức độ về cơ sở hạ tầng hiện nay của Úc, không khác xa so với Hà Lan trước đây.

"Nhiều người luôn nghĩ rằng Hà Lan là thiên đường của việc đi xe đạp, và xe đạp là một phần trong DNA của người Hà Lan. Đôi khi người ta còn nói đùa rằng, 'Ồ, người Hà Lan sinh ra đã có xe đạp', có thể nói như vậy. Vì vậy, đây thực sự là một văn hóa đi xe đạp, nhưng không phải mọi thứ sẵn sàng bày ra cho bạn như vậy ngay từ đầu”.

Đó là giám đốc điều hành Đại sứ quán Xe đạp Hà Lan Lucas Harms.

Ông nói vào những năm 60 và 70, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra khi người dân Hà Lan nhận ra rằng phần lớn thành phố của họ sẽ bị phá hủy để nhường chỗ cho ô tô và đường cao tốc.

"Nó dẫn đến một cuộc nổi dậy, các cuộc biểu tình rầm rộ về điều mà chúng tôi gọi là 'Phong trào ngăn chặn tai nạn giết chết trẻ em', mọi người biểu tình vì có rất nhiều trường hợp bị chết vì tai nạn giao thông và có rất nhiều người thiệt mạng khi đi trên đường."

Kể từ đó, người Hà Lan đã thiết kế lại hoàn toàn đường phố của họ để phù hợp cho việc đạp xe đạp nhiều hơn.

"Chúng tôi thực sự đã đấu tranh để được đạp xe đạp, kể từ những năm sáu mươi và bảy mươi. Và vâng, chúng tôi đã thiết kế lại và xây dựng lại gần như toàn bộ các đường phố của mình kể từ lúc đó, để phù hợp với việc đạp xe đạp nhiều hơn."

Như vậy, liệu áp dụng văn hóa đi xe đạp nhiều hơn nữa có hiệu quả ở Úc không?

Một nghiên cứu của tổ chức Đi lại An toàn và Bền vững của trường Đại học Monash cho thấy 78% người Úc quan tâm đến việc đi xe đạp, nhưng chỉ có 1,9% các chuyến đi thực sự được thực hiện bằng xe đạp.

Kết quả cũng cho thấy nhiều người bị cản trở do các rào cản về an toàn và thiếu sự kết nối - những lo ngại được chia sẻ bởi Dân biểu Đảng Xanh của vùng Balmain, NSW, Kobi Shetty.

"Chúng ta từng nói rất nhiều về việc phải đưa con mình thoát ra khỏi màn hình. Tôi nghĩ nếu chúng ta lo lắng về việc có những người phản đối làn đường dành cho xe đạp ở Úc hay phản đối kiểu thay đổi đường phố đó, thì một cách tốt để bắt đầu là nói về sự an toàn của trẻ em, khiến mọi người thay đổi ý tưởng về việc đạp xe đạp, để bảo đảm rằng con cái chúng ta đến trường an toàn, và sau đó chúng ta có thể bắt đầu xây dựng nền văn hóa đạp xe đạp."

Ngày 3 tháng 6 đánh dấu Ngày Xe đạp Thế giới.

Trong ngày này những người đam mê xe đạp thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc làm thế nào Úc có thể đi theo sự dẫn đầu của những nơi chẳng hạn như Hà Lan và áp dụng những sự thay đổi tương tự.

Giáo sư Michiel Bliemer tại Viện Nghiên cứu Vận tải và Hậu cần của Trường Kinh tế, Đại học Sydney, giải thích.

"Khi tôi đến Sydney hơn 10 năm trước, hầu như không có làn đường dành cho xe đạp. Rất không an toàn. Tôi từng đi xe đạp ở Hà Lan, nhưng tôi đã không đi xe đạp trong một thời gian rất dài khi đến Sydney. Bây giờ điều đó đã thay đổi, vì hiện tại nơi tôi sống, trong thành phố Sydney, có khá nhiều làn đường dành cho xe đạp... Như vậy yếu tố còn lại là sự kết nối. Chúng ta cần có một sự kết nối xuyên vùng, để có thể đi từ vùng A đến vùng B. Vì vậy, chỉ xây dựng một làn đường dành cho xe đạp hoặc một con đường riêng biệt để đạp xe đạp ở vùng ngoại ô thì không có ý nghĩa gì. Vì vậy, cần có thời gian để xây dựng một mạng lưới đường giao thông dành cho xe đạp.”

Dân biểu New South Wales Kobi Shetty nằm trong số những người tham gia buổi công chiếu bộ phim Together We Cycle, giới thiệu cách Hà Lan đạt được vị trí như ngày hôm nay ra sao.

Bà nói bà muốn thấy Úc đi theo sự dẫn dắt đó của Hà Lan.

"Thật vui khi nhìn thấy Hà Lan đã trở lại với văn hóa xe đạp vào những năm 1970, bởi vì tôi cảm thấy nó không khác lắm với vị thế của chúng ta ở Úc hiện nay. Và biết rằng họ có thể đưa ra quyết định và thay đổi mọi thứ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, khiến tôi cảm thấy như chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm điều tương tự ở Sydney."

Giáo sư Michiel Bliemer cho biết đã có kế hoạch đang được tiến hành, nhưng có thể mất vài chục năm để thiết lập.

"Tại Greater Sydney, có một Kế hoạch chiến lược về Hành lang dành cho xe đạp. Họ đã lập một kế hoạch với tầm nhìn rằng bạn có thể đạp xe đạp từ thành phố Sydney đến Penrith và đến Campbelltown, tất cả đều bằng Đường dành cho xe đạp. Và tất nhiên phải mất một thời gian, hay có lẽ mất nhiều thời gian để xây dựng nó."

Dân biểu Balmain Kobi Shetty nói điều này cũng sẽ đòi hỏi ý chí về chính trị cao.

"Có một chút thách thức. Chúng tôi biết rằng các đảng lớn chưa thực sự chú ý đến việc thu hút mọi người đi xe đạp và cũng không đặc biệt năng động trong các hành động về khí hậu và giao thông tích cực. Có những người thực sự muốn thay đổi mọi thứ trong quốc hội, về tất cả các vấn đề chính trị. Vì vậy, tôi nghĩ nếu có những cuộc trò chuyện, thu hút những người từ Hà Lan đến nói chuyện với các đồng nghiệp tại Quốc hội New South Wales, và nghe về những sự thay đổi có thể được thực hiện tương đối đơn giản, nếu chỉ cần một chút ý chí muốn thay đổi, và cho họ thấy nó thực sự tốt như thế nào."

Lucas Harms của Đại sứ quán Xe đạp Hà Lan cho biết ngoài lợi ích về sức khỏe, xã hội và môi trường, việc triển khai làn đường dành cho xe đạp cũng mang lại lợi ích về mặt chi phí nữa.

"Chẳng hạn, luôn có rất nhiều cuộc thảo luận và ồn ào về các chủ cửa hàng trên đường phố rằng họ sợ rằng doanh thu của họ sẽ giảm nếu bạn biến đường phố thành nơi có nhiều không gian hơn cho người đi xe đạp. Họ nghĩ, 'ồ, khi đó mọi người sẽ không thể đi xe hơi đến, họ sẽ không thể đậu xe và mua hàng, và doanh thu của các cửa hàng sẽ giảm sút.' Nhưng thực ra thì ngược lại. Chúng tôi đã thấy trong nhiều trường hợp, ở nhiều thành phố trên thế giới, kể cả ở Hà Lan, doanh thu của các chủ cửa hàng trên đường phố sẽ tăng lên, vì đường phố có nhiều không gian hơn, hấp dẫn hơn, vỉa hè hay sân thượng đầy mời gọi và những người đi xe đạp đến mua sắm thường xuyên hơn."

Ông cũng thừa nhận rằng không phải ai cũng có khả năng tiếp cận như nhau và ông nói rằng có những chiếc xe đạp cụ thể dành cho người khuyết tật.

"Ví dụ: họ có thể sử dụng xe đạp ba bánh hoặc bốn bánh ở Hà Lan. Có những loại xe đạp cụ thể đáp ứng nhu cầu cụ thể. Và cũng có đủ không gian trên làn đường dành cho xe đạp ở Hà Lan để đáp ứng cho những người đó đi những chiếc xe đạp đặc biệt. Và điều đáng nói là do có rất nhiều người đi xe đạp ở Hà Lan, nên không gian còn lại dành cho ô tô thực sự được sử dụng rất hiệu quả."

Trong 5 năm qua, mục tiêu của Đại sứ quán Xe đạp Hà Lan là mang kiến thức và chuyên môn từ Hà Lan đến các thành phố và quốc gia trên khắp thế giới.

Lucas Harms nói ông hy vọng điều đó cũng có thể tiếp tục ở Úc.

"Vì vậy, chúng tôi có thể cử chuyên gia đến Sydney để làm việc cùng với các chuyên gia của Úc, để lấy cảm hứng từ những gì người Hà Lan đã học được, trên con đường gập ghềnh này, kể từ những năm 70. Cũng có thể chúng tôi thực hiện điều đó với tư cách là một đại sứ quán và quan sát, chẳng hạn như đưa những người có ảnh hưởng, hoặc người ra quyết định cấp cao từ Úc đến Hà Lan, để họ tự mình trải nghiệm đi xe đạp và tự mình xem xét những gì họ có thể làm được trong khả năng với các thành phố ở Úc.”


Share