Nuôi con ở Úc: Phụ nữ không đi làm là ăn bám chồng?

Sẽ không có một thước đo chuẩn mực để đánh giá việc phụ nữ nên hay không nên ở nhà chăm con khi con nhỏ, điều đó tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người mẹ và mỗi gia đình

Sẽ không có một thước đo chuẩn mực để đánh giá việc phụ nữ nên hay không nên ở nhà chăm con khi con nhỏ. Source: Ha Trang

Có những người mẹ Việt ở nhà nuôi con tâm sự, họ không đi làm nên phụ thuộc tất cả vào tài chính của chồng. Muốn mua cái áo, cái túi cho mình cũng không dám “xin chồng”, cha mẹ ở Việt Nam đau ốm, lễ tết cũng không dám biếu các cụ vài đồng, hoặc đi chơi với bạn bè, chẳng lẽ lại ngửa tay ra xin chồng?


Đôi dòng về khách mời:

Đoàn Phạm Hà Trang là mẹ của hai bé Subi và Subo, hiện sống tại Sydney. Cô là một  có nhiều bài viết chia sẻ quan điểm nuôi dạy con cái, nhận được sự đồng cảm từ độc giả.

Hà Trang làm việc trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ mầm non, trước khi nghỉ việc và làm mẹ toàn thời gian để đồng hành trọn vẹn cùng các con. Cô hiện đang giảng dạy tiếng Việt và kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo và cấp một tại Úc. 


Cô tốt nghiệp đại học ngành Chính trị quốc tế thuộc chuyên ngành Quan hệ Quốc tế và Thạc sỹ Quan hệ quốc tế.



Với cá nhân Hà Trang, chị đã lùi lại phía sau, gác lại sự nghiệp của mình để chăm sóc con cái như thế nào? Vì sao lúc đó chị lại quyết định như vậy?

Cảm ơn câu hỏi này đã cho Trang nhìn lại cuộc sống của mình từ khi bắt đầu vai trò mới – làm vợ, làm mẹ.

Mình kết hôn rồi sang Úc khi vừa kết thúc năm đầu tiên của chương trình Thạc sĩ mình đang theo học ở nước ngoài. Một năm còn lại để nghiên cứu và viết luận văn, mình đồng thời mang thai và sinh con nhỏ. Trong quá trình 1.5 năm đầu đời của con, mình vừa bên con, vừa hoàn thành lấy bằng Thạc sĩ. Khi con được 17 tháng, mình bắt đầu đi học Tiếng Anh, rồi học chuyên ngành khác để có hướng phát triển sự nghiệp trong tương lai. Trong quá trình đi thực tập, mình được mời giữ lại làm nhân viên chính thức. Làm được một thời gian ngắn thì mình từ chối lời mời công việc đó và xin nghỉ việc để tiếp tục có thời gian thêm cho con. Khoảng thời gian mình đi học, thực tập và đi làm đó kéo dài chừng 1 năm rưỡi.

Thời gian đó, mình làm việc toàn thời gian. Ngày nào cả nhà mình cũng phải ra khỏi nhà từ rất sớm, con mình luôn là học trò đến sớm nhất trường và lại là học trò được đón khi trường chỉ còn vài chục giây là đến giờ đóng cửa. Một buổi sớm đông, khi trời còn nhá nhem tối, hai mẹ con đang trên đường đến trường, nắm chặt tay mình, mắt mở to, con hỏi: “Mẹ ơi, hôm nay, mẹ có thể đón con sớm được không mẹ?”. Hai giây sau, con tiếp lời: “Mẹ ơi, nhưng nếu mẹ bận, mẹ phải đi làm không đón được con sớm thì mẹ cứ làm mẹ ạ. Con không sao cả”.
Phụ nữ đi làm không có nghĩa là họ vô trách nhiệm với con cái, gia đình. Ngược lại phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái, nhà cửa cũng không phải “thứ đồ ăn bám”.
Lời nói ấy làm mình giật mình. Một đứa trẻ gần 3 tuổi có mong muốn giản đơn là mẹ đón sớm một chút, mà mẹ bao lâu nay không thực hiện được. Lúc ấy, mình quay lại nghĩ đến mình ở thời điểm mang bầu, rõ ràng mình muốn sinh con là cho niềm hạnh phúc của chính mình, mà sao giờ lúc con bé bỏng cần mẹ nhất, thì mẹ lại bận bịu đến vậy. Và rồi, mình nghĩ, những năm về sau, khi con đã lớn, con đâu còn cần mình đâu. Khi ấy, mình muốn dành thời gian cho con, con cũng không còn thời gian cho mình nữa. Rồi tối đó, mình viết thư xin nghỉ việc.

Sự đánh đổi đó có khiến chị Hà Trang cảm thấy hài lòng và xứng đáng khi nhìn thấy sự phát triển của các con ngày hôm nay không?

Cho đến giờ, khi bé thứ 2 đã gần 4 tuổi, mỗi lần nhìn lại những quãng nghỉ trong cuộc đời để bên con, mình luôn thầm cảm ơn vì ngày đó mình đã quyết định như vậy. Hai con lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ, chắc chắn. Mỗi nấc lớn của các con may mắn đều trôi qua bình yên và đầy ắp niềm vui với đời sống tinh thần đủ đầy. Bố mẹ - con cái và giữa con cái với nhau có sự gắn bó thân thiết. Mình thấy hạnh phúc vì những gắn bó giữa mẹ và con được nuôi dưỡng từ khi con bé là nền tảng để tạo nên sự gần gũi, tin cậy, sẻ chia của con với mẹ. Chính sự gắn kết đó giúp con tự tin và bình an trước mọi sự chuyển giao của một đời người.
Mỗi nấc lớn của các con may mắn đều trôi qua bình yên và đầy ắp niềm vui với đời sống tinh thần đủ đầy
Mỗi nấc lớn của các con may mắn đều trôi qua bình yên và đầy ắp niềm vui với đời sống tinh thần đủ đầy. Source: Ha Trang
Phụ nữ chọn ở nhà chăm con, họ cần đảm bảo được điều gì? Nếu người chồng hiểu chuyện, tôn trọng vợ, không coi vợ là kẻ ăn bám, thì đó là điều tốt đẹp, nhưng nếu người chồng coi thường người vợ ở nhà nuôi con, thì việc hy sinh như vậy liệu có đáng không?

Sẽ không có một thước đo chuẩn mực để đánh giá việc phụ nữ nên hay không nên ở nhà chăm con khi con nhỏ, điều đó tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người mẹ và mỗi gia đình.

Phụ nữ đi làm không có nghĩa là họ vô trách nhiệm với con cái, gia đình. Ngược lại phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái, nhà cửa cũng không phải vì họ như người đời khó nghe vẫn nói là “thứ đồ ăn bám”. Ai không thích ở nhà với con? Ai không thích được ra ngoài phát triển sự nghiệp? Là chúng ta lựa chọn điều gì phù hợp nhất trong hoàn cảnh đó mà thôi.

Phụ nữ trước khi quyết định ở nhà cần cân nhắc:

-        Bản thân có thực sự muốn ở nhà hay không? Phải thật sự vui vẻ với quyết định đó mới có thể có những tháng ngày ở nhà vui vẻ và thu hoạch.

-        Vợ và chồng đã đồng thuận khi đưa đến quyết định đó hay chưa?

-        Điều kiện kinh tế gia đình có cho phép người phụ nữ an tâm ở nhà hay không?

-        Người chồng có phải là người đủ vững chãi để làm trụ cột về kinh tế và chỗ dựa về tinh thần để hai vợ chồng có thể nương tựa vào nhau cùng vun vén cho gia đình không?

-        Bản thân người phụ nữ có thuộc tuýp cầu tiến, học hỏi hay không? Ở nhà buộc mình sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để cập nhật học hỏi, không làm mình thụt lùi đi.

Vậy nên, vế sau của câu hỏi “Nếu người chồng hiểu chuyện, tôn trọng vợ, không coi vợ là kẻ ăn bám, thì đó là điều tốt đẹp, nhưng nếu người chồng coi thường người vợ ở nhà nuôi con, thì việc hy sinh như vậy liệu có đáng không?” mình nghĩ không cần phải trả lời nữa, mỗi thính giả đều có câu trả lời của riêng mình.

Nhiều gia đình chồng nghĩ rằng khi con dâu ở nhà là con họ đang nuôi nó. Vậy theo chị Hà Trang phụ nữ nên đối diện và xử lý điều này thế nào?

Câu hỏi này thú vị và thật ghê. Đúng là tư tưởng này rất phổ biến. Không cần phải soi xét kỹ, rõ ràng chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy phụ nữ ở nhà không phải là “ăn không ngồi rồi” chỉ là ăn, chơi và tiêu tiền. Phụ nữ ở nhà chăm sóc nhà cửa, con cái cũng là một công việc toàn thời gian. Người đi làm bình thường chỉ phải làm 8 tiếng/ngày. Còn phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái, gia đình sẽ làm việc 24/24. Con khóc một tiếng là mẹ vùng dậy. Giai đoạn con bé, 2h/lần dậy hút sữa, gần như thức trắng cả đêm. Những ngày con ốm con đau, đêm lục đục, cũng là mẹ không ngủ ngồi canh nhiệt độ cơ thể con.

Gia đình không của một mình người vợ. Mình người mẹ không đẻ ra được con. Rõ ràng con cái, gia đình là do cả con trai, con dâu tạo thành. Hai vợ chồng khi đã đồng thuận lựa chọn để người chồng đi làm, người vợ ở nhà chu toàn con cái, nhà cửa thì nên có sự trao đổi rõ ràng với gia đình chồng (nếu có ý kiến như trên). Người vợ, người mẹ luôn phải nhận được sự tôn trọng từ chồng và gia đình chồng.

Sự thật là ở đây không ai nuôi ai mà là hoàn cảnh nào, lựa chọn gì để phù hợp nhất. Một mái ấm, có người đóng vai chính trong bộ phim kinh tế, cũng có người đổi lại đóng vai chính trong bộ phim chăm chút gia đình. Khi cần ta vẫn có thể đổi vai cho nhau. Hình ảnh stay-at-home dad cũng có rất nhiều ở những nước phương Tây.
Hà Trang, mẹ của hai bé trai sống tại Sydney, chia sẻ việc làm mẹ toàn thời gian là quyết định hạnh phúc nhất của cô.
Hà Trang, mẹ của hai bé trai sống tại Sydney, chia sẻ việc làm mẹ toàn thời gian là quyết định hạnh phúc nhất của cô. Source: Ha Trang
Có những người mẹ ở nhà nuôi con tâm sự, họ không đi làm nên phụ thuộc tất cả vào tài chính của chồng. Muốn mua cái áo, cái túi cho mình cũng không dám “xin chồng”, cha mẹ ở Việt Nam đau ốm, lễ tết cũng không dám biếu các cụ vài đồng, hoặc đi chơi với bạn bè, chẳng lẽ lại ngửa tay ra xin chồng? Chị Hà Trang suy nghĩ về chuyện “xin tiền chồng” hay việc chia sẻ tài chính  của vợ chồng trong những hoàn cảnh chồng đi làm- vợ ở nhà nuôi con như thế nào?

Mình nghĩ là vấn đề tài chính của gia đình, đặc biệt là giữa hai vợ chồng cần được ngồi lại trao đổi và có những nguyên tắc nhất quán từ khi chuẩn bị tiến tới hôn nhân chứ không phải đến khi có con, người ở nhà, người đi làm mới nói câu chuyện này.

Có nhiều người lâu nay vẫn suy nghĩ rằng người phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái, gia đình là đang “ăn bám” chồng hay “chồng nuôi”. Mà đáng buồn là ngay chính người vợ, người mẹ ở nhà cũng tự ti tự nghĩ mình như vậy. Mình đã từng có một bài viết trên trang cá nhân, tính ra rằng, một người phụ nữ ở nhà tương đương với một người đi làm 3-4 việc cùng lúc: bảo mẫu (24/24), quản gia, đầu bếp, giáo viên,… tính ra thu nhập phải vào $150.000-$200.000/năm. Nói chi tiết đến như vậy, để nói lên một điều, người phụ nữ cần phải nhìn ra giá trị trong việc ở nhà của mình trước tiên, rồi từ đó mới có thể có cái nhìn tự tin và có những nguyên tắc tài chính hợp lý trong gia đình với người bạn đời của mình.
Nhiều người lâu nay vẫn nghĩ phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái, gia đình là đang “ăn bám” chồng hay “chồng nuôi”. Mà đáng buồn là ngay chính người vợ, người mẹ ở nhà cũng tự ti tự nghĩ mình như vậy.
Ở nhà không có nghĩa là không tự chủ về kinh tế. Hai vợ chồng hoàn toàn có thể đưa đến thống nhất để có sự tôn trọng lẫn nhau trong vấn đề tài chính. Thu nhập của cả gia đình trong một tháng sẽ được phân chia cho các khoản chi hàng tháng của gia đình, khoản tiết kiệm, đầu từ chung và cả khoản tiêu riêng cho mỗi người.

Vợ và chồng đều có một chiếc thẻ chi tiêu riêng, với con số cố định đã được hai vợ chồng bàn bạc. Mọi thứ cần rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu. Khi đã có sự đồng thuận và rõ ràng như vậy về tài chính thì đứng trước các vấn đề liên quan đến chi tiêu tài chính như quà cáp cho gia đình hai bên hay các mối quan hệ khác đều khó xảy ra vướng mắc.

Suy cho cùng, dù ai đi làm, ai ở nhà, đi đến thống nhất về quan điểm quản lý tài chính trong gia đình là để tài chính của cả gia đình được bền vững. Và để làm được điều đó thì hơn tất cả cần sự thấu hiểu, tin tưởng và không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức và quản lý cuộc sống hiệu quả hơn cả cả vợ và chồng. Điều này không chỉ giúp cho tài chính của gia đình bền vững hơn mà còn nâng cao hạnh phúc hôn nhân, giúp sợi dây kết nối trong gia đình bền chặt hơn.
Hai anh em Subi và Subo.
Hai anh em Subi và Subo. Source: Ha Trang
Lùi lại để tiến lên, sau khi các con đã bước qua giai đoạn nhũ nhi, sơ sinh, và vào nhà trẻ, cũng là lúc người mẹ có thể quay trở lại công việc của mình. Làm cách nào để ở nhà nhưng vẫn không thụt lùi và có thể bắt kịp với công việc, tìm được việc làm?

Như đã chia sẻ ở trên, ở nhà là khi cánh cửa mở rộng tri thức và phát triển bản thân phần nào bị thu hẹp lại. Điều đó đòi hỏi, người phụ nữ trong quá trình ở nhà phải tự học hỏi, không ngừng làm mới mình. Cái mới ở đây là cả về tri thức và ngoại hình. Nhất định không được để mình vì ở nhà mà phải “cũ”. Luôn luôn tự học hỏi, trau dồi bản thân là điều vô cùng cần thiết. Giờ đây internet phát triển, ngồi ở nhà chỉ với một chiếc máy tính, hay chỉ là một chiếc điện thoại thông minh bạn có thể tiếp cận với những tri thức mới vô cùng tiện lợi. Bạn hoàn toàn có thể bắt gặp những tấm gương về tri thức, về nghị lực cuộc sống… ở khắp mọi nơi trên mạng. Đó cũng chính là học. Chỉ cần bạn muốn học, bạn không bao giờ bị thụt lùi.

Thứ hai, ở nhà không có nghĩa là không suy nghĩ về tương lai. Ngay trong khoảng thời gian ở nhà, phụ nữ có thể suy nghĩ xem mình thật sự muốn gì, muốn phát triển sự nghiệp theo hướng nào, từ đó có định hướng, có kế hoạch từng bước để đạt được mục tiêu đó khi con cái qua tuổi nhũ nhi, người mẹ có thể trở về với công việc. Cần nhớ, phải luôn luôn có sự chuẩn bị cho tương lai. Có rất nhiều thứ bạn có thể suy nghĩ để chuẩn bị như: Nếu muốn chuyển sang nghề mới thì cần có những chứng chỉ học, phải học những khóa học nào, nghề đó có thể làm ở những đâu… Nếu vẫn làm chuyên môn cũ thì sau một thời gian nghỉ ở nhà, mình cần thường xuyên cập nhất kiến thức về chuyên ngành đó, các bước có thể làm để thuyết phục nhà tuyển dụng khi gửi đơn xin việc…

Công việc ở khắp mọi nơi: ở trên mạng, ở ngoài phố khi ta đi dạo (rất có thể sẽ vô tình nhìn thấy bảng tuyển dụng nào đó phù hợp với chuyên môn), ở những người quen (rất nhiều cơ quản không đăng tuyển trên mạng mà chỉ trong nội bộ biết)... Do đó, đừng quên luôn quan sát, để ý và kết nối với mọi người xung quanh. 'Networking' là điều vô cùng quan trọng không chỉ để xin việc mà còn làm cho cuộc sống của mình chất lượng hơn rất nhiều.
Người phụ nữ trong quá trình ở nhà phải tự học hỏi, không ngừng làm mới mình. Cái mới ở đây là cả về tri thức và ngoại hình. Nhất định không được để mình vì ở nhà mà phải “cũ”.
Thật đáng tiếc, nhiều phụ nữ sau một thời gian ở nhà dễ đánh mất đi sự tự tin, sự chủ động và độc lập. Vậy nên, điều cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất là phải luôn tin tưởng vào bản thân mình. Khi bạn nghĩ bạn không làm được thì bạn sẽ không làm được. Nhưng khi bạn tin là mình làm được, bạn sẽ tìm cách để thực hiện được điều bạn muốn. Bạn chính là điều bạn tin tưởng. Có tin vào bản thân mới có thể vui vẻ và lạc quan để an tâm ở nhà chăm sóc con cái trong hạnh phúc và có hiệu quả. Có tin tưởng bản thân mới có thể trở lại với công việc một cách tự tin nhất.

Mời quý thính giả nghe phỏng vấn qua audio.

Share