Thế hệ thứ Hai (Bài 51): Lan Hopwood và bí mật gia đình

Lan Hopwood tại Việt Nam (Supplied)

Lan Hopwood tại Việt Nam (Supplied)

Lan Hopwood có mẹ là người Việt và ba là người Úc. Bảy năm trước, Lan phát hiện rằng mình được nhận nuôi và rời khỏi Việt Nam từ khi còn rất nhỏ. Thế nhưng cho đến bây giờ, ba mẹ nuôi của Lan vẫn không hề tiết lộ bất cứ thông tin gì về thân thế của cô.


Lan Hopwood , 45 tuổi, là người Úc gốc Việt.

Lan đến Úc khi còn rất nhỏ.

Mẹ của cô, người Việt và ba cô, người Úc, đã kết hôn ở Sài Gòn trước khi rời khỏi Việt Nam sau sự kiện Sài Gòn sụp đổ. Họ đến Úc và bắt đầu cuộc sống mới.

Khi Lan lớn lên, ba mẹ cô rất ít khi nói về quá khứ của gia đình.

“Chúng tôi không bao giờ được phép hỏi ba mẹ gặp nhau như thế nào hay họ đến Úc như thế nào. Chúng tôi không bao giờ được nói bất cứ điều gì về Việt Nam.”

Bảy năm trước, Lan phát hiện ra rằng cô đã được đưa ra khỏi Việt Nam khi còn là một bé gái. Cô cũng không nằm trong chương trình ‘Không vận Trẻ em Việt Nam’ (Operation Babylift) đã mang hơn 500 trẻ em mồ côi đến Úc trong vài năm cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam.

Trong khi ba của Lan Hopwood thừa nhận rằng ông cảm thấy nhẹ người khi bây giờ cô đã biết sự thật, nhưng Lan cho hay ba mẹ nuôi của cô vẫn không hé lộ thêm bất cứ điều gì về thân thế của cô.

Kim Anh: "Được biết rằng Lan Hopwood được nhận nuôi. Khi nào thì chị biết được sự thật này?"

Lan Hopwood: "Tôi nhận được thông tin chính thức vào năm 2008."

Kim Anh: "'Formal' ở đây theo ý của Lan nghĩa là như thế nào?"

Lan Hopwood: "Tôi đã hỏi tổ chức Freedom Information rằng họ có bất cứ thông tin gì về bản thân tôi hay không. Và trong hồ sơ mẹ nuôi của tôi có một tờ giấy ghi rằng tôi là trẻ mồ côi được nhận nuôi."
Tôi chỉ cảm nhận được điều đó từ trái tim mình, rằng chúng tôi nhìn không giống nhau, tôi nói năng cũng không giống ba mẹ... Tôi khác biệt."
Kim Anh: "Vậy trước đó, trước năm 2008 thì như thế nào?"

Lan Hopwood: "Khi còn là một đứa trẻ, tôi không hiểu từ 'adopted' nghĩa là gì. Tôi chỉ cảm nhận được điều đó. Tôi không nhận ra những người xung quanh mình. Và tôi chỉ biết rằng tôi không thuộc về họ."

"Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ cảm nhận được điều đó từ trái tim mình, rằng chúng tôi nhìn không giống nhau, tôi nói năng cũng không giống ba mẹ... Tôi khác biệt."

Kim Anh: "Mẹ nuôi của Lan là người Việt. Vậy chị có cảm nhận được mối liên hệ nào với mẹ nuôi của mình hay không?"

Lan Hopwood: "Không, chúng tôi nhìn khác nhau, và mối hệ giữa chúng tôi cũng không thật dễ chịu cho lắm."

Kim Anh: "35 năm nghi ngờ về nguồn gốc của mình, đó quả thật là cả một khoảng thời gian dài phải không?"

Lan Hopwood: "Đúng vậy, đó là một khoảng thời gian dài, từ 4 tuổi cho đến 35 tuổi. Và tôi luôn cảm thấy rằng mình không thuộc về gia đình này. Đó quả thật là một cuộc hành trình rất cô đơn."

"Đó cũng là thời gian rất khó khăn với tôi. Hiện tôi cũng đã có gia đình riêng, nhưng tôi vẫn rất đa cảm khi thấy mình sao cô đơn đến thế."

Kim Anh: "Khi chị Lan biết sự thật thì chị cảm thấy như thế nào?"

Lan Hopwood: "Ban đầu tôi cảm giác tuyệt vọng bởi có gia đình vẫn tốt hơn là không có gia đình. Nhưng tôi cũng cảm thấy là mình đã bị lừa dối trong một thời gian dài. Và điều đó làm tim tôi đau đớn vì gia đình tôi đã nói dối trong một thời gian dài cho dù với bất kỳ lý do nào đi chăng nữa."
"Tôi nghĩ rằng ba mẹ nuôi cho rằng tôi là đứa con vô ơn bạc nghĩa và lẽ ra không có lý do gì để tôi phải tìm kiếm gia đình của mình. Nhưng tôi đã cố gắng giải thích cho ba mẹ nuôi rằng tôi mãi mãi yêu thương họ, họ là gia đình của tôi. Nhưng tôi cần phải biết sự thật rằng tôi đến từ đâu."
Kim Anh: "Bây giờ, khi chị đã biết sự thật, ba mẹ nuôi của chị có nói thêm điều gì với chị không?"

Lan Hopwood: "Không, họ rất thất vọng vì chuyện tôi đã tìm kiếm thông tin. Họ không muốn nói về điều đó. Tôi nghĩ rằng ba mẹ nuôi cho rằng tôi là đứa con vô ơn bạc nghĩa và lẽ ra không có lý do gì để tôi phải tìm kiếm gia đình của mình. Nhưng tôi đã cố gắng giải thích cho ba mẹ nuôi rằng tôi mãi mãi yêu thương họ, họ là gia đình của tôi. Nhưng tôi cần phải biết sự thật rằng tôi đến từ đâu."

Kim Anh: "Chị nghĩ tại sao ba mẹ nuôi lại muốn che giấu sự thật?"

Lan Hopwood: "Tôi thật sự cũng không biết lý do. Ba mẹ nuôi của tôi đã trải qua cuộc chiến Việt Nam và mọi người quyết định vì nhiều lý do khác nhau. Tôi không đứng ở vị trí của họ nên cũng không thể giải thích được tại sao họ lại quyết định như vậy, hay họ đang che giấu bí mật gì."

"Điều này thật lạ lùng. Tôi cố gắng không quá xúc động khi nghĩ đến điều này bởi tôi cảm thấy thật đau đớn tận tâm can."

"Thậm chí câu chuyện này thật lạ lùng và tôi không hiểu lý do tại sao ba mẹ nuôi lại bí mật như vậy, có thể họ đang bảo vệ tôi trước một sự thật kinh khủng nào đó chăng."
sbs second generation, lan hopwood
Lan Hopwood. Source: Supplied
Kim Anh: "Khi chị biết sự thật vào năm 2008, sau đó thì chị làm gì?"

Lan Hopwood: "Tôi đã khóc. Tôi khóc rất lâu vì tôi phát hiện ra rằng tôi mất hết tất cả những gì tôi biết. Tất cả mọi thứ đều là dối trá. Tôi cảm giác rằng mình phải bắt đầu lại mọi thứ một lần nữa. Tôi phải thích nghi và suy nghĩ xem tôi sẽ làm gì tiếp theo."

"Tôi có nên đến gặp ba mẹ nuôi và nói với họ rằng tôi đã biết sự thật dù tôi biết tôi có thể làm họ tổn thương. Bởi vì họ đã giữ bí mật trong suốt nhiều năm qua. Nhưng khi tôi đến gặp ba nuôi và hỏi ông về sự thật, ông đã không nói gì cả, ông chọn không nói gì cả."

Kim Anh: "Tại sao sau đó chị lại quyết định điều tra về nguồn gốc của mình?"

Lan Hopwood: "Mỗi ngày tôi nhìn vào gương mà không biết tôi đang nhìn thấy ai. Rất khó để mọi người hiểu cảm giác của tôi, tôi cảm thấy mình là người Việt Nam nhưng tôi không có lịch sử. Tôi muốn có cơ hội để tìm hiểu xem tôi giống ba hay giống mẹ, hoặc anh chị em. Ở một nơi nào đó tại Việt Nam, tôi có gia đình mà có lẽ họ cũng đang tìm kiếm tôi. Và tôi mong muốn có cơ hội được gặp họ trước khi tôi chết."

Kim Anh: "Chị cũng đã thuê một thám tử tư ở Việt Nam để tìm kiếm ba mẹ ruột?"

Lan Hopwood: "Tôi đã liên lạc với một thám tử tư nhưng chưa từng trả tiền cho họ. Ông ta đã giúp đỡ tôi, lắng nghe câu chuyện của tôi rồi nói rằng ông ta sẽ điều tra. Ông ta nói rằng đã phỏng vấn nhiều gia đình với những câu chuyện tương tự bởi vì nhiều gia đình đã tán tác trong cuộc chiến Việt Nam và nhiều gia đình cũng đang tìm kiếm nhau. Ông ta đã tìm thấy một gia đình với anh chị và lấy mẫu DNA từ họ và xét nghiệm tại Việt Nam."
"Tôi muốn có cơ hội để tìm hiểu xem tôi giống ba hay giống mẹ, hoặc anh chị em. Ở một nơi nào đó tại Việt Nam, tôi có gia đình mà có lẽ họ cũng đang tìm kiếm tôi. Và tôi mong muốn có cơ hội được gặp họ trước khi tôi chết."
Kim Anh: "Kết quả như thế nào?"

Lan Hopwood: "Tôi đã chờ đợi kết quả rất lâu, và cảm thấy lo sợ lẫn hồi hộp. Sau đó tôi nhận được kết quả rằng mẫu DNA giống nhau và họ là anh chị em của tôi."

"Trước đó, tôi luôn nói với ông ta rằng tôi muốn làm xét nghiệm ở một nơi khác bên ngoài Việt Nam. Tôi đã nhờ một người bạn thân tín đến Việt Nam, lấy mẫu DNA từ hai anh chị em đó một lần nữa. Và khi kết quả xét nghiệm từ Mỹ cho thấy các mẫu không khớp nhau."

"Khi tôi nhận được tin xấu, tôi lại khóc. Tôi lại mất đi gia đình mới này của mình một lần nữa. Tôi liên lạc với người bạn ở Việt Nam để báo cho anh chị em ở đó biết rằng tôi không phải là chị em của họ. Tôi cũng thấy lo lắng cho họ bởi vì họ cũng đang tìm kiếm chị em của mình."

"Tôi muốn tiếp tục tìm kiếm. Tôi chỉ không biết sẽ tiếp tục làm gì. Và ai có thể giúp tôi bởi tôi không nói tiếng Việt được nhiều. Một vấn đề nữa là với những đứa trẻ được nhận nuôi như tôi, chúng tôi không có một đại diện nào ở Việt Nam để có thể tin tưởng. Và ai muốn giúp đỡ những đứa trẻ như tôi và gia đình của chúng tôi?"

Kim Anh: "Bây giờ chị Lan sẽ làm gì? Tiếp tục cuộc hành trình của mình?"

Lan Hopwood: "Tôi là một đứa trẻ Việt Nam. Tôi muốn tìm hiểu văn hóa của mình và trở về quê hương, trở về với gia đình mình. Tôi nhớ họ nhiều như họ nhớ tôi. Tôi muốn con cái của tôi biết gia đình của chúng, tổ tiên ông bà của chúng. Và tôi sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi tôi tìm thấy gia đình mình."

Kim Anh: "Chị có cảm nhận được phần Việt Nam trong con người của mình hay không?"

Lan Hopwood: "Có chứ, tôi đã trở về Việt Nam hai lần. Và tận trong thâm tâm, tôi vui mừng đến mức òa khóc. Tôi gặp gỡ mọi người, tôi nói chuyện, cười và khóc với họ, tôi cảm thấy như mình trở về nhà. Tôi không thể diễn tả được cảm giác này. Tôi yêu người Việt Nam rất nhiều. Nhưng tôi không thể xác định được tôi thuộc về nơi nào."
"Tôi đã trở về Việt Nam hai lần. Và tận trong thâm tâm, tôi vui mừng đến mức òa khóc. Tôi gặp gỡ mọi người, tôi nói chuyện, cười và khóc với họ, tôi cảm thấy như mình trở về nhà."
Kim Anh: "Cho đến bây giờ, chị vẫn chưa chắc mình thuộc về nơi nào?"

Lan Hopwood: "Đúng vậy. Tôi được nuôi dạy ở Úc. Tôi nói tiếng Anh. Tôi nhìn giống người Việt nhưng những người Việt ở đây lại nói rằng tôi không giống người Việt. Tôi trở về Việt Nam và mọi người cũng nói tôi không giống người Việt. Nhưng những người ở Việt Nam họ tử tế với tôi và chấp nhận tôi."

Kim Anh: "Chị có tham dự vào các hoạt động cộng đồng Việt ở đây không?"

Lan Hopwood: "Không vì tôi không nói tiếng Việt. Dường như họ không thật sự chấp nhận tôi. Thỉnh thoảng họ còn chọc ghẹo tôi khi tôi cố gắng nói tiếng Việt. Có lẽ do tôi nói tiếng Anh như người Úc và tôi nhìn khác biệt. Tôi không hoàn toàn giống người Việt Nam và họ không chấp nhận tôi. Điều đó khiến tôi rất buồn vì tôi muốn biết nhiều hơn về cộng đồng của mình. Tôi nghĩ mình cũng là một người khá dễ thương, tôi thích cười nhiều. Nhưng có vẻ đến gần người Việt ở đây là chuyện khá khó khăn với tôi."

Kim Anh: "Chị có cảm thấy cô đơn khi không thuộc về nơi nào, cả ở Úc lẫn ở Việt Nam?"

Lan Hopwood: "Tôi cảm thấy rất cô đơn. Càng lớn tuổi tôi càng cảm thấy cô đơn vì con cái của tôi cũng dần trưởng thành. Bọn trẻ tiếc nuối cho tôi  khi nhìn thấy mẹ của chúng cứ tìm kiếm gia đình. Tôi không muốn bọn trẻ tội nghiệp tôi, tôi cũng không muốn sự thương hại của mọi người. Tôi chỉ muốn biết sự thật, tôi chỉ muốn tìm kiếm gia đình mình và tôi muốn ra ngoài và nói rằng 'Vâng, tôi là người Việt Nam". Nhưng tôi đang sống ở Úc."

"Tôi muốn trở về nhà ở Việt Nam, sống cùng với gia đình và những người yêu thương, chia sẻ câu chuyện với những người thân của mình."
"Tôi là một đứa trẻ Việt Nam. Tôi muốn tìm hiểu văn hóa của mình và trở về quê hương, trở về với gia đình mình. Tôi nhớ họ nhiều như họ nhớ tôi. Tôi muốn con cái của tôi biết gia đình của chúng, tổ tiên ông bà của chúng. Và tôi sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi tôi tìm thấy gia đình mình."
Kim Anh: "Giả dụ như nếu chị không thể tìm thấy ba mẹ ruột hay người thân ruột thịt của mình, chị sẽ làm gì?"

Lan Hopwood: "Tôi không biết nữa. Quả thật đây là một câu hỏi hay. Tôi chỉ có thế nói rằng tôi sẽ cố gắng hết sức để thích nghi, rằng tôi chỉ có một mình và tôi phải chấp nhận điều này."

Share