Sức khỏe là Vàng: Hội chứng cường giáp

pexels-valeria-ushakova-3094210.jpg

Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi yếu ớt là một dấu hiệu cảnh báo về cường giáp. Source: unsplash/Valeria Ushakova.

Cường giáp là khi tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone, cơ thể sẽ chuyển hóa năng lượng nhanh hơn bình thường. Cường giáp tuy không quá phổ biến nhưng có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.


So với nhược giáp, cường giáp thường gây nhiều lo lắng hơn bởi nó có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Trong khi có khoảng 4-5% dân số bị nhược giáp, thì chỉ có khoảng 1% bị cường giáp.
Tuy tỷ lệ bị cường giáp không cao, nhưng khoảng 1% trong số bệnh nhân cường gipas có nguy cơ bị thyroid storm, một tình trạng có thể dẫn đến chết người.
Bác sĩ Michael Dũng Cao
Triệu chứng của cường giáp

Tương tự nhược giáp, các dấu hiệu bệnh cường giáp cũng không đặc hiệu lắm và dễ nhầm lẫn với những triệu chứng bệnh khác.

Một số bệnh nhân cường giáp thường có nhịp tim đập nhanh, khoảng trên 100 nhịp/phút, với các triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác bất an, đôi khi khó thở, mất ngủ.

Một số triệu chứng khác bao gồm run tay chân, đổ mồ hôi nhiều, sợ thời tiết nóng, da mỏng đi, móng tay giòn dễ gãy, cơ bị yếu và teo.

Nguyên nhân gây cường giáp

Có nhiều nguyên nhân gây cường giáp bao gồm bệnh Grave, u tuyến giáp lành tính, viêm sưng tuyến giáp và những bệnh liên quan đến hệ miễn dịch.

Bệnh Grave là một bệnh tự miễn làm cho tuyến giáp sản xuất hormone nhiều hơn bình thường. Bệnh Grave có thể di truyền nhưng không lây. Một dấu hiệu thường gặp của bệnh Grave là tình trạng lồi mắt, nhãn cầu bị lồi ra.

Biến chứng của cường giáp

Nếu bị cường giáp mà không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như biến chứng ở tim, gây suy tim, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Cường giáp lâu ngày có thể gây loãng xương, do cơ thể chứa quá nhiều hormone từ tuyến giáp làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ Canxi vào xương, dẫn đến xương yếu, giòn và loãng xương.

Cơn bão tuyến giáp (thyroid storm) là biến chứng nguy hiểm nhất của cường giáp. Bệnh nhân thường bị sốt, tim đập rất nhanh, mệt mỏi và giảm nhận thức.

Chẩn đoán và điều trị cường giáp

Có thể chẩn đoán cường giáp qua xét nghiệm máu xác định nồng độ TSH (Thyroid Stimulating Hormone).

Điều trị cường giáp bao gồm nhiều phương pháp tùy theo nguyên nhân bệnh, bao gồm dùng thuốc uống kháng thyroid, thuốc phóng xạ Iodine (I-131) để giảm hoạt động tuyến giáp, thuốc Beta Blocker dùng để kiểm soát nhịp tim và giảm triệu chứng cường giáp. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là một lựa chọn khác.


Mời quý vị vào phần Audio để nghe giải đáp của Bác sĩ Michael Dũng Cao về 'hội chứng cường giáp' trong chương trình Sức khỏe là Vàng.

Share