Sức khỏe là Vàng: Hội chứng nhược giáp

doctor-g0b74017ab_1920.jpg

Nhược giáp được chẩn đoán qua việc thử máu xác định nồng độ Thyroid Stimulating Hormone. Source: Pixabay/Darko Stojanovic

Nhược giáp hay suy giáp là tình trạng tuyến giáp không tạo ra đủ hormone để kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể. Nhưng triệu chứng của nhược giáp không đặc hiệu lắm và dễ gây nhầm lẫn với bệnh khác. Nhược giáp nguy hiểm như thế nào? Những ai dễ bị nhược giáp?


Hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc điều tiết và kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể. Nếu thiếu các hormone này sẽ dẫn đến giảm chức năng tuyến giáp hay còn gọi là suy giáp, nhược giáp.

Bệnh nhược giáp khá phổ biến, chiếm khoảng 4-5% dân số. Tuy bệnh dễ trị và không quá nguy hiểm, nhưng nếu không chữa trị kịp thì dẫn tới nguy cơ tim mạch cao và có nguy cơ gây tử vong.

Triệu chứng của nhược giáp

Triệu chứng của nhược giáp thường không đặc hiệu lắm và dễ gây nhầm lẫn với bệnh khác.

Triệu chứng nhược giáp thường bao gồm: cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, trầm cảm, dễ nóng giận, da khô nhợt nhạt, mặt hơi sưng, cholesterol tăng cao, huyết áp tăng, đau nhức cơ-khớp, dễ bị chuột rút, da cảm thấy tê rần, dễ bị táo bón, giọng trở nên khàn, phụ nữ dễ tăng cân và rối loạn kinh nguyệt.

Ở người càng lớn tuổi thì bệnh nhược giáp càng xảy ra nhiều, nên đôi lúc khiến người ta chỉ nghĩ đó là chứng dementia - suy giảm trí nhớ ở người già hoặc là chứng trầm cảm – depression.
Bác sĩ Michael Dũng Cao
Ai dễ bị nhược giáp?

Thường phụ nữ bị nhược giáp nhiều hơn nam. Ngoài ra, người có các yếu tố nguy cơ bao gồm tiền sử gia đình, tiền sử bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, thấp khớp, viêm khớp thì dễ bị nhược giáp hơn.

Nguyên nhân nhược giáp

Có nhiều nguyên nhân gây nhược giáp, trong đó 95% là bệnh Hashimoto, một bệnh tự miễn do kháng thể của cơ thể tấn công vào tuyến giáp, gây sưng viêm, giảm khả năng sản sinh ra hormone.

Ngoài ra nếu vùng dưới đồi thị (Hypothalamus) nếu bị tổn thương hay viêm nhiễm thì sẽ không thể tiết ra đủ hormone nhằm kích thích sự tiết ra hormone của tuyến giáp, dẫn đến nhược giáp.

Chẩn đoán nhược giáp

Dù khó nhận định bệnh qua triệu chứng, nhưng nhược giáp có thể dễ dàng chẩn đoán được qua việc thử máu xác định nồng độ TSH (Thyroid Stimulating Hormone).

Thường nồng độ TSH bình thường là 0.5-5 mIU/L. Khi TSH cao nghĩa là cơ thể đang thiếu hormone tuyến giáp và khi TSH thấp cho thấy cơ thể đang dư hormone.

Lưu ý khi điều trị nhược giáp

Theo Bác sĩ Michael Dũng Cao, điều trị nhược giáp khá đơn giản, chỉ cần uống bổ sung thyroidxin theo chỉ định của bác sĩ gia đình.

Bệnh nhân nên uống thuốc cách xa bữa ăn vì việc tiêu hóa thức ăn có thể ảnh hưởng tới tốc độ hấp thu hormone. Cũng không nên uống thuốc điều trị nhược giáp chung với Calcium hoặc sắt. Nên tạo thói quen uống thuốc điều trị đúng giờ mỗi ngày để tránh quên uống.

Trong trường hợp dùng thuốc viên tổng hợp bổ sung thyroidxin mà bị phản ứng phụ nhiều như khó thở, mệt mỏi, tăng huyết áp thì có thể chuyển qua dùng loại bổ sung thyroidxin có nguồn gốc tự nhiên để giảm bớt tác dụng phụ.

Do thuốc ảnh hưởng đến sự chuyển hóa trong cơ thể nên bệnh nhân điều trị dùng thuốc thyroidxin cần nhờ bác sĩ xem xét điều chỉnh thuốc điều trị các bệnh khác cho thích hợp.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe giải đáp của Bác sĩ Michael Dũng Cao về hội chứng nhược giáp trong chương trình Sức khỏe là Vàng.

Share