Sức khỏe là Vàng: Lưu ý khi chăm sóc người lớn tuổi tại nhà

Doctor On Home Visit Discussing Health Of Senior Male Patient With Wife

Chăm sóc người lớn tuổi tại nhà. Credit: Better Health Channel

Khi chăm sóc người lớn tuổi tại nhà, chúng ta cần lưu ý những dấu hiệu sức khỏe nào? Những trường hợp nào cần đưa người nhà đi gặp GP hoặc gọi cấp cứu? Nên chuẩn bị những thông tin gì của người bệnh để việc cấp cứu thuận lợi hơn?


Thế hệ lớn tuổi của Úc (những người từ 65 tuổi trở lên) đã và đang tiếp tục gia tăng. Theo Viện Y tế và Phúc lợi Úc, cứ 6 người ở Úc thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên, trong đó 18% là người mắc bệnh khá nặng và cần chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên vẫn có khoảng 15% người lớn tuổi đang tiếp tục làm việc và cống hiến cho xã hội.

Về mặt sức khỏe, người lớn tuổi thường hay mắc một hoặc thậm chí vài bệnh mãn tính như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, suy phổi, suy gan, suy thận… Tuổi càng cao thì các bệnh càng có nguy cơ nhiều thêm và nặng hơn.

Khi người lớn tuổi được chăm sóc tại nhà, thay vì ở viện dưỡng lão, thì con cháu hoặc người chăm sóc tại nhà cần lưu ý một số vấn đề quan trọng.

Hàng ngày, chúng ta cần chú ý quan sát người lớn tuổi trong nhà. Không nên bỏ qua một dấu hiệu khác thường nào. Bất kỳ triệu chứng khác thường nào ở người lớn tuổi cũng có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng.

Đầu tiên là dấu hiệu đột quỵ. Theo Stroke Foundation, có thể dùng chữ F.A.S.T để xác định các dấu hiệu phổ biến nhất của đột quỵ. Trong đó:

- Face (khuôn mặt): Dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt bệnh nhân bị méo.

- Arm (tay): Dấu hiệu rõ rệt là tay bị yếu, liệt.

- Speech (giọng nói): Dấu hiệu nói không rõ, bị líu lưỡi, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói, hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê.

- Time (thời gian) Thời gian là yếu tố rất quan trọng. Hãy gọi 000 ngay nếu thấy người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên.
Bệnh đột quỵ hiện nay được chữa trị rất tốt. Nếu phát hiện sớm và đưa vào nhà thương sớm thì nguy cơ biến chứng nặng hiếm xảy ra hơn so với trước đây.
Bác sĩ Brian Cung
Cũng cần lưu ý các cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (transient ischemic attack - TIA) thường gặp ở người trung niên và người già.

TIA cũng tương tự như đột quỵ do thiếu máu não cục bộ, nhưng triệu chứng thường kéo dài chỉ từ 5 phút đến 1 giờ. Bệnh nhân có thể bị nhiều cơn TIA hàng ngày hoặc chỉ có 2 hoặc 3 cơn trong nhiều năm. TIA cần được điều trị can thiệp sớm để ngăn ngừa đột quỵ nặng.

Một dấu hiệu khác cần lưu ý là đau tim do nghẽn máu cơ tim, với các triệu chứng như đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, cảm giác tê rần chạy lên cổ và chạy qua cánh tay trái như một dòng điện chạy qua. Khi hết cơn đau tim thì cảm giác dòng điện chạy qua cũng hết. Khi nhận thấy các triệu chứng tương tự thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó cần lưu ý các dấu hiệu bị đứng tim (cardiac arrest) như tim đập nhanh, khó thở. Đứng tim là một tình trạng cấp cứu y tế.

Ngoài ra, cần lưu ý tình trạng nhiễm trùng ở người lớn tuổi, với các dấu hiệu như mệt lả, xanh xao, phản ứng không linh hoạt như bình thường.

Nếu có các triệu chứng nêu trên thì cần đưa người bệnh đi gặp bác sĩ hoặc gọi cấp cứu để được thẩm định thêm. Không nên chủ quan với các triệu chứng nhẹ thoáng qua, nhằm tránh trường hợp bệnh diễn biến nặng hơn.

Người nhà cũng có thể xin hồ sơ bệnh (health summary) của bệnh nhân từ Bác sĩ gia đình. Trong trường hợp nhân viên cấp cứu đến nhà, họ có thể dựa vào hồ sơ đó để hiểu sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và chẩn đoán bệnh nhanh chóng hơn.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Brian Cung Đình Thanh Bình trình bày những điều cần lưu ý khi chăm sóc người lớn tuổi tại nhà.



Share