"Mình sinh ra ở Úc, nhưng cảm thấy gần gũi với nguồn gốc Việt Nam là nhờ mẹ. Mẹ muốn mình nhớ bản thân là người Việt," Winne Vo, tên tiếng Việt là Thục Nguyên, chia sẻ với SBS Tiếng Việt.
Đã 40 năm đón cùng nhau đón Tết Việt trên đất Úc, Winnie và mẹ là cô Kim Oanh hiện đang sống ở miền Tây Sydney, khó mà kể hết những kỷ niệm đáng nhớ, với nhau.
Đối với cô Kim Oanh, niềm vui đơn giản nhất hiện tại là khi con gái đã có gia đình riêng đến thăm mẹ vào ngày Tết. Hơn nữa, con gái còn lì xì cho cô, thay vì mẹ lì xì cho con như hồi lúc con còn nhỏ.
Những ngày trước Tết, Winnie cũng ghé qua giúp cô quét nhà, dọn dẹp và lau bàn thờ trong nhà, một điều mà cô Oanh rất vui khi kể lại.
Thực ra, những điều tưởng chừng đơn giản ấy đã được cô Oanh dạy cho con từ nhỏ. Cô Oanh nói rằng cô không gặp khó khăn gì trong việc dạy con giữ gìn truyền thống của người Việt.
"Đối với ai khó khăn thì cô không biết, nhưng với cô thì rất dễ. Vì cô dạy con từ lúc 1, 2 tuổi cho tới giờ, đi hỏi về thưa, vâng dạ đủ thứ, y chang như người Việt Nam. Rồi dạy con Tết nhất phải làm sao, chúc bố mẹ ông bà thế nào..."
Giữ gìn Tết nhà
Winnie vẫn còn nhớ như in về việc mẹ dạy cách chọn mua hoa quả loại nào cho ngon, đẹp và ý nghĩa phù hợp với Tết như dưa hấu, dừa, đu đủ, xoài... để chưng mâm ngũ quả.
Đặc biệt là các món ăn ngày Tết mẹ nấu mà Winnie luôn trầm trồ khi nhắc đến.
"Mẹ mình nấu ngon lắm. Hồi nhỏ tới lớn là mẹ mình nấu món Việt Nam, món nào cũng nấu được hết. Tết thì mẹ hay làm mấy món, vì Tết bên Úc nóng lắm, nên mẹ hay làm chả giò, gỏi, súp… Chả giò là số một."
Kể về những phong tục được mẹ dạy từ hồi nhỏ, Winnie nói rằng có nhiều điều mà lớn lên cô mới từ từ hiểu được.
"Hồi nhỏ có nhiều cái phong tục mình thấy mắc cười lắm tại vì không có hiểu lý do mình làm điều đó cho Tết. Bây giờ lớn lên rồi mình mới hiểu phong tục cho Tết giống như mua quần áo mới, không quét nhà mùng Một, rồi cúng ông táo, rồi nấu mấy món như thịt kho..."
"Mấy cái đó hồi nhỏ mình không hiểu đâu. Bây giờ mình lớn, mình thấy mẹ mình làm, mình cũng ham. Mình muốn nhớ cái phong tục, để mai kia mẹ mình không còn ở đây nữa, mình vẫn có ký ức đẹp để nhớ lại mẹ mình đã đón Tết như vậy."
Trái tim của Tết, và người Việt trẻ
Khẳng định tầm quan trọng không gì thay thế được của Tết, Winnie nói rằng thế hệ của cô và trẻ hơn, những người có khả năng rất cao sẽ quên ý nghĩa của Tết cổ truyền, cần có cơ hội để hiểu được cái tâm của Tết.
"Mình thấy các bạn trẻ không phải quên mà là không có cơ hội, hoặc không hiểu Tết là gì. Người ta biết Tết là lì xì, ăn chơi, mặc đồ đẹp vậy thôi, mà người ta không hiểu ý nghĩa của Tết," Winnie chia sẻ đầy tâm trạng.
"Mình thấy bạn mình cũng có nhiều người Việt, có con cũng lớn rồi. Mình cũng thấy bạn mình phải dạy con, nói chuyện với con, thì từ từ con mới hiểu được cái tâm của Tết."
"Mình thấy là Tết không chỉ trong vòng mấy ngày đầu năm đâu, mà Tết là mỗi ngày đều nhớ gia đình mình. Tết là nhớ mình là người Việt, không quên nguồn gốc của mình."
Tết là nhớ là mình phải làm tốt. Tết là có qua có lại. Tết là phải vui vẻ. Tết là mình mong cho người ta hạnh phúc.Winnie
Winnie nhắn nhủ một điều tưởng chừng đơn giản nhưng đôi khi người ta lại quên.
"Nếu mấy bạn ở xa mà không được về nhà với bố mẹ thì đừng chờ ngày Tết mới gọi về. Hãy gọi bố mẹ, (nếu được thì) đi gặp bố mẹ mỗi tuần. Đừng có chờ ngày Tết, đừng có chờ ngày Noel, đừng có chờ sinh nhật mới gọi…"
Winnie và mẹ mặc áo dài trong ngày Tết. Credit: SBS Vietnamese
Cô Oanh cảm thấy may mắn khi con gái sinh ở Úc nhưng vẫn giữ được sợi dây gắn kết với nguồn gốc qua phong tục ngày Tết.
"Lúc nào cũng phải giữ, mấy chục năm nay cô lúc nào cũng vậy. Nghèo thì nghèo, nhưng cũng có bánh tét, khổ qua, dưa hấu, xoài..."
"Cô chỉ cần vậy thôi, còn về sau này là con gái thay thế cô lo. Cô chỉ dạy cho con truyền thống vậy thôi, chứ cô không có làm gì hết trơn... may mắn nên con còn giữ được."
Khi được hỏi rằng sau mỗi năm ăn Tết, Winnie có cảm thấy mình là người Việt hơn không, cô đồng ý như một điều tất nhiên.
"Ồ, lúc nào mình cũng là người Việt. Không phải chờ Tết đâu."
"Lúc có cơ hội đi về Việt Nam mấy năm trước, mình cảm thấy gần gũi với nguồn gốc của mình hơn. Bây giờ thì mỗi năm mình ráng về Việt Nam để làm từ thiện, mình thấy tự hào là người Việt Nam."
Ý nghĩa thực sự của Tết
Nếu như cô Kim Oanh chỉ gói gọn ý nghĩa của Tết trong niềm vui, Winnie nói rằng giá trị cốt lõi của Tết là gia đình, và năm mới là cơ hội để làm tốt hơn.
"Mình thấy Tết quan trọng số một là gia đình, số hai là cơ hội để cho năm mới, cái gì cũng mới. Cái gì buồn, cái gì không hạnh phúc thì mình bỏ qua một bên, đón năm mới để mình có thể được may mắn."