Với thế hệ thứ hai người gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Úc hoặc ở hải ngoại, chiến tranh Việt Nam và hành trình tị nạn là những điều họ chưa từng trải qua. Nhưng ký ức và nỗi đau mà cha mẹ họ mang theo — chiến tranh, chia ly, mất mát và hành trình vượt biển tìm tự do — vẫn hiện hữu như một di sản vô hình, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
LISTEN TO

‘The Things We Carry’ – Chúng ta mang theo điều gì vào tương lai?
SBS Vietnamese
20:36
Chính từ di sản đó, những câu hỏi căn bản được đặt ra: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Vì sao tôi có mặt ở đây? Và tôi đang mang theo điều gì từ quá khứ của gia đình mình?
Đó cũng là tinh thần của buổi đối thoại đặc biệt 'The Things We Carry' diễn ra vào giữa tháng Tư tại nhà hát Riverside Parramatta, phía Tây Sydney. Chương trình quy tụ năm diễn giả người Việt thế hệ thứ hai — những người cầm bút ở các độ tuổi từ 20 đến 50 — cùng nhìn lại ký ức chiến tranh và hành trình định cư của gia đình họ, trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc và 50 năm cộng đồng người Việt đặt chân lên đất Úc.
Trẻ nhất trong số đó là hai chị em Annabella và Antoinette Lưu — những cây bút trẻ đang từng bước tìm hiểu về cội nguồn qua thơ ca. Nhà văn Thắng Lương — người từng rời Sài Gòn trên con tàu Trường Xuân đúng ngày 30/4/1975 khi mới lên bốn tuổi. Người khởi xướng và điều phối chương trình là Sheila Phạm — nhà văn, nhà báo sinh năm 1981 tại Adelaide. Và cuối cùng là chuyên gia tâm lý học Chris Tran — người góp thêm chiều sâu về tác động tâm lý và cảm xúc từ di sản tị nạn.
Tuy đến từ những hoàn cảnh khác nhau, họ có một điểm chung: đều là con của những người tị nạn Việt Nam. Những ký ức rời rạc từ cha mẹ — có khi là những điều chưa bao giờ được kể ra thành lời — đã dần trở thành chất liệu hình thành nên bản sắc của họ. The Things We Carry – “Những điều ta mang theo” – không chỉ là kỷ niệm, mà còn là gánh nặng, là món nợ tình cảm, và đôi khi là nguồn cảm hứng để tìm lại chính mình.
Sheila Phạm mở đầu buổi đối thoại bằng hình ảnh một người mẹ gốc Việt lớn tuổi kéo xe đi chợ, mắt chăm chú nhìn vào điện thoại, bóng đổ dài trên con đường vắng ở Cabramatta. Tấm ảnh giản dị ấy được cô chọn làm biểu tượng cho chương trình.
“Tôi cảm thấy bức ảnh thể hiện được phần nào tinh thần mà tôi muốn truyền tải tối nay, rằng chúng ta không chỉ kiểu như bị kẹt vào một quá khứ Việt Nam, mà giờ đây chúng ta đang chuyển dịch và định hình thành một cộng đồng người Úc gốc Việt.”

Sheila Pham is giving a speech at 'The Things We Carry' event, Riverside Theatre, Parramatta, Sydney, on 15th April 2025 (SBS).
Sheila “Hơn 3 triệu người đã thiệt mạng và vô số người khác đã bỏ mạng trong những năm sau đó khi tìm cách trốn thoát khỏi sự đàn áp chính trị, khốn khó về mưu sinh, và bất ổn dưới chế độ cộng sản mới.”
Năm 2010, chuyến đi đầu tiên về Việt Nam giúp cô kết nối lại với lịch sử và khám phá một phần ký ức chưa từng được nhắc đến — như việc mẹ cô từng là ca sĩ tại Sài Gòn thời chiến. Câu chuyện này sau đó được cô kể lại trong phóng sự “Saigon’s Wartime Beat” trên Đài ABC.
Sheila “Tôi không biết gì về điều đó, và ngay cả bây giờ, phần lớn cuộc đời của mẹ tôi vẫn là một điều bí ẩn đối với tôi. Cố gắng hiểu gia đình mình là lý do cơ bản khiến tôi trở thành một nhà văn, để cố gắng hiểu rõ mọi thứ.”
Từ đó, Sheila theo đuổi hành trình viết lách như một cách để hiểu sâu hơn về bản thân và lịch sử gia đình.
Năm 2021, khi nhận lời viết cho tờ The Guardian câu chuyện về nữ ca sĩ Phương Tâm — người từng là biểu tượng nhạc rock & roll tại Sài Gòn thập niên 60, nhưng sau đó rơi vào quên lãng, cho đến khi Hannah, con gái bà, sống tại Mỹ, vô tình phát hiện lại quá khứ của mẹ, và Sheila nhận thấy rằng cô không phải là cá biệt.
“Vì vậy, rõ ràng không chỉ tôi không biết về quá khứ của mẹ mình, mà nhiều người khác cũng đã trải qua như vậy.”

“Cuộc chiến đã xảy ra cách đây nửa cuộc đời, nhưng ký ức vẫn còn hiện hữu. Và đôi khi ký ức sẽ dẫn đến một câu chuyện khiến nó trở thành mãi mãi. Đó chính là mục đích của những câu chuyện tối hôm nay. Những câu chuyện là để kết nối quá khứ với tương lai. Những câu chuyện để khi những đêm khuya vắng, khi bạn không nhớ mình đã đi từ nơi bạn từng đến nơi bạn đang ở như thế nào. Những câu chuyện là dành cho sự vĩnh hằng, khi ký ức bị xóa nhòa, khi không còn gì để nhớ ngoài câu chuyện.”
Với Annabella Lưu, ký ức và bản sắc được tiếp cận qua thơ. Trong bài thơ mở đầu, cô chơi chữ với từ “nước” – vừa là nước uống, vừa là đất nước, vừa là nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ cô nhưng giờ không còn nhận ra nữa:
“Quê hương tôi là một vùng nước mà mẹ tôi không còn nhận ra nữa.
Quốc gia đó trở thành vỏ bọc cơ thể bà khi bị chạm vào không mong muốn.
Tro tàn của những bài thơ tự thiêu của mẹ tôi
Trở nên ngập nước trong ký ức tôi.
Khi người ta hỏi tôi: ‘Nước nào?’”
Sinh ra tại Úc với cha là người Hoa gốc Việt và mẹ là người Việt, Annabella dùng ngôn ngữ như một lưỡi dao sắc bén để lật mở những tầng sâu của bản sắc, ký ức và sự mất mát.
Người em song sinh Antoinette Luu nối tiếp bằng những vần thơ kết hợp hài hước và đau đớn.
“Xin chào, tôi là Antoinette. Tôi sẽ kết lại phần trình diễn với hai bài thơ.”
“Khi bạn bảy tuổi, lần đầu tiên bạn nghe về hành trình vượt biên của cha mẹ. Trước đó, mọi gì bạn biết về thuyền bè chỉ đến từ búp bê Barbie hay công chúa hoang đảo. Cướp biển – toàn là từ vùng Caribbean. Người ta kể: ngày xưa, người tị nạn từng giấu vàng trong trực tràng, thân thể biến thành ngân hàng – nhưng rồi cũng bị cướp trắng tay. Thế mà cha mẹ bạn vẫn mang được tiếng mẹ đẻ trong vòm miệng, văn hóa trong ký ức – những thứ không thể bị đánh cắp hay quăng khỏi thuyền.”
Antoinette nói về cách mà di sản được truyền lại — không chỉ qua chuyện kể, mà qua những dặn dò thường ngày: “Coi chừng xương cá!”, “Coi chừng xe!”, “Coi chừng nóng!”
Cô chia sẻ ký ức về ông nội – người cô gọi là “Gong”. Ông mất khi cô mới 10 tuổi. Bài thơ là lời tự sự từ góc nhìn một người con trong gia đình tị nạn giao thoa giữa các nền văn hoa – tiếc nuối vì không có mặt lúc ông mất, và mở rộng thành suy tư về chia cắt, mất mát, di sản và những hy sinh âm thầm. Hình ảnh chiếc xe Mazda trở thành biểu tượng của hành trình vượt biển, còn tên “Antoinette” đại diện cho sự khao khát mong muốn con hòa dòng chính mạch đồng thời vẫn không được bỏ rơi bản sắc riêng của cội nguồn qua cách dạy ăn dạy nói.
Với lối viết giản dị nhưng đầy hình ảnh, Antoinette khiến người nghe cảm nhận được điều không tên: nỗi tiếc nuối, sự chia cắt, và lòng biết ơn. Bài thơ của cô không chỉ là lời tri ân dành cho ông, mà còn là sự phản chiếu tinh tế về hành trình trưởng thành với những điều “không thể nói thành lời” nhưng vẫn âm thầm được truyền lại qua ký ức và ngôn ngữ của cha mẹ.

(From right) Antoinette and Annabella Luu, Sheila Pham, Thang Luong, and Chris Tran
Là một trong số 3.628 người rời Sài Gòn trên tàu Trường Xuân năm 1975, hành trình của anh là biểu tượng cho bao lớp người Việt tha hương.
Tuy nhiên, bình yên không kéo dài. Gia đình tan vỡ, ký ức chiến tranh và di cư in hằn lên tuổi thơ của Thắng. Anh kể về mẹ – một người phụ nữ sống sót qua nạn đói năm 1945 và hai cuộc chiến; về dì Lan – một ca sĩ ngày xưa; về người chú chỉ sống sót trong trại cải tạo nhờ biết đàn.
Thắng nhớ lại một kỷ niệm thời còn sống ở Marrickville: một tấm biển giữa thập niên 1980 ghi dòng chữ “Hãy chặn đứng làn sóng xâm lăng của người châu Á.” Sự kỳ thị ấy thôi thúc anh viết truyện ngắn “Refugee Wolf – Con Sói Tị Nạn”, sử dụng hình tượng “chú sói bị hiểu lầm” để phản ánh cái nhìn đầy định kiến mà xã hội dành cho người tị nạn.
“Nếu tôi có thể kể nhanh một câu chuyện về dì Lan... Ngày xưa tôi hay bắt tàu từ chỗ chúng tôi sống ở Marrickville đến ga Yagoona. Trên đường về, vào khoảng giữa những năm 80, tôi nhìn thấy một tấm biển: Hãy chặn đứng làn sóng xâm lăng của người châu Á. Tấm biển ấy cứ ám ảnh tôi suốt nhiều năm. Và tôi đã quyết định đưa điều đó vào trong một truyện ngắn. Tôi viết một câu chuyện tên là Refugee Wolf – Con Sói Tị Nạn, dựa theo câu chuyện cổ tích Ba chú lợn con. Có vài phiên bản khác nhau và ai trong chúng ta mà chẳng biết chuyện gì đã xảy ra với chú sói tội nghiệp, phải không?”
“Câu chuyện diễn ra trên hành tinh Styx, nơi khu kiểm tra nhập cảnh giống nhà chứa máy bay, có màn hình cảnh báo: “Hãy coi chừng lũ sói tị nạn.” Tôi bước tới quầy, đứng sau vạch vàng. Con lợn tiếp đón mặc áo khoác phi công, trông như lính. Trên đầu nó là màn hình: “Sống sung sướng như lợn trong vũng bùn, nhưng sợ bị lũ sói tị nạn nhấn chìm.”
Chuyên gia tâm lý Chris Tran là người Việt gốc Hoa kết lại buổi trò chuyện bằng những suy tư sâu sắc về ảnh hưởng của chiến tranh và tị nạn đối với tâm lý thế hệ thứ hai. Cha anh – người sinh ở Campuchia, học sửa đồng hồ ở Việt Nam – từng bị đưa vào trại tập trung vì là người nước ngoài. Mẹ anh – lớn lên trong chiến tranh, từng rời quê sau khi người anh bị bắt lính. Cả hai đến Úc, bắt đầu cuộc sống mới từ hai mảnh đời xa lạ.
“Ông bà và cụ kỵ của tôi đều xuất thân từ miền Nam Trung Quốc, họ đã di cư sang Việt Nam để tìm kiếm công việc và cơ hội mưu sinh. Điều thú vị là cả hai bên gia đình tôi đều có những lý do đặc biệt khiến họ quyết định đến Úc.”
Chris lớn lên tại Sydney là người con trong một gia đình di dân phải liên tục di chuyển vì chiến tranh mà ba thế hệ mỗi thế hệ phải di chuyển tới một quốc gia khác nhau. Anh chia sẻ cảm giác “giằng xé giữa hai thế giới” – vừa mang nặng ký ức gia đình, vừa đi tìm chính mình.
“Tôi luôn cảm nhận được nỗi lo lắng và thận trọng từ cha mình. Mẹ tôi thì khác – ân cần và kiên cường. Tôi nghĩ mình thừa hưởng từ mẹ sự quan tâm đến người khác. Nhưng tôi cũng mang theo sự bất an – cảm giác rằng mình không bao giờ đủ tốt. Tôi biết điều đó không chỉ là của riêng tôi – mà là điều rất nhiều người trong cộng đồng chúng ta đang mang theo, từ thế hệ trước truyền lại, dù họ không bao giờ nói ra.”
Đối với Chris, việc học cách đối thoại với cảm xúc của bản thân cũng là một phần của quá trình chữa lành – không chỉ cho chính mình, mà cho cả thế hệ mai sau. Anh tin vào sự kết nối và chia sẻ là một cách để hàn gắn bản thân, để chữa lành và duy trì bản sắc giữa thế giới đa tầng. Anh kêu gọi kết nối với văn hóa và cộng đồng như một chốn trở về – để tìm thấy bản thân giữa những mảnh ghép lịch sử. Và đó cũng là điều mà anh chọn để mang theo.
“Có nhiều cách để chữa lành. Việc thể hiện cảm xúc là một hình thức trị liệu quan trọng. Nhưng tôi nghĩ yếu tố bảo vệ nằm ở sự kết nối với văn hóa. Từ ngôn ngữ, cử chỉ như cởi giày, cúi chào, đến những buổi ăn mừng cùng nhau – tất cả đều là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Chúng ta cùng chia sẻ những lịch sử hàng thế kỷ, hàng nghìn năm. Tôi tin rằng việc ở bên nhau, hỗ trợ lẫn nhau là một cách để tiếp tục di sản đó.”

“Tôi lớn lên trong một gia đình có quá khứ nhiều tầng lớp – chiến tranh, chia ly, nỗi buồn chưa được nói ra. Nhưng tôi nhận ra, điều đó không làm tôi yếu đuối. Trái lại, nó khiến tôi trở nên kiên cường và thấu cảm hơn. Tôi học được cách lắng nghe người khác, và quan trọng hơn, lắng nghe chính mình. Khi mình cho phép bản thân cảm nhận – buồn, giận, nhớ nhung – thì cũng là lúc mình mở ra khả năng chữa lành.”
Với vai trò là một nghệ sĩ và nhà văn, Antoinette cảm thấy có trách nhiệm trong việc kết nối các mảnh ghép văn hóa Việt Nam của mình. Cô mang theo mình sứ mệnh sử dụng nghệ thuật và thơ ca như một phương tiện để khám phá bản sắc, kết nối các thế hệ và thúc đẩy quá trình chữa lành cá nhân cũng như cộng đồng.
“Với tôi, việc sáng tạo nghệ thuật, viết lách hay làm thơ không chỉ là để thể hiện bản thân – mà còn là một hành động kết nối. Tôi muốn tìm hiểu xem di sản văn hóa Việt trong tôi là gì, và cách tôi có thể giữ lấy nó mà không đánh mất bản sắc riêng trong xã hội đa văn hóa của Úc. Tôi muốn nói chuyện với tổ tiên mình – thông qua từng dòng thơ, từng hình ảnh – để hiểu rõ hơn mình là ai, từ đâu mà đến.”
Thắng Lương mang theo hy vọng, rằng thế giới có thể trở nên nhân ái hơn, và rằng sự quan tâm đến nhau và chăm sóc bản thân có thể cùng tồn tại để vượt qua rào cản giao tiếp.
“Tôi hy vọng thế giới có thể trở nên nhân ái hơn. Đôi khi chúng ta nghĩ phải chọn giữa việc quan tâm đến người khác và chăm sóc bản thân, nhưng tôi tin rằng cả hai có thể cùng tồn tại.”
Với Sheila, người điều phối và tổ chức chương trình, trên tất thảy những gì đã xảy ra, điều cô mang theo là lòng biết ơn
“Chiến tranh là một bi kịch với nhiều mất mát, nhưng theo thời gian, tôi không còn nhìn nó với một lăng kính hoàn toàn tiêu cực. Bởi vì chính từ hành trình mà gia đình tôi đã đi qua đã hình thành con người tôi hôm nay. Điều tôi mang theo, đặc biệt khi làm mẹ, là một lòng biết ơn sâu sắc. Chính từ những hy sinh và khổ nạn của thế hệ trước đã mở ra cơ hội cho cuộc sống của tôi ngày hôm nay.”
The Things We Carry” là một sự phản tỉnh tập thể về những gì tưởng đã trôi xa, nhưng vẫn âm ỉ trong ký ức, trong cách ta sống và yêu thương. Những câu chuyện từ năm diễn giả không chỉ là những lát cắt cá nhân, mà còn là tấm gương phản chiếu hành trình định hình của cộng đồng người Việt tại Úc – từ nỗi đau ly hương đến khát vọng thuộc về.
Ký ức có thể mờ đi, nhưng điều ta mang theo – trong thơ ca, văn chương, và trong chính cách ta hiện diện giữa cuộc đời – vẫn luôn sống động. The Things We Carry nhắc nhở chúng ta rằng, đôi khi để tiến về phía trước, ta cần nhìn lại phía sau – không phải để mắc kẹt, mà để hiểu rõ mình hơn. Và để kể lại – cho thế hệ tiếp theo – rằng: chúng ta đã đến từ đâu, và đã mang theo những điều gì để làm nên ngày hôm nay.