Kết quả dự kiến trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 đầy tranh cãi đã được chào mừng bằng pháo hoa, tiếng hò reo, tiếng còi xe và những màn khiêu vũ.
Từ New York đến Los Angeles, những người ủng hộ ông Joe Biden cảm thấy giải tỏa căng thẳng sau khi các phương tiện truyền thông dự kiến ông Biden là người chiến thắng.
Hàng trăm người đã reo mừng ngay trước cửa Tòa Bạch ốc, với một số người nói với SBS News về ý nghĩa của điều này đối với nước Mỹ.
"Tôi cảm thấy xấu hổ cho bản thân và cho thế giới về những gì xảy ra vào bốn năm trước. Giờ đây chúng tôi rất vui vì đã trở lại sự đứng đắn, không chỉ riêng ở Mỹ, mà còn trên cả thế giới."
"Tôi không nghĩ rằng đây là sự kết thúc của nạn phân biệt chủng tộc, bởi vì hơn một nửa đất nước vẫn bỏ phiếu cho Trump, nhưng cuối cùng thì ông ấy đã thua. Đó hoàn toàn là một bước đi đúng hướng.”
Trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng, ông Biden hứa sẽ đoàn kết - không gây chia rẽ - và đặc biệt cảm ơn các cử tri người Mỹ gốc Phi, những người đã đặt niềm tin vào ông.
"Tôi tự hào về liên minh mà chúng ta đã tập hợp lại, liên minh rộng lớn và đa dạng nhất trong lịch sử. Người đồng tính, người giới tính bình thường, người chuyển giới, người da trắng, người gốc La tinh, người gốc Á và đặc biệt vào lúc chiến dịch này gặp khó khăn nhất, cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã đứng lên ủng hộ tôi. Quý vị đã luôn ủng hộ tôi và tôi sẽ ủng hộ quý vị."
Ông Biden cũng chia sẻ với những người ủng hộ ông Trump và kêu gọi tất cả người Mỹ "tránh những luận điệu gay gắt" và ngừng coi những người có quan điểm chính trị đối lập là kẻ thù.
Người Mỹ gốc Phi và gốc Nam Á đầu tiên đắc cử Phó Tổng thống Hoa Kỳ, bà Kamala Harris, nói rằng bà có thể là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị này, nhưng không phải là người cuối cùng.
“Và đối với mọi trẻ em nước Mỹ, không phân biệt giới tính nào, đất nước đã gửi đến các bạn một thông điệp rõ ràng: hãy ước mơ với hoài bão. Hãy để niềm tin dẫn dắt và nhìn nhận bản thân theo cách mà người khác không thấy được, đơn giản là vì họ chưa từng thấy điều đó. Nhưng hãy biết rằng chúng tôi sẽ hoan nghênh các bạn trên mỗi bước đi.”
Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao thế giới đã gửi thông điệp chúc mừng ông Biden và bà Harris. Ông Morrison thể hiện mong muốn xây dựng mối quan hệ song phương sâu sắc hơn nữa với Hoa Kỳ.
"Sự tự tin này dựa trên hơn 100 năm quan hệ đối tác thành công. Mối quan hệ đối tác này sẽ chỉ đi từ sức mạnh đến sức mạnh dưới sự quản lý chung mới mà Tổng thống đắc cử Biden và tôi sẽ chia sẻ trong tương lai."
Lãnh đạo phe đối lập liên bang Anthony Albanese cũng chúc mừng tổng thống Mỹ mới đắc cử và gọi đây là một "chiến thắng phi thường".
"Và tất nhiên Tổng thống đắc cử Biden cũng sẽ đưa Hoa Kỳ trở lại các tổ chức đa phương, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới. Việc Hoa Kỳ đóng vai trò lãnh đạo kể từ Thế chiến thứ hai là rất quan trọng. Tôi chúc mừng Tổng thống đắc cử Biden và Phó Tổng thống đắc cử Harris."
Ông cho biết nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ tập trung vào việc chống phân biệt chủng tộc và kiểm soát biến đổi khí hậu. Điều đó có nghĩa là nước Úc sẽ phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng trong việc cam kết cắt giảm khí thải lâu dài.
Các đồng minh quốc tế cũng hi vọng về một tân tổng thống Mỹ đa khuynh hướng và thực tế hơn.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết thông điệp đoàn kết từ Joe Biden sẽ thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu giải quyết các vấn đề như COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà mong muốn "hợp tác trong tương lai" để vượt qua những thách thức lớn.
Trong khi đó, những người ủng hộ Donald Trump đang trong tâm trạng hụt hẫng. Một số người tham gia biểu tình trên cả nước, hô vang khẩu hiệu "Hãy ngừng gian lận" và "chuyện này vẫn chưa kết thúc". Người tổ chức cuộc biểu tình, Courtney Holland không muốn chấp nhận thất bại, và ủng hộ cáo buộc không có cơ sở của đương kim Tổng thống rằng Đảng Dân chủ đã thắng cử do gian lận.
“Chúng tôi ở đây để lên tiếng, để được lắng nghe, để yêu cầu sự minh bạch. Và chúng tôi chỉ muốn câu trả lời.”
Tại Pháp, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc, bà Marine Le Pen nói với kênh truyền hình Pháp rằng bà tin nếu ông Trump làm thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa thì sẽ tốt hơn cho nước Pháp.
Còn Nigel Farage, cựu lãnh đạo đảng cực hữu Brexit của Anh, chỉ trích việc bỏ phiếu bằng thư, đồng thời kêu gọi ông Trump "đưa ra nhiều bằng chứng" và tiếp tục đưa các cáo buộc gian lận ra tòa.
Ông Trump đang hứa hẹn đưa ra những thách thức pháp lý.