Clothing the Gap, một phần của chương trình y tế thổ dân Spark Health Australia, là công ty bán mũ và áo với những thiết kế thổ dân rất sáng tạo và đặc thù thổ dân.
Những mẫu thiết kế này có in hình cờ thổ dân và lợi nhuận thu được dùng để quảng bá cho các chương trình y tế dành cho người thổ dân trên khắp tiểu bang Victoria.
Người sáng lập công ty là Laura Thompson cho biết việc kinh doanh của họ tốt đẹp cho đến tuần trước.
“Tôi lúc nào cũng hơi lo lắng về việc sử dụng lá cờ thổ dân. Nhìn thấy lá cờ trong cộng đồng tôi tự hỏi chúng tôi có nên sử dụng hay không. Là người thổ dân chúng tôi luôn luôn phải tranh đấu cho quyền lợi của mình, tôi đã không nghĩ là chúng tôi phải tranh đấu để sử dụng lá cờ thổ dân.”
Bà Thompson nhận được lá thơ từ công ty WAM Clothing trong đó khẳng định họ có bản quyền riêng trên khắp thế giới cho việc in hình cờ thổ dân trên quần áo.
Bà Thompson lập luận rằng một công ty không phải của người thổ dân không nên có bản quyền của lá cơ thổ dân.
“Thật là kỳ quái khi một công ty không phải của thổ dân lại có quyền kiểm soát lá cơ thổ dân. Thật kỳ quái khi tôi phải xin phép một người không phải là thổ dân nếu tôi muốn vinh danh bản sắc thổ dân của tôi.”
Bà Thompson cho biết bà đã tìm cách liên lạc người vẽ kiểu cho lá cờ thổ dân là ông Harold Thomas, nhưng chưa thấy ông trả lời.
Người nghệ sĩ thuộc bộ tộc Luritja, là bộ tộc thổ dân lớn thứ ba của Úc trên Lãnh thổ Bắc Úc, đã vẽ ra lá cờ có hai màu: đen ở trên đỏ dưới và hình tròn màu vàng ở giữa, vào năm 1971.
Sau một vụ kiện về nguồn gốc của lá cờ, lá cờ của ông Harold Thomas được tòa án liên bang công nhận bản quyền vào năm 1997.
Luật sư Dr Mark Williams cho biết tác giả xin bản quyền để bảo vệ lá cờ, chứ không phải dùng nó trong kinh doanh.
“Bằng chứng cho thấy nguyên thủy ông ấy chỉ muốn có một lá cờ thống nhất cho cuộc vận động quyền sở hữu đất đai của người thổ dân khi mà có đến 600 quốc gia thổ dân cho nên có một lá cờ thống nhất là một ý tưởng hiện đại."
Người đầu tiên vẽ kiểu cho lá cờ thổ dân là ông Harold Thomas Source: Getty Images
Năm ngoái công ty quần áo WAM Clothing có được độc quyền trong việc in cờ thổ dân trên quần áo, và kể từ đó đã gởi thông báo ngăn cấm bất kỳ công ty hay tổ chức nào in hình cờ thổ dân lên quần áo mà không xin phép họ.
WAM Clothing cho biết theo bản quyền họ có, công ty có nhiệm vụ bảo vệ bản quyền cho ông Harold Thomas.
Nghệ sĩ thổ dân ở Queensland Michael Connolly cũng nhận được thơ của công ty WAM Clothing.
“Chúng tôi muốn bảo vệ văn hóa của chúng tôi nhưng họ nắm trong tay luật pháp trong khi chúng tôi không có kiến thức đó, và chúng tôi cũng không kiếm được tiền như họ.”
Ông Connolly nói không nên xem cờ thổ dân như những đồng tiền.
“Người thổ dân ở đất nước này cảm thấy hãnh diện khi mặc những chiếc áo phông của chúng tôi với hình cờ in trên đó, mà không cần phải trả tiền hoa hồng cho ai khác không phải là thổ dân.”
Được biết hai liên đoàn bóng bầu dục AFL và NRL cũng đã nhận được thơ của công ty WAM Clothing vì trên đồng phục của các cầu thủ có hình cờ thổ dân. Một phát ngôn nhân của NRL xác nhận có nhận được lá thơ nhưng không bình luận gì thêm.
Trong khi đó công ty Clothing The Gap cho biết họ sẳn sàng tuân thủ luật bản quyền nhưng người sáng lập công ty bà Laura Thompson muốn vấn đề được đem ra tranh luận - ai nên sở hữu cờ của thổ dân?
“Đây không phải chỉ là chuyện Clothing the Gap bán mũ áo có hình cờ thổ dân nữa rồi, mà đây là vấn đề ai cũng có quyền tiếp cận và sử dụng lá cờ một cách trang trọng.”
Bản quyền thông thường có hiệu lực cho đến khi tác giả qua đời, tức là trên 70 năm.
Hiện đang có yêu cầu bãi bỏ độc quyền lá cờ thổ dân và đã có nhiều ngàn người ký vào thỉnh nguyện thư.
Xem ra đây là một cuộc tranh đấu mới của người thổ dân vốn là một phần của trong tiến trình hòa giải với người không phải thổ dân.