Cảnh báo thảm họa nhân đạo với người di cư ở Libya

A file photo of migrants on a ship intercepted off the Libyan Coast in 2018

A file photo of migrants on a ship intercepted off the Libyan Coast in 2018 Source: AAP

Liên Hợp Quốc cảnh báo, những người di cư dễ bị tổn thương ở Libya đang bị cuốn vào cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt”.150 người tị nạn đã phải sơ tán khỏi một nhà tù ở Tripoli, khi lực lượng trung thành của tướng Khalifa Haftar tấn công vào thủ đô.


Người tị nạn đang bị cuốn vào một cuộc đụng độ quân sự khốc liệt với mục tiêu kiểm soát thủ đô Tripoli của Libya.

Liên Hợp Quốc cho biết, 150 người tị nạn đã được sơ tán khỏi một nhà tù ở phía nam Tripoli.

Lực lượng trun thành với tướng Khalifa Haftar, tự xưng là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã phát động một cuộc tấn công vào thành phố này hồi tuần trước.

Phát ngôn nhân của Liên Hợp Quốc, bà Ravina Shamdasani nói rằng, chiến sự gia tăng khiến tính mạng của những người di cư đang bị giam giữ tại các cơ sở giam giữ này đang ngày càng bị đe dọa.

Bà nói: “Điều chúng tôi lo ngại là, những người di cư dễ bị tổn thương này có thể bị cuốn vào cuộc nội chiến, nhất là khi các nhóm vũ trang tham gia vào cuộc xung đột này đang cố gắng gây ảnh hưởng hoặc kiểm soát với các cơ sở giam giữ này. Đây là những cơ sở tạm giữ người di cư.  Dựa vào những gì mà chúng tôi đã từng trải nghiệm tại Libya, chúng tôi lo ngại rằng, người di cư có thể được sử dụng làm lá chắn sống hoặc được tuyển lựa để tham gia vào cuộc chiến đấu”.

Nhiều người tị nạn từ Bắc Phi đã cố tìm đường đến châu âu qua ngả Libya. Tuy nhiên, nếu thất bại trong khi tìm kiếm đường di cư, họ có thể sẽ bị giam giữ tại các trung tâm giam giữ.

Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 5.700 người tị nạn hiện vẫn bị kẹt lại tại các trung tâm giam giữ kiểu này trên khắp Libya, trong đó có cả những trung tâm nằm ngay giữa các khu vực đang xảy ra các cuộc xung đột.

Phát ngôn nhân Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc Babar Baloch cho biết là, tổ chức này kêu gọi các bên tham chiến trả tự do cho tất cả những người đang bị giam giữ.

Ông cho biết: “Chúng tôi đã trò chuyện với những người tị nạn đang bị giam tại các trung tâm giam giữ. Họ nói với chúng tôi rằng, tai nghe thấy âm thanh phát ra từ các cuộc đụng độ. Và nhiều người trong họ đang thực sự rất sợ hãi. Vì vậy, chúng tôi cũng như các tổ chức khác, rất lo ngại trước tình trạng hiện nay của những người tị nạn và người di cư đang bị giam giữ tại các trung tâm giam giữ nằm ngay tại các khu vực đang diễn ra các cuộc xung đột”

Đụng độ leo thang ở vùng ngoại ô của Tripoli khi lực lượng của Tướng Haftar tiến vào thành phố Tripoli v

ốn đang nằm trong quyền kiểm soát bởi chính phủ nước này, vốn được quốc tế ủng hộ.

Một quốc hội đối lập, được Tướng Haftar hậu thuẫn, được lập ra ở phía đông của nước này.

Hiện đang có nhiều lo ngại rằng, các xung đột mang tính dân sự này có thể châm ngòi cho các các cuộc đụng độ ở bên trong thủ đô, vốn đang được bảo vệ bởi lực lượng dân quân ủng hộ chính quyền địa phương.

Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp quốc, đến nay, có Ít nhất là 3.400 người đã phải sơ tán trong cuộc chiến này.

Phát ngôn nhân của Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tarik Jasarevic cho hay rằng, với sự leo thang của các xung đột, những lo ngại về tình cảnh của người di cư đang bị giam giữ tại các trung tâm giam giữ là một thực tế.

“WHO lo ngại trước khả năng xảy ra xung đột kéo dài ở Tripoli, vốn đông đúc về dân cư. Xung đột kéo dài sẽ làm cạn kiệt các nguồn cung về y tế. Chúng tôi cũng lo ngại về việc người di cư trong các trung tâm giam giữ nằm ở ngay các khu vực đang diễn ra. Một số người trong số họ đang phải điều trị bệnh lao. Việc điều trị đó có thể sẽ bị gián đoạn và sẽ khiến họ gặp phải những rủi ro không cần thiết”- ông Tarik Jasarevic cho biết.

Libya là điểm nóng mới nhất trong một loạt các cuộc xung đột dân sự trên toàn thế giới, tác động  đến một lượng cư dân rất lớn.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, 68,5 triệu người trên khắp thế giới đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ do các xung đột kiểu này. Trong đó, có 25 triệu phải đi người tị nạn. Và những con số này lại đang tăng do các xung đột diễn ra ở Yemen, Syria và Myanmar.
"Người Libya xứng đáng được sống trong hòa bình, ổn định và an ninh. Vấn đề di cư là hậu quả của sự bất ổn và tình hình an ninh trong đất nước này"- bà Federica Mogherini, người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên hiệp Âu châu
Những cuộc xung đột bạo lực diễn ra liên tiếp khiến Libya chưa thể có hòa bình và ổn định sau khi chính quyền độc tài của ông Muammar Gaddafi bị lật đổ vào 8 năm về trước.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc các cuộc xung đột ở Libya bùng nổ có thể khiến lượng người di cư sang châu Âu gia tăng thêm lần nữa.

Tuy nhiên, người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini tuần này cho biết, quan ngại này chỉ là một phần trong rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. 

“Quý vị có thể thấy là khó tin nhưng hôm nay, thảo luận về Libya đã không đề cập đến vấn đề di cư. Hãy để tôi nhấn mạnh điều này, bởi nó rất quan trọng. Tôi nghĩ, nó quan trọng đối với người Libya và cá nhân tôi cho rằng, nó quan trọng với Libya như một quốc gia. Người Libya xứng đáng được sống trong hòa bình, ổn định và an ninh. Vấn đề di cư là hậu quả của sự bất ổn và tình hình an ninh trong đất nước này" – bà nói.

Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đều kêu gọi ngừng bắn và kêu gọi tướng Haftar tạm dừng cuộc nổi dậy.

Ngày 10/4, các thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức các phiên họp kín nhằm xử lý cuộc khủng hoảng tại Lybia. Tuy nhiên, một hội nghị hòa bình, mà theo kế hoạch ban đầu, sẽ được tổ chức vào tuần tới, đã bị hoãn.

Bà Mogherini nói rằng, việc giải quyết xung đột là rất quan trọng: “Lý do tại sao chúng tôi làm việc ở Libya, với Libya, trước hết là vì số phận của người Libya. Và tôi muốn làm rõ điều này. Hôm nay, chúng tôi đã thảo luận về Libya không phải với tư cách là một quốc gia nơi phát xuất của làn song người di cư, mà với tư cách một quốc gia láng giềng của chúng tôi, một quốc gia rất gần gũi về mặt địa lý, văn hóa và kinh tế đối với nhiều quốc gia thành viên của chúng tôi. Và quốc gia đó rất quan trọng với an ninh châu Âu và toàn khu vực”.


Share