Bộ trưởng Môi trường liên bang Sussan Ley cho biết bà hoàn toàn bị bất ngờ trước khuyến nghị của UNESCO liệt kê Great Barrier Reef là đang gặp nguy hiểm.
“Quyết định này là không đúng, rõ ràng là có chính trị đằng sau, và rõ ràng là chính trị đã lật đổ một quy trình thích hợp và Ủy ban Di sản Thế giới thậm chí không báo trước cho chúng ta thì quả thật kinh khủng.”
Một tuần trước, bà Ley nói rằng Úc đã đảm bảo rằng Great Barrier Reef sẽ không đị đưa vào danh sách đó. Bộ trưởng cáo buộc UNESCO, hiện do Trung Quốc làm chủ tịch, làm chuyện này với động cơ chính trị.
“Chúng tôi đang thách thức quyết định này, đó chỉ là dự thảo, chúng tôi sẽ nói chuyện với UNESCO với 21 nước thành viên và đưa ra quan điểm rất mạnh mẽ và tôi mong nhận được phản ứng tích cực của họ.”
Đặc phái viên của Đảng Tự do về rạn san hô, Warren Entsch nói đáng lý UNESCO phải thông báo trước.
“Tôi sẽ mời họ - tổng thư ký và những người khác, bước ra khỏi văn phòng máy lạnh của họ ở châu Âu, đến đây và lặn xuống biển mà tận mắt chứng kiến.”
Thượng Nghị sĩ Queensland Bob Katter cáo buộc Trung Quốc có hành động bắt nạt, và kêu gọi chính phủ liên bang phải đáp trả thích hợp.
“Mẹ tôi nói với tôi nếu con bị bắt nạt, con hãy đứng lên chống lại, và giữ vững lập trường của con. Cho dù con có phải luì lại nhưng vẫn giữ vững lập trường của mình và trong trường hợp này, điều đó có nghĩa là chúng ta nên rút ra khỏi UNESCO.”
Tuy nhiên, lãnh đạo của Greens, Adam Bandt nói rằng chính phủ không nên tìm cách đổ lỗi cho người khác mà nên tự vấn bản thân đã làm tốt hay chưa trong việc bảo tồn Great Barrier Reef.
“Đừng đổ lỗi cho quốc gia khác vì họ chỉ ra những gì chúng ta đã biết rằng rạn san hô đang bị đe dọa vì biến đổi khí hậu.”
Phúc trình của UNESCO trích dẫn các sự kiện san hô bị bạch hóa hàng loạt trong năm 2016-17 và 2020, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của rạn san hô.
Phúc trình nói rằng Úc chưa tiến triển đủ trong việc đạt được các mục tiêu chính của kế hoạch bền vững dài hạn cho Great Barrier Reef từ nay đến năm 2050.
Đó là những sự thật mà Nicki Hutley của Hội đồng Khí hậu cho biết đã được các nhà chức trách Úc xác nhận.
“Cơ quan quản lý công viên biển của chúng ta đã hạ cấp rạn san hô từ nghèo xuống rất kém trong những năm gần đây, không có gì thay đổi điều đó, không có gì thay đổi trước thực tế là Úc không có hành động chống biến đổi khí hậu ở cấp liên bang.”
Úc vẫn chưa cam kết mục tiêu zero khí thải từ nay đến năm 2050. Giám đốc điều hành tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace David Ritter cho biết quyết định của UNESCO qui trách nhiệm cho chính phủ liên bang về sự tàn phá của rạn san hô do không có hành động về biến đổi khí hậu.
[“Những gì chúng ta đã thấy trong nhiều năm là các chính trị gia Úc không thực hiện những gì họ đã hứa khi không chịu bảo tồn Great Barrier Reef.”
Người ta ước tính Great Barrier Reef hỗ trợ 64.000 việc làm và bổ sung hơn sáu tỷ đô la cho nền kinh tế quốc gia. Huấn luyện viên lặn kỳ cựu Tony Fontes cho biết các hướng dẫn viên thường xuyên phải lặn lòng vòng để tìm những mảng đá ngầm tốt. Ông lo sợ nếu không có hành động khẩn cấp về biến đổi khí hậu thì sẽ chỉ còn lại một số rất san hô sống sót.
“Nếu quý vị nghiêm túc với ngành du lịch, thì hãy cứu nó bằng cách cứu Great Barrier Reef; chúng ta cần tuân thủ các biển báo, chúng ta phải giảm lượng khí thải carbon.”
Bộ trưởng Môi trường Susan Ley cho biết Úc sẽ phản đối quyết định của UNESCO, lập luận rằng chính phủ đã đầu tư hơn 3 tỷ đô la để cải thiện tình trạng của rạn san hô.