Cả bài thơ lẫn bản nhạc đã làm say đắm giới trẻ yêu nhạc Việt trước năm 75 vì sự sang trọng, lóng lánh màu sắc của giai điệu và những hình ảnh man mác buồn, đầy ẩn dụ của bài thơ tình đong đầy tiếc nuối và tự sự.
Trong một chừng mực nào đó, có thể nói âm nhạc đã lưu giữ được thơ của Du tử Lê vào vùng ký ức nguyên sơ của nhiều thế hệ yêu thi ca và âm nhạc Việt.
Cũng thật khó trả lời với câu hỏi "Nếu không có âm nhạc chắp cánh thì số phận những bài thơ hay của Du Tử Lê sẽ đi về đâu?”
Thực ra nếu không có âm nhạc chắp cánh thì thơ của Du Tử Lê vẫn nương theo gió để bay xa tít trên chín tầng trời, lượn lờ xuống những vực sâu của tình ái rồi ngủ yên trong những vết hằn sâu của năm tháng đời người.
Ở Du Tử Lê giọng thơ của ông miên man và chìm đắm trong cõi lòng của những tự sự, khắc khoải và đơn độc. Và dù muốn hay không Du Tử Lê nghiễm nhiên vẫn là người viết ngụ ngôn bằng thơ tuyệt vời cho những chuyện tình không có đoạn kết.
Một điều dễ thấy ở thơ của Du Tử Lê là nét trữ tình hòa quyện trong những lời tự sự, ở nơi đó giọng tình trong thơ của ông cứ mãi lơ lững "trên những ngọn tình sầu”.
Những chuyện tình thơ mộng đươc đi vào thi ca thường hay mang nhiều sự tiếc nuối,dằn vặt và trong trái tim mẫn cảm của một nghệ sĩ, để thi ca và âm nhạc tìm thấy sự đồng cảm rồi tìm đến nhau bằng cuộc hôn phối ngẫu hứng để những đứa con tinh thần ra đời đã làm tan chảy nhiều trái tim của công chúng yêu thơ và nhạc Việt.
Dĩ nhiên để chung sống cùng nhau và chia bùi sẻ ngọt thì thi ca (đôi lúc) cũng phải “nhường nhịn” để cho giai điệu của âm nhạc được thăng hoa, bừng sáng, thuận hoà trong việc chọn những ngôn từ phù hợp hơn với sự êm ái của giai điệu âm nhạc.
Giờ đây hãy lắng nghe giai điệu của âm nhạc đang cất lên hòa vào những câu thơ đầy sắc màu và hình ảnh,man mác buồn của một cuôc tình vọng động, đưa tâm hồn chúng ta đi lạc về miền ký ức để đong đưa và chơi vơi trên những ngọn tình sầu.