Bạn muốn làm nghề gì (2) Giáo viên mầm non

Có phải là niềm vui khi được làm bạn với trẻ mỗi ngày?

Có phải là niềm vui khi được làm bạn với trẻ mỗi ngày? Source: Wikimedia/Public Domain

Nếu bạn là một người yêu trẻ em, bạn muốn một công việc nhiều niềm vui và thời gian linh động, thì nghề giáo viên mầm non có lẽ dành cho bạn.


Ngành giáo viên mầm non ở Úc trong những năm gần đây đang có sự tăng trưởng mạnh, cụ thể theo thống kê của Bộ Nhân dụng Úc, trong 2 năm qua số lượng việc làm trong ngành giáo viên mầm non đã tăng 16%, và từ đây cho đến năm 2020, con số này sẽ là 26%.

Nguyên nhân cho sự tăng trưởng này, một phần là do tỉ lệ sinh tại Úc đang có chiều hướng gia tăng, cộng thêm những cắt giảm của Chính phủ đối với parental leave (trợ cấp nghỉ nuôi con). Với những lý do kể trên, có thể nói đây là thời điểm thích hợp cho những bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong lĩnh vực này.

Những tố chất nào để trở thành giáo viên mầm non?

Người giáo viên mầm non đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ. Giáo viên mầm non sẽ cùng với gia đình dạy trẻ những bài học đầu đời, ươm mầm nhân cách qua những bài học, những trò chơi, không những thế còn phải dỗ ăn, dỗ ngủ cho các bé.

Do đó, theo chị Nhiên Phạm, người hiện là trưởng phòng dành cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi (baby room) tại một trường mẫu giáo ở Mascot, Sydney, thì điều tiên quyết để trở thành giáo viên mầm non là phải có một tình yêu đối với trẻ em.

“Nếu bạn không yêu quý trẻ thì rất khó làm công việc này. Thí dụ một đứa trẻ khóc cả ngày, nếu bạn không yêu quý trẻ thì rất khó để dỗ dành, ôm hôn và làm đứa trẻ cảm thấy dễ chịu.”

Ngoài ra thì tính đức tính kiên nhẫn cũng là một yếu tố quan trọng do cách hành xử của trẻ ở giai đoạn mầm non là hoàn toàn dựa vào bản năng, điều này không chỉ đúng với việc chăm sóc những trẻ nhỏ, mà còn cả đối với những trẻ lớn hơn, có hiểu biết hơn, vì người giáo viên kiên nhẫn sẽ biết kiềm chế mỗi khi trẻ bướng bỉnh hay không nghe lời, để giúp trẻ nhận ra hành động của trẻ là sai và định hướng suy nghĩ đúng đắn cho trẻ.

Công việc của giáo viên mầm non bao gồm những gì?

Nhiệm vụ chính vẫn là chăm sóc và dạy học. Theo chị Nhiên Phạm, các giáo viên chủ yếu phải dựa trên sự quan sát xem trẻ có sự yêu thích ở lĩnh vực nào, từ đó có kế hoạch để soạn ra giáo trình dạy học cho trẻ.

Người giáo viên cũng phải trực tiếp xử lý những tình huống khẩn cấp hay gặp của trẻ nhỏ, chẳng hạn những va chạm hay tai nạn ngoài ý muốn do trẻ thường xuyên hiếu động, điều này cũng đòi hỏi người giáo viên phải có những kỹ năng về sơ cứu cũng như giải quyết tình huống.

Bạn Kim Xuân, một giáo viên mầm non đã có 3 năm kinh nghiệm cho biết “Trong quá trình học thì sinh viên ngành mầm non đã được học một khóa sơ cứu để có kỹ năng xử lý những tình huống khẩn cấp, sẽ biết cách giữ bình tĩnh để giúp trẻ.”

“Trẻ thường hiếu động, chạy nhảy, leo trèo, nên người giáo viên cần phải quan sát để mắt đến trẻ mọi lúc, mọi nơi. Nhưng cũng có những lúc không tránh khỏi tai nạn xảy ra, do đó mình cần phải chuẩn bị tâm lý để xử lý trong tình huống đó.

“Và tất nhiên là điều này cũng cần có thời gian để mình có thêm kinh nghiệm xử lý chứ không phải ai cũng có thể biết hết mọi cách xử lý được.” chị Nhiên cho biết.

Cũng như nhiều ngành nghề khác, công việc của người giáo viên mầm non ngoài chăm sóc các em còn phải làm việc với đồng nghiệp và phải tiếp xúc với phụ huynh hàng ngày.

“Phụ huynh cũng có quan tâm đến chuyện ăn uống nhưng câu hỏi mình thường nhận được nhiều nhất là hôm nay con chơi được gì, học được gì. Phụ huynh họ quan trọng chuyện giao tiếp của con cái họ hơn là ăn uống, họ thường hỏi xem con có chơi với những bạn khác không, có đối xử tốt với bạn không hay chơi với bạn như thế nào.” chị Nhiên nói.

Đây có phải là một công việc vất vả không?

Bạn Kim Xuân cho biết, độ tuổi từ 0 đến 2 tuổi thì một giáo viên phải chăm sóc 4 bé, 2 đến 3 tuổi thì một cô phải giữ 5 bé, còn đối với lớp từ 3 đến 5 tuổi thì một cô phải trông 10 bé.

Đây là một thuận lợi của công việc giáo viên mầm non ở Úc, tỷ lệ giữa giáo viên và các bé là khá thấp bảo đảm người giáo viên không bị quá tải để có thể chăm sóc các bé được tốt nhất.

“Có một bảng phân công công việc rõ ràng tại nơi làm việc, ví dụ công việc thay tã cho bé thì được phân công luân phiên cho mọi người cùng làm, nên áp lực công việc sẽ không nặng. Mình đã từng làm ở Việt Nam, và so với công việc ở Việt Nam thì công việc chăm sóc trẻ tại Úc nhàn hơn rất nhiều.” chị Nhiên Phạm nói

Bằng cấp nào để làm công việc giáo viên mầm non?

Với Chứng chỉ cấp độ III (Certificate III) thì bạn đã có đủ tiêu chuẩn xin việc ở một childcare center, nhưng khi đó bạn mới chỉ là educator. Nếu muốn trở thành một giáo viên (teacher) thì việc học lên các bậc cao hơn như Diplomat hay Bachelor.

chị Nhiên Phạm sẽ chia sẻ với chúng ta về câu chuyện nghề nghiệp của chị.

“Bằng cấp ảnh hưởng đến mức lương và các công việc cần làm. Nếu bạn có Cert III thì công việc sẽ nhẹ nhàng hơn đối với những người có bằng Diplomat, bạn không phải làm các công việc giấy tờ như ghi lại công việc hàng ngày hoặc ghi lại sự quan sát với trẻ

“Cert III dạy mình những kiến thức cơ bản nhất để chăm sóc trẻ. Nhưng mình nên học tiếp để lấy thêm các bằng cấp khác để hiểu về tâm sinh lý của trẻ, nếu bạn hiểu về tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ thì sẽ giúp mình dễ dàng hơn trong công việc.

Ngoài ra chị Nhiên còn cho biết thêm, tỷ lệ người có bằng Bachelor và Master còn được Chính phủ quy định ở mỗi childcare center, cần có bao nhiêu người có bằng Diplomat, bao nhiêu người có bằng Bachelor. Nếu bạn có bằng Bachelor thì bạn còn có thể làm việc ở những nơi khác như kindergarten chứ không chỉ làm ở childcare center.

Xin việc như thế nào?

Đây là công việc khá ổn định và cũng không khó tìm việc, quan trọng là mình phải biết bộc lộ mình là người yêu trẻ, yêu thích công việc và có kiến thức.

Bạn nên tìm việc ngay khi có Cert III, có thể bắt đầu bằng việc volunteer hoặc casual để lấy kinh nghiệm. Công việc casual giúp bạn có cơ hội làm việc ở những childcare center khác nhau và từ đó có những kinh nghiệm khác nhau, điều này rất hữu ích cho việc xin công việc toàn thời.

Chị Nhiên Phạm, người có khởi điểm công việc là một nhân viên casual có bằng Diplomat, chỉ sau nửa năm chị đã nhận được vị trí toàn thời và sau khi lấy tiếp bằng Bachelor thì chị được thăng tiến lên vị trí leader của phòng baby room dành cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi, chị nói

“Từ casual đến full time đến room leader là một bước lớn và trách nhiệm nhiều hơn, cơ hội có thể đến bất cứ lúc nào,chỉ cần mình làm hết sức mình và yêu nghề, yêu trẻ thì cơ hội sẽ đến.”

Xem thêm

Triển vọng nghề nghiệp và các thống kê của ngành Giáo viên mầm non tại

Những thay đổi trong các quy định của Chính phủ về tuyển dụng nhân lực ngành childcare

Tìm hiểu thêm về hệ thống childcare, tham khảo về các chương trình giáo dục trẻ tại

Share