Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gọi ngày 2/4, theo giờ Hoa Kỳ, là Ngày Giải phóng... nhưng đối với phần còn lại của thế giới, thuế quan của ông Trump đã gây ra nhiều đau khổ.
Ngày 2 tháng 4 trong nhiều tuần đã được tuyên bố là ngày Tổng thống Hoa Kỳ công bố thêm thông tin chi tiết về một loạt thuế quan có đi có lại mới.
LISTEN TO

Áp thuế tất cả đối tác, chẳng nước nào “lừa đảo” được Mỹ nữa
SBS Vietnamese
02/04/202505:56
Ngày này diễn ra khi các quốc gia trên toàn cầu đã phải chịu mức thuế 25% đối với các sản phẩm thép và nhôm - trong khi Canada và Mexico đã bị đánh thuế 25% đối với hàng hóa và Trung Quốc là 10%.
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karoline Leavitt cho biết Tổng thống đang tập trung vào việc 'sửa chữa những sai lầm trong quá khứ' và phục hồi nền kinh tế Hoa Kỳ.
"Những ngày nước Mỹ bị bóc lột, kể từ ngày mai sẽ kết thúc. Người lao động và doanh nghiệp Mỹ sẽ được đặt lên hàng đầu dưới thời Tổng thống Trump, đúng như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử.”
“Hành động lịch sử của tổng thống vào ngày mai sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ trong mọi lĩnh vực công nghiệp.”
“Giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của chúng ta và cuối cùng là bảo vệ an ninh kinh tế và quốc gia của chúng ta," bà Leavitt nói.
Một trong những yếu tố chính đã được công bố là mức thuế 25% nhắm vào ngành công nghiệp xe hơi, dự kiến có hiệu lực vào ngày 3 tháng 4.
Mỹ áp thuế tất cả các đối tác
Về các thông báo khác, theo tờ Washington Post, các trợ lý đang cân nhắc một kế hoạch sẽ tăng thuế đối với các sản phẩm lên khoảng 20% đến từ hầu hết mọi quốc gia, thay vì nhắm vào một số quốc gia hoặc sản phẩm nhất định.
Một phát ngôn nhân của Tòa Bạch Ốc đã dập tắt mọi đồn đoán trước thông báo của Tổng thống.
Nhưng các quốc gia đã tuyên bố sẽ đáp trả bằng các mức thuế đối ứng của riêng họ, bao gồm cả Canada.
Thủ tướng Mark Carney khẳng định Canada sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa nếu có thêm các biện pháp thuế quan được công bố chống lại quốc gia của ông.
“Về cơ bản là tái cấu trúc nền kinh tế Hoa Kỳ. Và điều đó có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta ở đây cũng cần phải thay đổi đáng kể.”
“Và như tôi đã nói rõ với Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm của chúng tôi vào tuần trước, tôi sẽ từ chối, tôi sẽ từ chối mọi nỗ lực làm suy yếu Canada.”
“Mọi nỗ lực làm chúng ta kiệt sức, hủy hoại chúng ta để nước Mỹ có thể sở hữu chúng ta," ông Carney nói.
Liên minh Châu Âu cũng đã đưa ra những lời lẽ và hành động mạnh mẽ chống lại Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Trump áp thuế lần đầu tiên vào tháng trước.
Phản ứng cứng rắn hay uyển chuyển?
EU đã phản ứng với mức thuế thép và nhôm của Tổng thống Trump bằng cách công bố các biện pháp đối phó lên tới 44 tỷ đô la giá trị hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.
Ủy viên EU - Ursula Von Der Leyen cho biết Châu Âu một lần nữa có những kế hoạch mạnh mẽ nếu đàm phán thất bại.
"Châu Âu không phải là bên khởi xướng cuộc đối đầu này. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó là sai lầm.”
“Nhưng thông điệp của tôi gửi đến các bạn hôm nay là chúng tôi có mọi thứ cần thiết để bảo vệ người dân và sự thịnh vượng của chúng tôi. Chúng tôi có thị trường lớn nhất thế giới.”
“Chúng tôi có sức mạnh để đàm phán. Chúng tôi có sức mạnh để phản kháng," bà Von Der Leyen nói.
Mexico đang áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Canada, trong đó hai nước đã nhất trí hợp tác nhiều hơn nữa.
Tổng thống Claudia Sheinbaum nhấn mạnh vào thứ Ba ngày 1 tháng 4 rằng Mexico không chấp nhận phản ứng trả đũa liên quan đến thuế quan của Hoa Kỳ nhưng cho biết Mexico đã chuẩn bị phản ứng một cách chiến lược.
Tổng thống Sheinbaum nói thêm rằng có thêm danh sách những kẻ buôn bán ma túy bị cáo buộc để dẫn độ sang Hoa Kỳ, vì Tổng thống Trump đã nhiều lần coi việc áp thuế là phản ứng đối với việc Mexico không ngăn chặn được nạn buôn bán ma túy.
"Chúng tôi không tin vào chuyện mắt đền mắt, răng đền răng, vì điều đó luôn dẫn đến tình hình tồi tệ.”
“Tất nhiên, các biện pháp được thực hiện để đáp trả hành động của phía bên kia, nhưng đối thoại phải được tiếp tục.”
“Không phải là về việc ăn miếng trả miếng, mà là về điều gì là tốt nhất cho Mexico và cách đối mặt với tình hình này,” bà Sheinbaum.
Bất đồng nội bộ chính trị Mỹ
Sự phản đối cũng đến từ bên trong Hoa Kỳ - bao gồm cả những đối thủ Dân chủ của Tổng thống Trump.
Đảng này đã đưa ra dự luật tại Thượng viện Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với Canada.
Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện New York - Chuck Schumer cho biết các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump sẽ là 'mức tăng thuế lớn nhất đối với người tiêu dùng Mỹ trong thời hiện đại'.
"Tổng thống Trump nói, 'Tôi không quan tâm nếu giá cả tăng.' Đối với các gia đình Mỹ, nước Mỹ, các bạn nghe Donald Trump nói rằng ông không quan tâm nếu bạn trả nhiều hơn.”
“Và không chỉ là một chút -- ước tính lên tới 6.500 đô la cho một gia đình Mỹ trung lưu.”
“Chính là tác động đối với các gia đình đang ngồi lại vào tối thứ Sáu và cố gắng tìm hiểu xem họ có đủ tiền để đi nghỉ mát hay thăm người thân, có thể mua một chiếc ô tô không," ông Schumer nói.
Nỗi lo về việc giá cả tăng cao là điều tối quan trọng đối với người tiêu dùng bình thường ở Hoa Kỳ - bao gồm cả cư dân Manhattan.
“Tôi lo lắng về thuế quan bởi vì nó sẽ chiếm phần lớn trong những gì tôi mua, khi giá đắt hơn," một người dân chia sẻ.
“Việc tăng giá, mọi thứ bây giờ đã đủ khó khăn rồi, và việc tăng giá sẽ làm tổn hại đến rất nhiều ví tiền người dân ở đây," một người Manhattan nói.
Gọi thuế quan là từ yêu thích của mình, Tổng thống Trump và các đồng minh khẳng định thuế nhập khẩu sẽ khuyến khích người tiêu dùng Hoa Kỳ mua nhiều hàng hóa sản xuất tại Mỹ hơn, thúc đẩy nền kinh tế đất nước và tăng doanh thu thông qua thuế quan.
Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại