Chính phủ tiết lộ kế hoạch mới để kiểm soát số lượng sinh viên quốc tế

Katy Gallagher (AAP)

Katy Gallagher Source: AAP / LUKAS COCH

Chính phủ liên bang đã đưa ra một biện pháp mới, để kiểm soát số lượng sinh viên quốc tế tại các trường đại học Úc vào năm tới, sau khi đề xuất giới hạn không được Quốc hội thông qua. Biện pháp này yêu cầu nhân viên di trú, làm chậm đi tiến trình cấp thị thực cho những người nộp đơn xin thị thực sinh viên nước ngoài, đã bị ngành giáo dục và phe đối lập chỉ trích.


Thất bại trong việc đưa ra giới hạn về số lượng sinh viên quốc tế, chính phủ Lao động đã tìm ra một cách mới để đạt được mục tiêu tương tự, mà không cần thông qua Quốc hội.

Theo chính sách mới, khi một trường đại học đạt được số lượng sinh viên quốc tế tối đa theo yêu cầu của chính phủ, nhân viên di trú sẽ làm chậm lại tiến trình cứu xét đơn xin thị thực, từ những sinh viên tương lai ở nước ngoài.

Chính sách này sẽ được thực thi thông qua Chỉ thị của Bộ trưởng thay vì một dự luật, nghĩa là không cần phải có được sự ủng hộ từ cả Liên đảng và đảng Xanh trong Quốc hội để thực hiện.

Tổng trưởng Tài chính Katy Gallagher cho biết, biện pháp này nhằm bảo đảm sự tăng trưởng bền vững, về số lượng sinh viên quốc tế.

"Vì vậy, chúng tôi đã khá thẳng thắn về vấn đề này, nó sẽ ưu tiên thị thực cho sinh viên đến các trường đại học khu vực và nhỏ hơn, đó là điều chúng tôi muốn thực hiện thông qua luật đó và nó sẽ giúp chúng tôi quản lý số lượng sinh viên quốc tế, như chúng tôi đã nói, đã góp phần vào sự gia tăng đáng kể về số lượng người đến Úc”, Katy Gallagher.
Được biết Chỉ thị cấp Bộ nầy của Tổng trưởng được ban hành vào thứ Tư ngày 18 tháng 12, sau khi chính phủ thu hồi một Chỉ thị hiện hành, đã gây ra tranh cãi trong ngành giáo dục.

Chỉ thị số 107 được ban hành cách đây một năm, yêu cầu nhân viên di trú ưu tiên các đơn xin thị thực sinh viên từ các quốc gia có rủi ro thấp hơn, đến các tổ chức được coi là có rủi ro thấp hơn.

Tổng trưởng Giáo dục Jason Clare mô tả chỉ thị này là 'giới hạn thực tế', trong khi Universities Australia, cơ quan cao nhất của ngành đại học, cho biết chỉ thị này đã dẫn đến những tác động tài chính to lớn, đối với các trường đại học khu vực và nhỏ.

Theo Chỉ thị 107, số lượng thị thực du học được cấp trong năm tài chính 2023 đến 2024 đã giảm, ít hơn 60.000 thị thực so với năm tài chính trước.

Alec Webb là Tổng giám đốc điều hành của Mạng lưới các trường đại học khu vực.

Ông hoan nghênh chính phủ bãi bỏ Chỉ thị 107.

"Đây thực sự là tin tuyệt vời cho các trường đại học khu vực và nhỏ hơn, nhưng cũng là tin tuyệt vời không kém đối với sinh viên, những người giờ đây sẽ không phải quyết định, giữa trường đại học mà họ lựa chọn và yêu thích, thay vì nộp đơn vào trường đại học chỉ để xin thị thực”, Alec Webb.

Thế nhưng không phải ai cũng hài lòng với chỉ thị mới.

Theo Chỉ thị mới, tiến trình làm chậm đi sẽ được sử dụng khi số lượng thị thực được cấp, đạt 80 phần trăm mục tiêu sinh viên quốc tế, mà chính phủ đặt ra cho mỗi trường đại học.
VIcki Thomson là Tổng giám đốc điều hành của Nhóm Tám, đại diện cho tám trường đại học nghiên cứu ưu tú tại Úc.

Trong một tuyên bố, bà cho biết chỉ thị mới có thể gây nhầm lẫn cho thị trường sinh viên quốc tế, gây thêm thiệt hại cho ngành này.

“Chính phủ đã thừa nhận rằng, hệ thống thị thực du học quốc tế của chúng ta phải được củng cố. bằng tính chính trực và chất lượng".

"Tuy nhiên, bằng cách thay thế một quy trình sai sót bằng một quy trình khác, thực chất là ‘sự chậm trễ trong tiến trình xử lý’, chính phủ đã thay đổi mục tiêu một lần nữa".

"Chúng ta có nguy cơ gây nhầm lẫn cho thị trường du học sinh, với những thay đổi liên tục này, đối với các thiết lập chính sách".

"Đối với quá nhiều sinh viên tiềm năng, điều này khiến Úc trở nên quá khó khăn và không chào đón như một điểm đến giáo dục đại học".

"Sau khi đặt ra mục tiêu tuyển sinh quốc tế, cho từng trường đại học Úc vào năm 2025, thật vô lý khi Chính phủ chỉ hỗ trợ nhanh chóng, trong việc cứu xét thị thực cho 80% mục tiêu đó”, VIcki Thomson.

Kể từ cuối năm 2023, chính phủ Lao động đã ban hành 9 thay đổi đối với các quy tắc về sinh viên quốc tế, tiếp theo là một dự luật được đề nghị, về việc giới hạn số lượng sinh viên quốc tế.

Dự luật đã không được Quốc hội thông qua vào tháng 12, vì cả Liên đảng và Đảng Xanh đều phản đối dự luật.

Tuy nhiên cuộc tranh luận đang diễn ra xung quanh sinh viên quốc tế, đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng dư thừa tại các trường đại học, nơi phụ thuộc rất nhiều vào sinh viên quốc tế để tạo ra doanh thu.

Vào tháng 10, Đại học Quốc gia Úc đã thông báo về tình trạng dư thừa, vì trường phải đối mặt với khoản thâm hụt 200 triệu đô la trong năm nay.

Trong một tuyên bố, Tiến sĩ Alison Barnes, Chủ tịch toàn quốc của Liên đoàn Giáo dục Đại học Quốc gia cho biết, chính phủ liên bang phải bảo đảm không có tình trạng mất việc làm, do những thay đổi đối với các quy tắc về sinh viên quốc tế.
Người phát ngôn về Di trú của Liên đảng là ông Dan Tehan, cũng đã chỉ trích chính sách mới.

"Đảng Lao động luôn gây ra sự hỗn loạn, trong vấn đề nhập cư".

"18 tháng trước, họ khoe khoang về số lượng thị thực họ cấp, giờ đây, chúng ta có hơn một triệu người đến trong cuộc khủng hoảng nhà ở và tiền thuê nhà".

"Thật rất khó để thấy điều này, sẽ tạo ra sự khác biệt nào”, Dan Tehan.

 và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay  

Share