'Chúng tôi đang sống trong đau khổ': Mohamed mất hơn 13 người thân vì bạo lực mới nhất ở Sudan

Mohamed Elday has lost family members in Sudan (SBS}.jpg

Mohamed Elday has lost family members in Sudan Source: SBS

Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự của Sudan thông báo rằng sau hai ngày giao tranh, họ đã giành quyền kiểm soát một trại tị nạn đói kém ở khu vực Darfur. Cuộc tấn công đã khiến hơn 100 thường dân thiệt mạng, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc và Relief International cho biết, chín nhân viên cứu trợ của họ đã bị phiến quân giết chết. Người đàn ông Sydney là Mohamed Elday, đã mất hơn 13 thành viên gia đình vì bạo lực và anh ấy đang kêu gọi chính phủ Úc hành động nhiều hơn.


Tiếng pháo kích và tiếng súng vang lên dữ dội, khi lực lượng bán quân sự đột kích vào một trại tị nạn đang bị nạn đói hoành hành ở khu vực Darfur phía tây Sudan.

Trại tị nạn Zamzam dành cho người di tản trong nước, nơi sinh sống của hơn 500.000 người tị nạn, đã phải chịu tổn thất nặng nề trong suốt hai năm chiến tranh, giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh.
R-S-F đang ăn mừng việc giành quyền kiểm soát trại sau hai ngày giao tranh, phá hủy nhà cửa, chợ và cơ sở chăm sóc y tế.

Kể từ thứ sáu ngày 11 tháng 4, những chiến binh này đã tiến hành các cuộc tấn công trên bộ và trên không, vào thủ phủ El-Fasher đang bị bao vây của Bắc Darfur và các trại tị nạn Zamzam và Abu Shouk gần đó.

Liên Hiệp Quốc cho biết, hơn 100 người được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của R-S-F, trong đó một phe phái liên kết với quân đội cho rằng, số người thiệt mạng cao gấp bốn lần con số đó.

Mohamed Elday, một người đàn ông Sudan-Úc sống ở phía tây Sydney cho biết, hơn 13 thành viên trong gia đình ông đã thiệt mạng trong vụ bạo lực.

"Một trong những người anh em họ thứ hai của tôi vừa qua đời, vì vụ giết người sắc tộc, Allah yerhamo, cô ấy qua đời khi mới 12 tuổi, tên là Mera".

"Tôi cũng có một người anh em họ khác bên phía bố tôi, cũng đã qua đời và nhiều người chú, có quá nhiều người để liệt kê, đã có hơn 13 người”, Mohamed Elday.

Cái chết và sự tàn phá đã trở nên tồi tệ hơn, do việc mất liên lạc từ trại Zamzam, đã che giấu toàn bộ mức độ thiệt hại.

"Hiện tại không có bất kỳ sự tiếp nhận nào, thật vô cùng khó khăn, do chúng tôi đang sống trong đau khổ".

"Chúng tôi không bao giờ biết khi nào chuyện gì tiếp theo sẽ xảy ra, hay sự kiện tiếp theo ra sao".

"Chúng tôi không biết, liệu các thành viên trong gia đình mình sẽ qua đời hay sống sót, để chứng kiến một ngày khác, chúng tôi hoàn toàn không biết”, Mohamed Elday.

Trong khi đó tổ chức Relief International, là tổ chức cung cấp dịch vụ y tế và nhân đạo cuối cùng cho trại Zamzam cho biết, chín nhân viên y tế của họ đã bị R-S-F giết chết.

S-B-S đã được cung cấp một đoạn video, dường như cho thấy một y tá tình nguyện chỉ vào những thi thể được quấn trong vải, của các nhân viên nhân đạo.

"Tôi rất tiếc khi phải chia sẻ điều này, nhưng tôi thề với Thượng Đế rằng, hôm nay là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời chúng ta".

"Tất cả những người này đều là bác sĩ, họ vừa mới bị giết".

"Đây là Abuasha và đây là Mohamed, đó là Cola và đó là Adam Babkir".

"Tôi cầu xin Thượng Đế cho họ được yên nghỉ và cầu xin những người bị thương mau chóng bình phục”, một y tá.
Trong khi đó RSF liên tục phủ nhận việc tấn công dân thường, tuy nhiên Mukesh Kapila là cựu giám đốc Liên Hiệp Quốc tại Sudan nói với BBC rằng, ông không nghi ngờ gì về sự liên quan của họ.

"Có những báo cáo từ các nhân viên cứu trợ tại hiện trường, một số ít người đang làm việc ở đó, có những tuyên bố từ những người thực sự bị ảnh hưởng, chính là người Darfur".

"Đây là một phần của mô hình bạo lực và bạo lực tình dục do RSF gây ra, đã diễn ra trong một thời gian".

"Vì vậy, tôi nghĩ rằng hoàn toàn không có nghi ngờ gì rằng đó là RSF, hậu duệ của Janjaweed ban đầu, đã bắt đầu những hành động tàn bạo này cách đây 20 năm".

"Họ đã quay trở lại với hình dạng hoàn chỉnh, ở cùng những nơi như Darfur”, Mukesh Kapila.

Được biết R-S-F đã bị Hoa Kỳ cáo buộc tội diệt chủng, còn Sudan đã đưa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ra Tòa án Công lý Quốc tế, vì bị cáo buộc hỗ trợ các chiến binh thực hiện hành vi diệt chủng.

Người đàn ông Sydney là Mohamed Elday đến từ bộ tộc Zaghawa, một trong ba nhóm dân tộc từng bị R-S-F và các nhóm chiến binh Ả Rập nhắm tới.

Ông cho biết không nghi ngờ gì rằng, cuộc diệt chủng Darfur vào đầu những năm 2000, đang lập lại một lần nữa.

"Đối với gia đình tôi, chúng tôi cảm thấy như mình bị nhắm mục tiêu và phân biệt đối xử về mặt chủng tộc, chắc chắn đây là một cuộc diệt chủng".

"Đây không chỉ là cuộc tấn công vào người dân của tôi, mà là toàn bộ Darfur".

"Các bộ tộc như Fur, Masalit, Zaghawa là tất cả chúng tôi và đây là cuộc tấn công vào tất cả mọi người”, Mohamed Elday.

Trong khi đó Shayna Lewis, một chuyên gia về Sudan và cố vấn cao cấp tại tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, có tên là ‘Preventing and Ending Mass Atrocities’ nói với D-W News rằng, hành động này là một phần trong nỗ lực của R-S-F, nhằm bảo đảm quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Darfur.

"Đây là trại tị nạn I-D-P, được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế và bất chấp lời nói của R-S-F, không có mục tiêu quân sự nào, khi tấn công dân thường trong trại này".

"Họ tấn công trại, vì R-S-F đã bị Lực lượng vũ trang Sudan đẩy khỏi trung tâm và phía đông đất nước, vào tháng 2 và tháng 3 năm nay".

"Giờ đây R-S-F đang cố gắng củng cố vị thế đàm phán chính trị của mình, bằng cách kiểm soát cả năm tiểu bang ở Darfur".

"Hiện tại họ đang nắm giữ bốn trong số năm tiểu bang, nhưng đây là nước cờ cuối cùng của họ, để kiểm soát tiểu bang còn lại trong số năm tiểu bang”, Shayna Lewis.

Thế nhưng những trò chơi quyền lực này đã khiến Darfur bị tàn phá và những người tị nạn ở trại Zamzam, không có khả năng tự vệ trước lực lượng bán quân sự.
Mohamed cho biết, những tác động về mặt tâm lý đối với ông và những người thân yêu của ông ở Úc là không thể phủ nhận, nhưng ông muốn làm hết sức mình để hỗ trợ gia đình và truyền bá thông tin, hầu chính phủ Úc có thể giúp chấm dứt tình trạng giết chóc.

"Alhamdulillah, tôi khá hơn mẹ tôi một chút, thật không may, bà ấy đang phải chịu đựng những điều tồi tệ nhất, bà ấy thậm chí không thể ăn, điều đó khá tệ".

"Nếu tôi cứ buồn thì sẽ chẳng có gì thay đổi được, vậy nên tôi phải tiếp tục cố gắng và làm những điều tốt nhất cho gia đình mình. Tôi không thể chỉ nằm trên giường và khóc cả ngày".

"Điều đó sẽ làm được gì và điều đó sẽ thay đổi được gì?”, Mohamed Elday.

 và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay  

Share