Xin lưu ý câu chuyện cá nhân của hai người không phải là quan điểm của SBS.
Được đại sư phụ Lý Hồng Chí khai sáng vào năm 1992, môn khí công Pháp Luân Công đã nhanh chóng thu hút đến 100 triệu môn đệ ở Trung Quốc chỉ trong vòng 7 năm.
Điều này đã khiến Chủ tịch nước Trung quốc thời bấy giờ là Giang Trạch Dân rất lo ngại và do đó đã bắt đầu cuộc đàn áp những người này suốt cho đến ngày hôm nay.
Để biết Pháp Luân Công tu luyện ra sao ? Khác với các môn khí công khác như thế nào ? Pháp luân Công giúp ích được gì cho bản thân và xã hội, cùng nhiều câu hỏi khác, kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm sau đây với hai môn đệ người Việt của môn phái này là chị Tỵ Đào và anh Jackie Lê.
Hưng Việt: Dạ trước hết xin chào chị Tỵ Đào và anh Jackie Lê.
Tỵ Đào: Dạ em xin chào anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung cùng quý thính giả của đài SBS Radio
Jackie Lê: Xin chào anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung của đài SBS và thính giả.
Mỹ Dung: Dạ xin chào anh chị.
Hưng Việt: Trước hết xin anh chị có thể vui lòng cho biết là Pháp Luân Công có phải là một tôn giáo hay là không ?
Tỵ Đào: Pháp Luân Công là môn khí công tu luyện của Phật gia được rất nhiều người trên thế giới đón nhận và thực hành. Pháp Luân Công thực ra không phải là một tôn giáo, không yếu cầu bất kỳ hình thức tôn giáo nào như xây chùa, xây thiền đường, dập đầu bái sư, thắp hương niệm Phật, tụng kinh gỏ mõ, đóng góp tiền bạc, chỉ yêu cầu người tu luyện sửa đổi tâm tính giữa đời thường theo 3 nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn.
Hưng Việt: Dạ thưa chị, chị có thể khai triển thêm là Chân gồm có những gì, Thiện gồm có những gì và Nhẫn gồm có những gì được không ạ ?
Tỵ Đào: Theo thiển ngộ của em thì 3 chữ Chân Thiện Nhẫn rất đơn giản. Chân là sống trung thực, không nói sai nói dối và đúng với lương tâm của mình. Còn Thiện thì giống như bên Phật thôi, nghĩa là mình yêu thương, mình bao dung, luôn nghĩ về người khác. Còn Nhẫn là khả năng trước bất kỳ những nghịch cảnh nào mà vẫn giữ được trái tim bình an.
Mỹ Dung: Dạ Mỹ Dung thấy là có Pháp Luân Công rồi lại có Falun Dafa thì không biết là hai cái đó khác nhau như thế nào ?
Jackie Lê: Năm 1992, sư phụ Lý Hồng Chí mới ra truyền pháp thi đặt ra Pháp Luân Công cho phù hợp với thời đại đó, thời đại mà người ta chỉ biết đến khí công thôi, không biết tu luyện là gì. Bởi vậy sư phụ Lý Hồng Chí mới đặt ra Pháp Luân Công cho người ta dễ tiếp thu.
Và Pháp Luân Đại Pháp là sư phụ Lý Hồng Chí đi ra ngoài, truyền pháp cho thế giới thì mới đặt thêm tên là Pháp Luân Đại Pháp.
Pháp Luân Công và PLĐP cũng cùng là một pháp môn.
Mỹ Dung: Nếu mà như vậy thì môn Pháp Luân Công sẽ khác như thế nào với môn khí công hay là những môn Thiền là Zen đó ?
Tỵ Đào: Các môn khí công khác thì mục đích chính là người ta luyện tập cho cơ thể khỏe mạnh thôi.
Còn ở bên Thiền thì thật ra em cũng không có thực hành bên Thiền nên em cũng không biết sâu nhưng theo em hiểu thì họ cũng phải tập trung vào 3 điều, đó là điều chỉnh về thân thể, rồi điều chỉnh về hơi thở, điều chỉnh về tâm trí.
Nhưng riêng với Pháp Luân Công thì rất khác biệt là PLC phải tu cả Tâm và Thân, hai cái khác nhau.
Cái phần gọi là tu luyện gồm 2 chữ: Tu là tu tâm tính giữa đời thường, vứt bỏ những cái suy nghĩ xấu đi, theo nguyên lý của Chân Thiện Nhẫn.
Còn Luyện thì chỉ có 5 bài công pháp rất là đơn giản, ai cũng có thể thực hành được mà rất hiệu quả, tăng cường sức khỏe rất tốt.
Mỹ Dung: Thưa anh chị có thể cho biết cơ duyên nào mà anh chị đã tìm đến pháp môn Pháp Luân Công này ?
Jackie Lê: Thì em cũng tình cờ có một người bạn chia sẻ về sự bức hại Pháp Luân Công ở Trung quốc. Em lên trên trang của Pháp Luân Công để tìm hiểu thì em thấy quyển sách này rất là hay. Mình chưa có nghe những trí huệ nào luôn nhưng anh mà nghe qua một lần, nó ăn sâu vào trong đầu mình như là mãi mãi luôn. Và từ đó, em cứ đọc sách hoài. Rồi em bắt đầu luyện công và em cảm thấy nó làm cho thân thể mình rất là nhẹ nhàng. Và mình đọc theo những pháp lý mà sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân thì nó giúp cho mình sống rất là thoải mái.
Tỵ Đào: Cơ duyên em đến với Pháp Luân Công là năm 2018 có rất nhiều sự kiện xảy đến với bản thân em thì em cảm thấy không handle được và đã bị stress, bị anxiety, lo lắng, hồi hộp, dẫn đến mất ngủ 3 tháng liền.
Thì một hôm, cũng rất là tình cờ vào được trang mạng của Pháp Luân Công là do một tờ báo, SS Tuần báo đấy, khi em mở ra, có lẽ cũng là một cái duyên, em click vào đúng quyển Chuyển Pháp Luân.
Có lẽ trong cuộc đời, em chưa khi nào đọc được một cuốn sách nó hay, nó kỳ diệu như thế. Nó đã mở hết những thắc mắc trong quyển sách này và em đọc quyển sách đó từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng, đọc liền hết quyển luôn. Và lần đầu tiên, em đã ngủ được một giấc ngủ bình an, em cảm thấy hạnh phúc nhất, chưa bao giờ như vậy và sau đó, em bước chân vào tu luyện.
Hưng Việt: Tu luyện Pháp Luân Công như vậy thì mỗi ngày các môn đệ phải mất bao nhiêu thì giờ để mà tu luyện ?
Jackie Lê: Trong Pháp Luân Công , luyện công có 5 bài công pháp, 4 bài là đứng luyện và bài thứ 5 là bài ngồi, thiền định tĩnh công.
Pháp Luân Công là môn tu luyện trong đời thường, bạn có thể tập lúc nào mình rảnh thôi, không có cố định là mình phải tập bao nhiêu hết.
Mỹ Dung: Môn Pháp Luân Công này có giới hạn tuổi tác hay điều kiện sức khỏe nào không ?
Tỵ Đào: Pháp Luân Công là môn dễ nhất để theo tập tại vì từ em nhỏ đến người lớn, người già, người ngồi xe lăn đều tập được hết. Và từ tất cả các giai tầng, nội trợ đến kỹ sư, bác sĩ, các nhà khoa học đều có thể tập được, người bệnh tật cũng tập được.
Em nghe nói những câu chuyện có người bị liệt, nằm trên giường, không tập gì hết mà chỉ nghe pháp đã có thể đứng ngồi dậy được. Tu là quan trọng nhất, rồi mới đến Luyện.
Mỹ Dung: Dạ như chị Tỵ nói, mình tu cho cái Tâm thì mình sẽ hết được bịnh. Nhưng có cách nào để mình hướng dẫn cho các môn đệ là tu cái Tâm thì như thế nào ?
Hưng Việt: Đúng rồi, Tại vì thí dụ như môn Thiền hành, họ cũng nói là họ ngồi tu tập, họ truyền năng lượng để cho nó hết bịnh. Như vậy có khác gì với Pháp Luân Công không ?
Tỵ Đào: Dạ rất là khác biệt. Vì tu bên Pháp Luân Công là tu tâm dưỡng tính, thay đổi bản thân mình để cho thành tốt lên. Thí dụ như mình là người bình thường, có rất nhiều cái tâm Danh, Lợi, Tình, Tiền. Đứng trước những cái Tâm ấy, mình có buông được hay không.
Đối với Pháp Luân Công, đứng trước những mâu thuẩn đó, mình phải buông bỏ. Không phải là dễ nhưng mà Pháp Luân Công có một cuốn sách gọi là Chuyển Pháp Luân thì trong đó có tất cả những giáo lý hướng dẫn mình, tại sao, nguyên nhân như thế nào để mình hiểu và từ đó, mình từ bỏ đi, rất là hiệu quả.
Mỹ Dung: Quay trở lại với pháp môn, không biết Pháp Luân Công hiện nay có khoảng bao nhiêu môn đệ trên thế giới và riêng ở Brisbane có bao nhiêu người Việt hả anh ?
Môn đệ Pháp Luân Công xuống đường phản đối việc bị đàn áp
Ở trên thế giới thì nói chung cũng không biết con số chính thức tại vì môn tu luyện này muốn đến tập lúc nào cũng được, không có ép mình viết tên vô danh sổ.
Còn riêng ở Brisbane thì thật sự em cũng không biết là bao nhiêu nữa vì người đến người đi, cũng không viết xuống sổ sách. Theo em biết thì ở Kangaroo Point có công viên cũng lớn lắm, cũng khoảng gần 100 người đến tập luyện chung. Ở vòng vòng Brisbane thì em nghĩ cũng khoảng trên 8 địa điểm, mình có thể đến tập luyận lúc nào cũng được hết: Inala (Forest Lake), South Bank, Redcliff, Sunshine Coast, New Farm Park.
Hưng Việt: Tu luyện như vậy thì hy vọng mình tạo ra được cái Đức, theo như chị Tỵ hồi nảy nói. Cái Đức là để giúp ích cho đời, cho xã hội thì thưa chị, các môn sinh giúp ích được gì cho xã hội, cho cộng đồng của chúng ta ?
Tỵ Đào: Đối với bản thân em thôi thì em thấy gia đình hạnh phúc hơn tại vì sức khỏe thì mình khỏe mạnh, không phải lo đau ốm bệnh tật. Tinh thần thì mình yêu thương hơn, mình trở thành người tốt hơn, bao dung hơn, những mối liên hệ xung quanh đều tốt lên. Và đi đâu người ta cũng thực hành Chân Thiện Nhẫn, người ta không có gian lận, người ta theo đúng luật pháp, người ta luôn nhường nhịn người khác. Nếu mà ai cũng tu luyện Pháp Luân Công thì có phải là điều tuyệt vời không ạ ?
Jackie Lê: Bây giờ nghề nghiệp của em là nông dân. Trồng một sản phẩm cho người ta ăn thì mình phải rất là thận trọng về những thuốc men mình xài. Hồi xưa, trước khi tu luyện, em không để ý tới những chuyện đó. Mình cũng xài thuốc bình thường thôi, mình không suy nghĩ là ờ, nếu mà xài nhiều quá thì nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người ăn ra sao. Khi tu luyện, em trồng trọt rất là thận trọng. Mình phải thủ đức và không muốn tạo nghiệp thì mình phải tạo ra một sản phẩm an toàn. Thời nay cái gì ở ngoài cũng độc hại hết trơn. Thuốc phân, thuốc sâu, Mình trồng trọt cái gì thì phải rất là kỷ về những gì mình xài. Tu luyện giúp cho em nhìn được khía cạnh đó.
Hưng Việt: Bây giờ xin anh chị có thể cho biết tại sao mà Trung quốc họ ngăn cấm Pháp Luân Công dữ vậy ?
Jackie Lê: Năm 1992, khi sư phụ Lý Hồng Chí đem phương pháp tu luyện này truyền ở Trung quốc, mới bắt đầu thì số người tập cũng không có bao nhiêu mà trong vài năm, lên đến hơn 100 triệu. Người lãnh đạo Trung quốc là ông Giang Trạch Dân thấy số lượng người tu luyện nhiều quá đi, thậm chí những người trong Đảng cũng tập pháp môn này luôn. Ai cũng kính nể sư phụ Lý Hồng Chí hết mà không tôn trọng ổng thì ổng rất là ganh tị và sợ uy hiếp đến quyền lực của ổng. Từ đó ổng lập đội 610 đặc biệt để đàn áp học viên Pháp Luân Công. Sau đó, ai mà tập Pháp Luân Công, họ sẽ bắt vô trại đánh đập, hành hạ, rất là dã man. Thậm chí có các cáo giát họ giết người tu luyện, lấy nội tạng đi bán trên thế giới. Điều này đã xảy ra từ 20/7/1999 đến bây giờ cũng 23 năm rồi sự bức hại vẫn còn.
Hưng Việt: Như vậy, là môn đệ Pháp Luân Công, các anh chị có cảm thấy có trách nhiệm hay bổn phận để nói lên với công chúng của nước Úc, hay ít nhứt của Brisbane về những tội ác như vậy của nhà cầm quyền Trung quốc hay không ? Và nếu có, Pháp Luân Công ở Brisbane đã làm được những gì ?
Tỵ Đào: Là một đệ từ Pháp Luân Công, bản thân em cảm thấy rất đau lòng khi mà chứng kiến học viên khác vô tội, thiện lương như vậy mà bị bức hại. Bên em hay có những car tours với những đoàn xe có những biển hiệu đi diễu hành để cho người dân biết được cái message về đảng CSTQ. Rồi đi phát tờ rơi. Rồi đứng trước đại sứ quán của TQ để cho họ biết rằng mình phản đối.
Ngoài ra cho em chia sẻ một chút về buổi triển lãm về nạn nhân của đảng CS do Cộng đồng Người Việt tổ chúc, kết hợp với tổ chức Nạn nhân CS Trên Thế Giới bắt đầu từ 3/9 đến 10/9 tại Cộng đồng Người Việt ở Darra.
Cũng có một buổi triển lãm tranh nữa về nghệ thuật của Pháp Luân Công từ 3/9 đến 17/9 tại trung tâm triển lãm tranh ở khu shopping ở Inala. Hy vọng mọi người có thời gian sẽ ghé thăm.
Hưng Việt: Thưa anh chị còn có điều chi muốn chia sẻ với thính giả chúng tôi hay không ạ ?
Tỵ Đào: Như trong dân gian thường có câu “Khó nhứt là tu tại gia, Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Tu tại gia là phương pháp tu khó nhất trong tất cả các loại tu bởi vì đứng trước những cái mâu thuẩn trong gia đình, đời sống mà người đó có thể vứt bỏ được thì thật sự là khó. Nhưng mà đối với Pháp Luân Công thì có một pháp lý người ta theo và tu luyện dễ dàng. Đấy chính là quyển sách Chuyển Pháp Luân với tất cả những phương pháp hướng dẫn người ta tu giữa đời thường rất là dễ và hiệu quả.
Em xin giới thiệu quyển sách này, nếu thính giả nào muốn quan tâm thì có thể tìm hiểu theo trang web là hoặc là có thể liên lạc qua số điện thoại 0430-626-728
Jackie Lê: số của em 0487-354-613.
Môn đệ Pháp Luân Công diễu hành
Xin thành thật cám ơn anh chị và kính chúc anh chị được tu luyện tốt đẹp cũng như nhóm Pháp Luân Công Brisbane sẽ ngày càng được thêm nhiều môn đệ tham gia vào hơn. Dạ xin cám ơn anh chị.
Tỵ Đào: Em cũng xin chân thành cám ơn anh chị và quý thính giả đã dành thời gian quý báu của mình để nghe em và Jackie chia sẻ về môn Pháp Luân Công ngày hôm nay. Em xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Jackie Lê: Cám ơn anh chị và quý thính giả đã cho em và chị Tỵ cơ hội để chia sẻ về môn tu luyện Pháp Luân Công này.
Mỹ Dung: Mỹ Dung cũng xin cám ơn chị Tỵ và anh Jackie.
Để biết thêm chi tiết, quý vị có thể liên lạc với chị Tỵ Đào0430-626-728 hay anh Jackie Lê0487-354-613 hoặc vào trang mạng www.phapluancong.org .
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung