Gia đình Hồ Duy Hải hơn 15 năm kêu oan

Ls Trần Hong Phong và gia đình Hồ Duy Hải, 2020.jpg

Ls Trần Hồng Phong và người nhà Hồ Duy Hải: Mẹ-bà Nguyễn Thị Loan, Dì ruột bà Nguyễn Thị Rưỡi, và em gái Hồ Thị Thu Thuỷ bên ngoài toà Giám Đốc Thẩm (6/5/2020)

Vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự ở Việt Nam xảy ra vào tối ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Bưu Điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, hai nữ nhân viên bưu điện bị giết bằng cách cắt cổ và Hồ Duy Hải sinh năm 1985 bị bắt vì là nghi phạm và bị kết án tử hình. Hồ sơ vụ án chỉ ra có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc điều tra như: Tiêu hủy vật chứng, thay đổi vật chứng, bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường; ép cung, rút bỏ hồ sơ chứng cứ có lợi cho bị cáo, bỏ qua một số bản khai cung không nhận tội của bị cáo. Dù vậy qua các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm vụ án vẫn không được điều tra lại và Hồ Duy Hải vẫn y án tử hình. Gia đình liên tục kêu oan cho Hồ Duy Hải trong suốt 17 năm qua. Cuộc sống của họ qua chừng ấy năm giờ như thế nào?


Vụ án giết người tại Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Ngày 13-1-2008 tại Bưu Điện Cầu Voi Long An đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị cắt cổ giết hại dã man ở khu vực cầu thang phía sau.

Khám nghiệm hiện trường lấy được nhiều dấu vân tay.

Hơn hai tháng sau, ngày 21-3-2008, Hồ Duy Hải - nam thanh niên tại địa phương, nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km - bị bắt giữ. Hồ sơ thể hiện Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất, thực hiện hành vi giết người tại Bưu điện Cầu Voi.

Hung khí mà cơ quan điều tra kết cho Hồ Duy Hải giết người là con dao, cái thớt và cái ghế.

Tuy nhiên tại tòa, ghế thu giữ được sau khi vụ án xảy ra hơn 2 tháng là một chiếc ghế có mã số khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường, còn dao và thớt là đồ mới do điều tra viên ra chợ mua về làm vật chứng.

Dấu vân tay của Hồ Duy Hải không trùng khớp với dấu vân tay tại hiện trường.

Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hồ Duy Hải đều kêu oan nhưng đều bị án tử hình.

Đây là vụ án mà ngay từ những ngày đầu, báo chí, truyền thông và các luật sư đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy sự sai sót và trong quá trình điều tra tội phạm và bắt người.


Trong "Đơn tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án", Ls Trần Hồng Phong nêu ra những vi phạm tố tụng có thể tómắt gọn như sau:

1. Cố tình bỏ qua kết quả giám định dấu vân tay

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra (CQĐT) đã giám định dấu vân tay của Hồ Duy Hải, so sánh với dấu vân tay của hung thủ thu giữ được tại hiện trường vụ án. Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 kết luận “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án KHÔNG TRÙNG KHỚP với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải". Đây chính là CHỨNG CỨ NGOẠI PHẠM của Hồ Duy Hải.

Nhưng kết quả giám định dấu vân tay đã bị RÚT KHỎI HỒ SƠ VỤ ÁN.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An nói rằng “dấu vân tay không giám định được” thể hiện trong Bản án sơ thẩm.

2. Ngụy tạo vật chứng/hung khí gây án

CQĐT kết luận Hồ Duy Hải đã dùng dao cắt cổ hai nạn nhân, nhưng thực tế không thu được tangvật nào như vậy. Sau khi bắt giam Hồ Duy Hải, CQĐT cử người ra chợ mua một con dao và dùng để làm chứng cứ buộc tội. Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự đây không phải là tang vật.

3. Bịa đặt ra lời khai của nhân chứng duy nhất Đinh Vũ Thường và dùng làm căn cứ kết tội:

Trong bản Cáo Trạng kết tội Hồ Duy Hải viết: “nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện"tại thời điểm gây án.

Nhưng khi xét xử, Tòa án đã không hề triệu tập nhân chứng duy nhất và rất quan trọng này tham gia phiên tòa.

Trong biên bản ghi lời khai, nhân chứng Đinh Vũ Thường chỉ khai "nhìn thấy một thanh niên, và không thể nhận diện được".

Làm việc với luật sư năm 2011, nhân chứng Đinh Vũ Thường khẳng định "không nhìn thấy Hồ Duy Hải tại hiện trường" như trong Bản án và Cáo trạng đã nêu.

CQĐT cũng không tiến hành nhận dạng và nhân chứng Đinh Vũ Thường cũng không hề quen biết Hồ Duy Hải thì làm sao có thể nhận ra đó là Hồ Duy Hải.

4. Rút hỏi hồ sơ vụ án toàn bộ thông tin/tài liệu về nhân chứng Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của một trong hai nạn nhân:

Không hiểu vì lý do gì, CQĐT và VKSND tỉnh Long An đã rút khỏi hồ sơ vụ án tất cả các tài liệu, tình tiết liên quan đến một nhân chứng đặc biệt quan trọng tên là Nguyễn Văn Nghị.

Theo báo chí đăng tải, tại thời điểm xảy ra vụ án Nguyễn Văn Nghị là người yêu của một trong hai nạn nhân. Trong đêm xảy ra vụ án Nguyễn Văn Nghị có ghé vào bưu điện Cầu Voi và đã bỏ trốn sau khi vụ án xảy ra.

Cơ quan điều tra đã từng tạm giữ và lấy lời khai của Nguyễn Văn Nghị. Nhưng sau đó toàn bộ thông tin về nhân vật này đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án một cách rất bất thường.

5. Làm sai lệch hồ sơ vụ án:

CQĐT đã loại bỏ và không sử dụng 6 trong số 9 kết quả giám định mà chính họ đã trưng cầu giám định và xác minh, liên quan đến vụ án.

Những tài liệu bị loại bỏ này chính là những chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải không liên quan đến vụ giết người.

Nhiều tờ Biên bản ghi lời khai đã bị điều tra viên chỉnh sửa, ghi thêm nội dung vào.

Trong đơn tố giác tội phạm, bà Nguyễn Thị Loan đã nêu lên tên Nguyễn Văn Nghị, người từng là bạn trai của Nguyễn Thị Ánh Hồng-một trong hai nạn nhân, là nghi can số một của vụ án.

Thế nhưng vì lý do gì đó mà sau lần triệu tập đầu tiên Nguyễn Văn Nghị đã được cho tại ngoại, và từ đó đến nay chưa bao giờ cơ quan điều tra nhắc tới cái tên này.

Vụ án đã qua phiên sơ thẩm vào năm 2008 tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An, phúc thẩm năm 2009 tại Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải.

Trước phản đối của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Tòa án nhân dân tối cao.

Ngày 22 tháng 11 năm 2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.

Phiên Giám đốc thẩm diễn ra từ 6-8/5/2020 tại Hà Hội, bà Nguyễn Thị Loan mẹ của bị cáo không được mời tham dự.

Luật sư của bị cáo - ông Trần Hồng Phong, sau 20 phút phát biểu trong buổi sáng đầu tiên thì được thông báo là sẽ không tiếp tục tham dự phần còn lai của toàn bộ phiên toà.


Kết thúc phiên Giám Đốc Thẩm, tòa nhận định những vi phạm pháp luật như đã được nêu ra trong "Đơn tố cáo sai phạm điều tra" mà Ls Trần Hồng Phong trình bày không làm thay đổi bản chất của vụ án, do đó tòa đã giữ y các bản án sơ thẩm, phúc thẩm mà không điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Suốt 17 năm qua, Hồ Duy Hải vẫn chưa nguôi hy vọng bản án sẽ được xem xét lại, gia đình của Hồ Duy Hải vẫn chưa từng ngưng việc kêu oan cho con.

Ý chí của họ không thay đổi nhưng sức lực và tài lực thì không bền vững như mong muốn của họ.

Trong cuộc trò chuyện, Hồ Thị Thu Thủy - em gái Hồ Duy Hải - thay mẹ trả lời.

Bà Nguyễn Thị Loan mẹ cô, sau chừng ấy năm kêu oan cho con đã không thể tiếp chuyện để nói về những điều đã trở nên quá sức nhạy cảm đối với bà.

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay

Share