Sudan đã bước sang năm thứ ba của chiến tranh và tàn phá.
Cùng với nội chiến, cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới tiếp tục diễn ra với gần 13 triệu người phải di dời vì bạo lực, và hai phần ba dân số – hơn 30 triệu người – đang tuyệt vọng cần sự hỗ trợ.
LISTEN TO

Hai năm khủng hoảng nội chiến ở Sudan, nạn đói khủng khiếp nhất toàn cầu
SBS Vietnamese
07:07
Fatma Ahmed và cô con gái 11 tuổi Rahaf đã phải rời bỏ thủ đô Khartoum của Sudan và hiện sống trong một chiếc lều ở Port Sudan.
Rahaf đã bị mất thính lực do liên tục nghe tiếng bom nổ... điều mà mẹ em cho biết càng làm trầm trọng thêm hoàn cảnh của họ.
"Việc mất thính lực đã ảnh hưởng đến con bé. Năm ngoái, chúng tôi đã cho bé đi học ở đây, nhưng con không thể nghe thấy gì. Khi con ngồi ở hàng ghế đầu, các bạn bắt con phải ngồi xuống hàng ghế sau, con không nghe được.
Các bạn bắt nạt con tôi, nên con bé nói không muốn đến trường nữa. Hiện giờ, chúng tôi đang tìm cách chữa trị vấn đề thính lực và tìm máy trợ thính, cầu trời giúp đỡ."
Kể từ khi giao tranh nổ ra giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự Rapid Support Forces (RSF) vào ngày 15 tháng 4 năm 2023, cuộc tranh giành quyền lực này đã khiến tới 150.000 người thiệt mạng theo một số ước tính.
Tháng trước, Lực lượng Vũ trang Sudan đã chiếm lại được nhiều khu vực và buộc RSF phải rút khỏi thủ đô Khartoum sau hai năm giao tranh.
Ông Sheldon Yett, đại diện của UNICEF tại Sudan, cho biết hiện nay hàng viện trợ cuối cùng cũng đã bắt đầu đến được khu vực này.
"Viện trợ đang đến nhưng vẫn chưa đủ và nhu cầu vẫn rất lớn. Tôi nghĩ đó là điểm mấu chốt ở đây. Khi ngày càng nhiều khu dân cư được mở lại, Khartoum mở cửa trở lại, tôi rùng mình khi nghĩ về những gì chúng ta sẽ chứng kiến và mức độ nhu cầu sẽ lớn đến đâu.
Đây từng là một trong những tâm điểm của xung đột; và chúng ta đều biết xung đột để lại nhu cầu khổng lồ sau nó.Ông Sheldon Yett, UNICEF
Một trong những tội ác tồi tệ nhất xảy ra trong chiến tranh là tình trạng bạo lực tình dục có hệ thống đối với phụ nữ và trẻ em gái Sudan.
Bà Anna Mutavati, Giám đốc khu vực Đông và Nam Phi của Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc, cho biết có hơn 12 triệu người đang có nguy cơ bị bạo lực giới.
"Chúng tôi đã chứng kiến nhu cầu hỗ trợ cứu sinh sau các vụ hiếp dâm và bạo lực tình dục tăng 288%. Chúng tôi cũng nhận thấy việc hiếp dâm và bạo lực tình dục đang trở nên có hệ thống như một vũ khí chiến tranh. Chúng tôi đã chứng kiến cơ thể và cuộc sống của phụ nữ trở thành chiến trường trong cuộc xung đột này."

Smoke fills the sky in Khartoum, Sudan, near Doha International Hospital on Friday, 21 April 2023. The Muslim Eid al-Fitr holiday has been marred by fighting in Sudan's capital. Source: AAP / Maheen S
Trong cuối tuần qua (từ 11 đến 13 tháng 4), các tay súng RSF và đồng minh đã càn quét hai trại tị nạn ở khu vực miền Tây Darfur, sát hại ít nhất 300 dân thường và khiến khoảng 400.000 người phải sơ tán.
Tại Sydney, ông Mohamed Elday cho biết ông đã mất ít nhất 13 người thân trong các cuộc tấn công vào trại tị nạn Zamzam, nơi đang bị nạn đói hoành hành.
Ông nói rằng ông không nghi ngờ gì việc cộng đồng của mình – bộ tộc Zaghawa – đang bị nhắm mục tiêu, giống như các vụ thảm sát hàng loạt đầu những năm 2000 mà Tòa án Hình sự Quốc tế đang điều tra với tội danh diệt chủng.
"Một người em họ của tôi mới đây đã qua đời do vụ giết người có động cơ sắc tộc. Cô bé chỉ mới 12 tuổi. Tên em là Mera. Chúng tôi cảm thấy bị phân biệt chủng tộc và bị nhắm mục tiêu. Chắc chắn đây là một cuộc diệt chủng. Không chỉ là tấn công vào người của tôi mà là cả vùng Darfur, Masalit, Zaghawa – tất cả chúng tôi. Đây là cuộc tấn công nhắm vào tất cả."
Bà Mariam Mohamed Ahmed đã chạy trốn khỏi thành phố El-Fasher ở Darfur đến thị trấn Tawila cùng các con.
Bà nói rằng con bà đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn đói.
"Chúng tôi buộc phải bỏ chạy vì giao tranh và đến Tawila. Chúng tôi không có gì để ăn, quá khó khăn. Chúng tôi cần rất nhiều thứ, chỗ trú khi trời mưa, chống muỗi. Chúng tôi cần thức ăn và nước uống. Con tôi đây bị suy dinh dưỡng. Tôi đưa bé đến trung tâm này để điều trị khi bé chỉ mới một tháng rưỡi tuổi.
Tình trạng ban đầu rất tệ, nhưng sau khi được điều trị tại trung tâm y tế, bé đã khá hơn. Mọi người đều giúp đỡ chúng tôi. Họ cho chúng tôi bánh, hai cái mỗi sáng và một cái vào buổi chiều. Giờ thì bé đã đỡ nhiều rồi."
Tuy nhiên, ông Sean Hughes từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết nguồn viện trợ và tài trợ toàn cầu đang giảm, khiến nạn đói lan rộng hơn nữa ở Sudan.
Sudan giờ đây đã trở thành cuộc khủng hoảng đói kém lớn nhất thế giới. Gần một nửa dân số đang thiếu ăn nghiêm trọng. Nạn đói đã bùng phát ở một số khu vực của Darfur và đang lan rộng. Tất cả những thách thức này xảy ra trong lúc nguồn lực cho hoạt động nhân đạo toàn cầu đang giảm.ông Sean Hughes, Liên Hiệp Quốc
Chúng tôi biết rằng không thể chấm dứt nạn đói chỉ với thực phẩm. Bạn cần chăm sóc y tế, cần nước sạch, cần vệ sinh. Vì vậy, cả hệ thống cứu trợ cần được hỗ trợ đầy đủ để có thể xoay chuyển tình hình – và ngăn chặn làn sóng nạn đói."
Tại London, các nhà ngoại giao và quan chức cứu trợ từ khắp nơi trên thế giới đã nhóm họp để thúc đẩy viện trợ và nỗ lực hòa bình tại Sudan.
Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết cộng đồng quốc tế phải gây thêm áp lực lên cả lực lượng RSF và quân đội Sudan để họ gạt bỏ tham vọng quyền lực và hướng đến hòa bình.
"Hôm nay, tôi thông báo thêm 120 triệu bảng Anh viện trợ. Nhưng trở ngại lớn nhất không phải là thiếu tiền hay văn bản tại Liên Hiệp Quốc. Mà là thiếu ý chí chính trị. Rất đơn giản, chúng ta phải thuyết phục các bên tham chiến bảo vệ dân thường, cho phép viện trợ đi vào và khắp đất nước, và đặt hòa bình lên hàng đầu."
READ MORE

SBS Việt ngữ