Năm 2024, ngành bảo hiểm Úc ghi nhận lợi nhuận sau thuế hàng năm đạt 6,1 tỷ đô la – gấp ba lần mức trung bình năm năm qua là 2 tỷ đô.
Theo báo cáo thường niên từ công ty tư vấn KPMG, việc tăng phí bảo hiểm, thời tiết ổn định hơn và thị trường đầu tư tăng mạnh là những yếu tố góp phần tạo nên kết quả này.
LISTEN TO

Ngành bảo hiểm Úc lợi nhuận 'khủng' nhưng vẫn tăng phí lên người dùng
SBS Vietnamese
06:06
Trong năm 2024, người dân trung bình phải trả nhiều hơn 19,3% cho bảo hiểm nhà và hơn 12% cho bảo hiểm xe so với năm trước.
Nếu các công ty bảo hiểm đang thu lợi lớn như vậy, tại sao phí bảo hiểm đối với người tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng?
Mark Blades, chuyên gia phân tích bảo hiểm tại tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Choice, cho biết các công ty thường viện dẫn các yếu tố bên ngoài để biện minh cho việc tăng phí.
“Họ viện dẫn rất nhiều yếu tố bên ngoài. Ví dụ như với xe hơi, chúng ta không sản xuất xe tại Úc, nên phải phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, vốn đang bị gián đoạn, cả về linh kiện trong nước lẫn linh kiện nhập khẩu.
Các công ty bảo hiểm chắc chắn sẽ nhấn mạnh vào những chậm trễ này, chuỗi cung ứng phức tạp, và cả tình hình thương mại toàn cầu hiện tại.
Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên chấp nhận điều đó một cách thụ động hàng năm khi nhận được thư gia hạn bảo hiểm, nên khảo giá và so sánh để gây áp lực ngược lại với các công ty, không để họ lợi dụng việc tăng giá.Mark Blades, CHOICE
Báo cáo của KPMG cho rằng việc ngành bảo hiểm quay lại mức lợi nhuận dương có thể báo hiệu sự chấm dứt của các đợt tăng phí bảo hiểm hai chữ số. Nhưng mặt khác, biến đổi khí hậu lại khiến tương lai trở nên bất định.
Báo cáo cho thấy doanh thu phí bảo hiểm hàng năm đã tăng từ 65,5 tỷ đô năm 2023 lên 68 tỷ đô năm 2024.
Julia Davis, chuyên viên chính sách tại Trung tâm Pháp lý Quyền tài chính, cho biết biến đổi khí hậu không phải là toàn bộ lý do khiến lợi nhuận từ bảo hiểm nhà ở và tài sản giảm.
“Khi nhìn vào mức lợi nhuận khổng lồ này, ta thấy đây là kết quả từ các dòng bảo hiểm khác, như bảo hiểm nhân mạng, bảo hiểm trách nhiệm, chủ yếu là bảo hiểm thương mại.
Họ kiếm bộn tiền từ đó và lại nói là không lời từ bảo hiểm nhà và tài sản cho người tiêu dùng. Tôi nghi ngờ điều đó. Sự thật là cách định giá bảo hiểm rất mù mờ – người tiêu dùng không hiểu nổi và rất khó chịu khi phí cứ tăng mà chẳng có lý do rõ ràng nào cả.
Nhà bạn có nằm trong vùng nguy hiểm hơn không? Có bản đồ lũ mới nào mà bạn không biết không? Tại sao lại tăng giá đến vậy?”

Always read the fine print, some insurers may charge additional costs for events like flooding. Source: AAP
“Ví dụ bảo hiểm y tế – đây là thị trường được điều tiết nghiêm ngặt. Có hàng tỷ đô la trợ cấp và ưu đãi thuế của chính phủ đổ vào. Nhưng các quỹ bảo hiểm vẫn tìm ra lỗ hổng để tăng phí nhiều hơn mức trung bình.
Có sự thiếu minh bạch – khi người dân nghe nói mức tăng trung bình là X, nhưng thực tế họ phải trả cao hơn tới 12%. Chính phủ cần tăng cường giám sát và yêu cầu minh bạch hơn nữa.”
Trong khi đó, Hội đồng Khí hậu cũng vừa công bố báo cáo cho thấy những khu vực có nguy cơ thiên tai cao sẽ tiếp tục chứng kiến phí bảo hiểm tăng.
Báo cáo At Our Front Door cho biết tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai liên quan đến khí hậu tại Úc đang đẩy phí bảo hiểm lên trên toàn quốc.
Báo cáo của KPMG cho thấy trong năm 2024 chỉ có hai sự kiện thời tiết nghiêm trọng và không có thảm họa khí tượng nào, dẫn đến tổn thất 566 triệu đô từ 49.000 đơn yêu cầu bảo hiểm, thấp hơn nhiều so với năm 2023, khi các công ty phải chi 2,356 tỷ đô cho hơn 143.900 yêu cầu bảo hiểm.
Andrew Hall, Giám đốc điều hành Hội đồng Bảo hiểm Úc, cho biết nếu không có các biện pháp thích ứng với khí hậu, chi phí bảo hiểm nhà sẽ tiếp tục leo thang.
“Trong năm năm qua, ba năm ngành bảo hiểm thua lỗ nặng, đặc biệt là bảo hiểm nhà và tài sản và tất cả đều do thiên tai. Dân số tăng nhanh, nhà mới mọc lên trên đất rẻ ở bờ đông – và đất rẻ là có lý do: nó dễ bị ngập."
Khi nước Úc tiếp tục xây thêm nhà, chúng ta cần đảm bảo chúng được xây ở những nơi an toàn, không ngập lụt, và tài sản có thể tồn tại lâu dài hơn vài năm.Andrew Hall, Giám đốc điều hành Hội đồng Bảo hiểm Úc
Đối với người tiêu dùng, Mark Blades khuyên rằng chỉ cần khảo giá mỗi năm có thể giúp tiết kiệm hàng trăm đô.
“Luôn khảo giá mỗi khi nhận được thư gia hạn bảo hiểm. Nếu tôi nói bạn có thể tiết kiệm vài trăm đô chỉ với nửa ngày tìm hiểu, bạn sẽ làm chứ? Với bảo hiểm nhà, xe, và y tế, chỉ cần vài giờ lên mạng tra cứu là bạn có thể tiết kiệm đáng kể. Choice có công cụ so sánh, bạn chỉ cần đảm bảo mình đang so sánh đúng mức độ bảo hiểm và các nhà cung cấp khác nhau.”
Về phía ngành bảo hiểm, Julia Davis nói cần có sự giám sát nhiều hơn.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ thành lập một cơ quan giám sát giá bảo hiểm quốc gia lâu dài. Ngành bảo hiểm hiện tại không đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng về vấn đề định giá và cần được kiểm soát chặt chẽ hơn.”
READ MORE

SBS Việt ngữ