Nghiên cứu mới cho thấy người về hưu ở Úc là những người giàu nhất thế giới

Retirement Planning

Source: Moment RF / Nora Carol Photography/Getty Images

Theo nghiên cứu mới của Hội đồng Thành viên Qũy Hưu bổng, người về hưu ở Úc có thể trở thành một trong những nhóm người cao tuổi giàu có nhất thế giới vào năm 2031. Tuy nhiên, các nhà vận động và kinh tế học lo ngại rằng phần lớn người về hưu ở Úc vẫn chưa thể hưởng lợi từ sự giàu có này.


Tiết kiệm tiền để sống khi về hưu là thực tế mà mọi người Úc đều phải nghĩ đến, nhưng một số nhóm người quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn những nhóm khác.

Với tư cách là giám đốc điều hành của Mạng lưới Phụ nữ Lớn tuổi tiểu bang New South Wales (Older Women's Network NSW), bà Yumi Lee đã nhận được ngày càng nhiều cuộc gọi từ những phụ nữ lớn tuổi đang đối mặt với nghèo đói.

"Phụ nữ lớn tuổi về hưu với số tiền hưu bổng ít hơn nam giới ít nhất là 25%. Nhưng điều thực sự khiến chúng tôi lo lắng là có những phụ nữ lớn tuổi gần như không có, hoặc hoàn toàn không có hưu bổng."

Bà cho biết nhiều phụ nữ lớn tuổi bị thiệt thòi do khoảng cách thu nhập theo giới tính trong lịch sử đã làm gián đoạn sự nghiệp của họ, và họ cũng có xu hướng làm việc bán thời gian nhiều hơn.

Với số tiền hưu bổng ít hơn, nhiều phụ nữ lớn tuổi phải dựa vào Tiền già (Age Pension), một khoản hỗ trợ của chính phủ dành cho người về hưu ở Úc.

Bà Lee cho biết, với mức thu nhập trọn đời thấp và khoản tiền hỗ trợ ít ỏi, nhiều phụ nữ lớn tuổi đang gặp khó khăn trong việc chi trả nhà ở và các chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Thật tuyệt vời khi một số người sẽ nghỉ hưu với đủ tiền hưu bổng để có một cuộc sống tốt. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, đang rơi vào cảnh nghèo đói khi về hưu.
Yumi Lee
Sự chênh lệch rõ rệt trong phân bổ tiền hưu bổng diễn ra trong bối cảnh nước Úc đang trên đà trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất đối với người về hưu.

Nghiên cứu mới cho thấy rằng mặc dù dân số tương đối nhỏ, nhưng tổng số tiền tiết kiệm hưu trí của Úc được dự đoán sẽ đứng thứ hai thế giới vào đầu những năm 2030, chỉ sau Hoa Kỳ.

Và sự tích lũy này phần lớn đạt được nhờ hệ thống hưu bổng của Úc, theo bà Misha Schubert, giám đốc điều hành của Hội đồng Thành viên Qũy hưu bổng (Super Members Council), tổ chức đã thực hiện nghiên cứu này.

"Úc đã xây dựng một hệ thống khiến cả thế giới phải ghen tị, vì nó mang lại cơ hội tiết kiệm hưu trí cho hàng triệu người Úc, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và làm công việc có mức lương tối thiểu, theo cách mà trước khi có hưu bổng 32 năm trước, chưa bao giờ khả thi."

Bà Schubert tin rằng khối tài sản khổng lồ từ quỹ hưu bổng không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn giúp Úc có khả năng đầu tư ra nước ngoài.

"Nó đang gia tăng ảnh hưởng và an ninh của Úc trên thế giới, vì nguồn vốn này đến từ một quốc gia có sự ổn định mạnh mẽ, được nhiều cơ hội đầu tư trên toàn cầu săn đón. Điều này sẽ ngày càng giúp củng cố an ninh và vị thế của Úc trên trường quốc tế."

Tuần này, một nhóm đại diện từ ngành hưu bổng Úc sẽ đến Hoa Kỳ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Hưu bổng (Superannuation Investment Summit), với hy vọng tìm kiếm những cơ hội mới để phát triển lĩnh vực này.

Tuy nhiên, một số nhà vận động và kinh tế học bày tỏ lo ngại về việc liệu người dân Úc có thực sự được hưởng lợi từ hệ thống hưu bổng hay không.

Tiến sĩ Greg Jericho, nhà kinh tế trưởng tại Viện Úc (Australian Institute), cho rằng hệ thống hưu bổng hiện tại không mang lại lợi ích công cộng mà chỉ giúp những người giàu có nhận được "một khoản giảm thuế khổng lồ".

"Chúng ta biết rằng các ưu đãi thuế hưu bổng được thiết kế để khuyến khích mọi người tiết kiệm cho tuổi già nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào trợ cấp tiền già.
Nhưng thực tế là những ưu đãi này đang tiêu tốn khoảng 56 tỷ đô la mỗi năm, hơn một phần ba trong số đó, khoảng 20 tỷ đô la chảy vào túi nhóm 10% giàu nhất, những người vốn dĩ chưa bao giờ đủ điều kiện nhận tiền già.
Tiến sĩ Greg Jericho
Một báo cáo do Tiến sĩ Jericho đồng tác giả vào tháng 10 năm ngoái cho thấy 22,8% người về hưu ở Úc sống trong cảnh nghèo đói, so với 11,1% ở Thụy Điển và 3,8% ở Na Uy.

Ông cho rằng đã đến lúc phải cải tổ hệ thống tài sản hưu trí.

"Một trong những điều chúng ta có thể làm trước tiên là giảm mức ưu đãi thuế hưu bổng và tăng trợ cấp hưu trí. Đây là chìa khóa quan trọng mà chúng ta cần thực hiện. Trợ cấp hưu trí nên cao hơn mức hiện tại.

Nó không chỉ nên được coi là một mạng lưới an sinh mà còn phải đảm bảo một cuộc sống hưu trí tốt, thay vì tiếp tục vận hành theo mô hình giả định về những người tự lo cho khoản hưu trí của mình – những người thực chất không hoàn toàn tự lo mà là được hưởng lợi từ các khoản giảm thuế."

Wayne Strandquist, nhà vận động chính của Hiệp hội Người Hưu trí Độc lập Úc (Australian Independent Retirees), tổ chức đại diện cho những người nghỉ hưu hoàn toàn hoặc tự lo một phần, đồng ý rằng Úc giỏi trong việc tích lũy hưu bổng. Tuy nhiên, ông cũng mong muốn các quỹ hưu bổng lớn hỗ trợ khách hàng tốt hơn, để mọi người có thể chuẩn bị tốt hơn cho tuổi nghỉ hưu.

"Hầu hết những người trong giai đoạn nghỉ hưu không cảm thấy các quỹ hưu bổng phản hồi theo cách họ mong đợi, dù họ là khách hàng và các quỹ hưu bổng là bên cung cấp dịch vụ quản lý số tiền của họ. Đôi khi, những người đã nghỉ hưu có cảm giác rằng các quỹ hưu bổng xem số tiền đó như là của họ, thay vì của các thành viên, đặc biệt khi họ yêu cầu chuyển quỹ, rút tiền hoặc nhận tiền già."

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay 

Share