Sự sụp đổ của chế độ Assad ở Syria tạo ra tình trạng bất ổn cho người di cư ở châu Âu

Syrians in Turkey return home after rebel takeover of Damascus

epa11772605 A Syrian woman holding a child carries their luggage while waiting to cross into Syria from Turkey at the Oncupinar border gate, near the town of Kilis, southern Turkey, 12 December 2024. Source: AAP / KAZIM KIZIL/EPA

Sự sụp đổ của chế độ Assad đã để lại bầu không khí bất ổn ở các quốc gia láng giềng, về tương lai của làn sóng của những người di cư Syria. Hy Lạp, quốc gia đã tiếp nhận một số lượng lớn những người di cư này, đang theo dõi chặt chẽ diễn biến, cho biết vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào.


Các thành viên của cộng đồng người Syria tại Hy Lạp, ăn mừng tại quảng trường Syntagma ở thủ đô Athens.

Sự kiện này diễn ra, sau khi có tin Tổng thống Bashar al-Assad chạy trốn khỏi Syria, do cuộc nổi loạn bất ngờ của phiến quân, chấm dứt nhiều thập niên áp bức.

Người dân Syria, những người buộc phải di cư đến Hy Lạp để tìm nơi trú ẩn khỏi chế độ Assad, đã bày tỏ sự nhẹ nhõm khi chương đen tối này trong lịch sử quốc gia của họ, đã kết thúc.

"Chúng ta đều biết ơn, vì đây là hồi kết của một kỷ nguyên rất hỗn loạn đối với mọi người ở Syria".

"Trong 50 năm, chúng ta bị cai trị bởi chế độ độc tài quân phiệt và những điều rất tồi tệ đã xảy ra".

"Chúng ta đã đấu tranh trong 14 năm cho tự do và bầu cử, nhưng thật không may, chúng ta đã không thành công".

"Hôm nay trong 10 ngày qua, một đảng đối lập đã lật đổ được Assad”, một người dân Syria.
Thế nhưng sự sụp đổ của chế độ Assad đã để lại một khoảng trống trong giới lãnh đạo Syria, cùng với đó là cảm giác bất an về những gì sắp xảy ra, với hàng triệu người di cư trên khắp châu Âu.

Hy Lạp là một trong những quốc gia tiếp nhận một số lượng lớn những người xin tị nạn, với các trại tị nạn trên các đảo như Lesvos và Chios đã đạt đến mức tối đa.

Dữ liệu từ Cơ quan Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cho thấy, tổng cộng hơn 50.000 người từ Syria đã di cư đến Hy Lạp.

Bà Eva Savvopoulou là Cộng tác viên truyền thông cao cấp tại Cơ quan Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, đã nói chuyện với S-B-S News.

"Trong vài năm trở lại đây, hơn một triệu người đã đi qua Hy Lạp, phần lớn trong số họ cuối cùng tìm kiếm sự an toàn và nơi trú ẩn ở các quốc gia châu Âu khác. Hiện tại, làn sóng di cư phần lớn có thể kiểm soát được".

"Số người di cư Syria trong nước, dựa trên số liệu chúng tôi nhận được từ chính quyền Hy Lạp, là khoảng 22.700 người".

"Theo Bộ Di cư và Tị nạn, hiện có khoảng 15.700 có thị thực cư trú, của những người di cư được công nhận và vẫn còn khoảng 7.000 người, đang chờ đơn xin tị nạn của họ được cứu xét”, Eva Savvopoulou.

Vài ngày sau khi tin tức về việc Assad chạy trốn sang Nga được công khai, một số quốc gia châu Âu đã tuyên bố họ sẽ tạm dừng đơn xin tị nạn từ Syria và Hy Lạp là một trong số đó.

Đây là một sự kiểm tra thực tế khắc nghiệt, đối với hàng ngàn người Syria đang bị mắc kẹt trong tình trạng bấp bênh, không biết điều gì sẽ xảy ra.

Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi S-B-S, Thứ trưởng Bộ Di cư và Tị nạn Hy Lạp là Sofia Voultepsi cho biết, các quốc gia EU phải chờ xem ban lãnh đạo mới của Syria sẽ như thế nào.

"Chế độ Assad là một chế độ áp bức, một chế độ độc tài chính trị".

"Vấn đề hiện nay là nếu từ một chế độ độc tài chính trị, Syria sẽ chuyển sang chế độ độc tài thần quyền, nơi Hồi giáo chính trị vốn không chấp nhận những ý tưởng mà họ không đồng tình, sẽ trở thành lực lượng thống trị".

"Cho đến nay, Liên minh châu Âu vẫn chưa bị thuyết phục và có thể nhiều người di cư nghĩ rằng, họ vẫn gặp nguy hiểm".

"Chúng ta không ở vị trí có thể biết trước tương lai và vì vậy chúng ta cần phải kiên nhẫn".

"Chúng tôi luôn lo lắng, vì bất kể điều gì xảy ra trong khu vực của chúng tôi, đều ảnh hưởng đến vấn đề di cư và tị nạn”, Sofia Voultepsi.
Được biết nhiều người Syria đã trở thành một phần của xã hội, tại các quốc gia mà họ di cư đến.

Một số người đã tìm được việc làm, học ngôn ngữ và thậm chí có con, nuôi dạy thế hệ người Syria tiếp theo, với di sản pha trộn châu Âu.

Đối với họ, trong khi tin tức về việc Assad chạy trốn khỏi đất nước là điều đáng mừng, thì ý nghĩ về việc trở về nhà không còn là điều họ nghĩ đến nữa.

Nhưng đối với những người khác vẫn đang phải vật lộn để sinh tồn, việc trở về nhà đơn giản là không thể thực hiện được.

Manos Fragkioudakis, phóng viên của trang web Hy Lạp News247.gr cho biết, chính phủ Hy Lạp không thể hỗ trợ những nỗ lực của những người muốn hồi hương.

"Cho đến nay, chỉ có hai người Syria được ghi nhận là tự nguyện tuyên bố mong muốn trở về đất nước của họ, sau khi chế độ Assad sụp đổ".

"Chắc chắn sẽ rất thú vị khi xem chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào".

"Mặc dù thực tế là phần lớn người Syria đã vào Hy Lạp, kể từ cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn năm 2015 và sau đó đã được cấp quy chế tị nạn và hiện đã chuyển đến châu Âu, Hy Lạp vẫn chưa thể đạt được nhiều thành tựu, trong nỗ lực tổ chức đưa những người xin tị nạn trở về quốc gia ban đầu của họ".

"Mặc dù vậy, chính phủ chưa bao giờ thực hiện các sáng kiến cần thiết, để hòa nhập họ”, Manos Fragkioudakis.

Được biết sự lạc quan ban đầu về việc người di cư Syria trở về nhà hàng loạt, đã nhanh chóng chuyển thành sự hoài nghi, với nhiều tổ chức đang chờ xem diễn biến ở quốc gia này.

Bà Savvopoulou của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc U-N-C-H-R cho biết, trong khi một số người di cư đang nắm bắt cơ hội để trở về Syria, vẫn còn những người khác di chuyển theo hướng ngược lại.

"Vì tình hình vẫn còn rất bấp bênh và không chắc chắn, hàng triệu người tị nạn trong khu vực cũng như Hy Lạp, đang xem xét rất cẩn thận, liệu có an toàn để thực hiện nỗ lực trở về Syria như vậy hay không".

"Một số người ở các quốc gia lân cận có vẻ sẵn sàng và chúng tôi đã nghe báo cáo về sự gia tăng số người di cư tự nguyện trở về, phần lớn là từ Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon, hướng về Syria".

"Nhưng vẫn còn hàng ngàn người tiếp tục phải di dời khỏi đất nước và đang đi theo hướng ngược lại”, Eva Savvopoulou.

Cũng có những thành viên của làn sóng di cư Syria tin rằng, tình hình này có thể dẫn đến bất ổn hơn nữa cho đất nước của họ.

Chủ tịch Cộng đồng người Syria tại Athens là Kyriakos Batsaras cho biết, ông không chia sẻ niềm tin của những người Syria khác, vào quân nổi loạn đã gây ra sự sụp đổ của chế độ Assad.

Ông cho biết, họ có thể tạo ra mối đe dọa mới cho đất nước.

"Mọi người cần lạc quan và thật tốt, khi họ có đức tin".

"Nhưng tôi với tư cách là bên thứ ba, với tư cách là người đã phải chịu đựng nạn diệt chủng từ tất cả những chiến binh thánh chiến, những kẻ chỉ trong một đêm đã được trao danh tính là những người giải phóng".

"Sai lầm ở đâu, khi họ kết án thủ lãnh của họ là Abu Mohammed al-Jolani, thủ lãnh phiến quân Syria với số tiền 10 triệu đô la, hay bây giờ khi họ gọi ông ta là một nhà cách mạng".

"Sai lầm ở đâu, bởi vì đó là cùng một người”, Kyriakos Batsaras.

Vào cuối tuần qua, một cuộc họp giữa các viên chức cao cấp từ Châu Âu, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và Trung Đông đã được tổ chức, để thảo luận về tương lai của Syria.

Mọi người đều đồng ý rằng quốc gia này phải được hỗ trợ, để tránh sự trỗi dậy của các phần tử cực đoan lên nắm quyền.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ là Hakan Fidan, đã chỉ ra tầm quan trọng của tình hình, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ sự việc nào, cũng có thể dẫn đến làn sóng di cư mới vào Châu Âu.

"Cộng đồng quốc tế cần cung cấp cho Syria, sự hỗ trợ chính trị và nhân đạo cần thiết về tất cả các vấn đề này".

"Chúng ta không bao giờ được phép, để chủ nghĩa khủng bố lợi dụng giai đoạn chuyển tiếp, chúng ta phải phối hợp các nỗ lực của mình và học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ".

"Bất kỳ bước đi sai lầm nào, cũng có thể dẫn đến dòng người di cư bất thường”, Hakan Fidan.
Trong khi đó Thứ trưởng Bộ Di cư và Tị nạn Hy Lạp là bà Sofia Voultepsi nói với S-B-S rằng, bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào ở Syria cũng cần phải chứng minh rằng, họ quan tâm đến phúc lợi của tất cả mọi người một cách bình đẳng.

"Chúng tôi với tư cách là tất cả các quốc gia châu Âu, đang đánh giá tình hình ở Syria và đang trung thành tuân thủ Công ước Geneva, về nguyên trạng đối với người di cư".

"Các nhà lãnh đạo mới có trật tự ở Syria, sẽ cần phải chứng minh bằng hành động của họ rằng, họ tôn trọng quyền của các nhóm thiểu số, người theo đạo Thiên chúa và phụ nữ”, Sofia Voultepsi.

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay  

Share