Sức khỏe là Vàng: Nhận biết và phòng ngừa nhiễm trùng uốn ván

cdc-uN8TV9Pw2ik-unsplash.jpg

Chích ngừa uốn ván là cách phòng bệnh hiệu quả cho tất cả mọi người. Source: Unsplash

Uốn ván, còn gọi là phong đòn gánh, là bệnh cấp tính nặng có thể đe dọa mạng sống. Bệnh này rất hiếm gặp ở Úc, nhưng mới đây lại xảy ra một trường hợp tử vong tại NSW. Làm sao để sớm nhận biết các dấu hiệu và phòng ngừa nhiễm trùng uốn ván?


Bệnh uốn ván (Tetanus) do ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.

Vi khuẩn uốn ván sẽ chết ở nhiệt độ 56 độ C, nhưng bào tử của nó lại sống dai dẳng và vẫn có khả năng gây bệnh sau nhiều năm ở trong đất.

Các bào tử của vi khuẩn uốn ván thường được tìm thấy trong đất, phân bón, đặc biệt là phân ngựa.

Thông thường, nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương (do đứt, xước, dai đâm, tiêm chích...) bị dính đất bẩn, dính cát bụi, phân động vật hoặc vật dụng rỉ sét, từ đó gây nhiễm trùng.

Có một số trường hợp nhiễm trùng uốn ván do liên quan đến vết thương viêm tai giữa, chàm da mạn tính, sâu răng, vết loét lâu lành…

Uốn ván ở trẻ sơ sinh cũng thường bắt nguồn từ nhiễm trùng do cắt dây rốn không bảo đảm vô trùng hoặc trẻ không được vệ sinh rốn sạch sẽ nên bị nhiễm bào tử uốn ván.

Triệu chứng của bệnh uốn ván

Một số triệu chứng đầu tiên của bệnh uốn ván bao gồm:
  • Cứng hàm, cứng cổ, tê lưỡi, khó nuốt, khó nhai.
  • Cơ bụng co cứng, cơ thể co ngược ra phía như cái đòn gánh.
  • Co giật, đổ nhiều mồ hôi, sốt, tâm trạng lo lắng bất an.
Thời gian ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh uốn ván được tính kể từ lúc có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh, thường là biểu hiện cứng hàm.

Tùy theo vị trí của vết thương bị nhiễm trùng, thời gian ủ bệnh có thể trong khoảng 3 đến 10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao.

Giai đoạn phát bệnh

Thường từ 1-7 ngày kể từ lúc cứng hàm bệnh nhân sẽ có cơn co giật đầu tiên hoặc cơn co thắt hầu họng – thanh quản đầu tiên.

Tuỳ theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, thời gian lành bệnh có thể kéo dài vài tuần đến hàng tháng .

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân uốn ván có thể bị những biến chứng nguy hiểm bao gồm co giật toàn thân, co thắt cơ nghiêm trọng dẫn đến ngừng thở và có thể tử vong.
Ai có nguy cơ bị uốn ván?

Uốn ván rất hiếm xảy ra ở Úc, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Thế nhưng gần đây đã có một cụ bà 80 tuổi ở NSW là trường hợp tử vong đầu tiên sau 30 năm.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi người, nhưng chủ yếu ở người lớn tuổi chưa từng chích ngừa hoặc đã chích ngừa cách đây hơn 10 năm.

Theo Viện Y tế Sức khỏe và Phúc lợi Úc (AIHW), hầu hết (90%) các trường hợp tử vong do uốn ván ở Úc xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Ngoài việc chích ngừa, nên bảo vệ cơ thể để tránh bị thương mỗi khi làm vườn bằng cách mang giày, mang ủng, đeo bao tay. Khi có vết thương thì phải rửa sạch bằng nước, bằng xà bông, bằng thuốc sát trùng, đến gặp bác sĩ gia đình để được theo dõi điều trị càng sớm càng tốt, chứ đừng để phát bệnh uốn ván sẽ rất khó chữa.
Bác sĩ Michael Dũng Cao
Phòng ngừa uốn ván

Vắc-xin uốn ván rất an toàn và chích ngừa uốn ván là cách phòng bệnh hiệu quả nhất cho tất cả mọi người.

Vắc-xin uốn ván không tạo miễn dịch trọn đời, do vậy cần được tiêm nhắc lại để bảo đảm hiệu quả bảo vệ.

Những trường hợp mới có vết thương nhiễm bẩn và lo ngại dễ bị uốn ván cũng được khuyên nên chích ngừa dự phòng ngay sau khi phơi nhiễm.

Tiêm phòng uốn ván rộng rãi đã được thực hiện ở Úc từ năm 1953. Chương trình Tiêm chủng Quốc gia cung cấp vắc xin uốn ván miễn phí cho trẻ 2, 4, 6 và 18 tháng, 4 tuổi và thanh thiếu niên từ 11–13 tuổi.

Phụ nữ mang thai được khuyến cáo tiêm một liều vắc xin uốn ván vào đầu tuần thứ 29 của thai kỳ để giúp ngăn ngừa bệnh cho mẹ và trẻ sơ sinh.

Người lớn được khuyến cáo chích ngừa uốn ván liều tăng cường sau mỗi 10 năm.

Người du lịch đến các quốc gia khó tiếp cận các dịch vụ y tế, có nguy cơ cao bị vết thương nhiễm trùng, được khuyến cáo nên chích ngừa uốn ván mỗi 5-10 năm.

Cách tốt nhất để kiểm tra tình trạng tiêm chủng của mỗi người là đến gặp bác sĩ gia đình.

Bên cạnh việc chích ngừa, khi có vết thương trên cơ thể thì cần phải rửa sạch, sát trùng, không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh nhiễm trùng.

Mời quý vị vào Audio để nghe Bác sĩ Michael Dũng Cao trình bày chi tiết về bệnh uốn ván và cách phòng ngừa.

Share