Cholesterol là một chất béo có trong máu, là thành phần thiết yếu để tạo nên màng tế bào.
Có 2 loại cholesterol chính: một là Lipoprotein mật độ thấp (LDL) thường được gọi là cholesterol xấu, vì nồng độ cholesterol LDL cao trong máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch; và hai là Lipoprotein mật độ cao (HDL) được gọi là cholesterol tốt vì nó vận chuyển cholesterol trở lại gan để đưa ra khỏi cơ thể và làm giảm nguy cơ tim mạch.
Bên cạnh LDL và HDL, trong máu còn có chất béo trung tính Triglycerides đóng vai trò dự trữ năng lượng để cung cấp cho cơ thể khi cần. Nhưng nếu nồng độ triglyceride quá cao sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, viêm tụy cấp...
Cholesterol là chất luôn gây hại?
Sự thực không phải như vậy. Cơ thể cần cholesterol để sản xuất ra một số hormone, vitamin D và axit mật. Cholesterol cần thiết cho các hoạt động của não, hệ miễn dịch, giúp cơ thể hoạt động bình thường và duy trì nòi giống.
Như vậy, cholesterol rất quan trọng đối với cơ thể, và chỉ gây hại khi hàm lượng cholesterol trong máu cao quá mức cần thiết, gọi là rối loạn mỡ máu.
Người trẻ và người gầy thì không bị rối loạn mỡ máu?
Điều này không đúng. Sự thực là mức cholesterol chịu ảnh hưởng của di truyền, chức năng tuyến giáp, thuốc men, tập thể dục, giấc ngủ và chế độ ăn uống. Vì vậy vẫn có những người bẩm sinh mang khuynh hướng di truyền không xử lý cholesterol hiệu quả.
Ngoài ra, tỷ lệ rối loạn mỡ máu ở người thừa cân, béo phì tuy rất cao nhưng người gầy vẫn có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu.
READ MORE
Sức khỏe là vàng: Chứng béo bụng
Rối loạn mỡ máu không có triệu chứng thì không nguy hiểm?
Điều này là sai. Tình trạng rối loạn mỡ máu diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng cảnh báo trước, vì vậy mọi người không nên chủ quan. Kiểm soát tốt các nguy cơ để phòng ngừa các biến chứng nặng nề do rối loạn mỡ máu gây ra là rất cần thiết.
Để kiểm soát tốt nồng độ mỡ trong máu, Bác sĩ Phước Võ nói rằng mọi người cần:
- thường xuyên vận động
- giữ cân nặng hợp lý
- giữ chế độ ăn uống tốt lành (hạn chế: các thức ăn nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, ăn nhiều: rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt, đậu...)
- không hút thuốc lá; không lạm dụng rượu, bia
- kiểm tra sức khỏe định kỳ để biết nồng độ mỡ trong máu
- kiếm soát mỡ máu theo đúng lời khuyên của chuyên gia y tế.
Người ăn chay sẽ không bị mỡ máu cao?
Điều này không hẳn đúng. Sự thực là người ăn chay vẫn có khả năng bị mỡ máu cao do đặc điểm di truyền, chế độ ăn nhiều tinh bột và nhiều dầu chiên xào. Một số thực phẩm chay chế biến sẵn thường chứa nhiều đường, natri và các chất điều vị có thể làm tăng cholesterol trong máu.
Có nên ăn kiêng toàn bộ chất béo để hạn chế mỡ máu cao?
Sự thực là ăn kiêng hoàn toàn chất béo sẽ không tốt cho cơ thể, bởi vì thiếu chất béo sẽ làm mất cân bằng hormone, giảm khả năng tổng hợp vitamin D và làm tăng nguy cơ loãng xương.
Do đó, thay vì kiêng ăn toàn bộ chất béo thì nên chọn loại dầu có chất lượng tốt, chất béo lành mạnh thường có nhiều trong cá và các loại hạt, quả bơ...
Độ tuổi nào cần kiểm tra mức cholesterol?
Trẻ em và thanh thiếu niên nên kiểm tra cholesterol ít nhất một lần trong độ tuổi từ 9 đến 11 và một lần nữa trong độ tuổi từ 17 đến 21.
Trẻ em bị béo phì hoặc tiểu đường hoặc tiền sử gia đình có cholesterol cao có thể cần được kiểm tra cholesterol cao thường xuyên hơn.
Người trên 20 tuổi nên kiểm tra mức cholesterol 5 năm một lần, còn người trên 65 tuổi nên kiểm tra mức cholesterol hàng năm.
Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Phước Võ giải đáp các câu hỏi về cholesterol và rối loạn mỡ máu.