Văn Nghệ cuối tuần: Mùa Thu không trở lại

Vườn Luxembourg, Paris

Vườn Luxembourg, Paris Source: Shutterstock

Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu khi đang du học ở Pháp đã có một mối tình thơ mộng với một cô gái Việt nhưng chưa được một năm thì cô gái phải theo gia đình về lại Việt Nam. Trong buổi sáng mùa Thu của Paris, khi đi ngang qua vườn Luxembourg nhìn thấy những chiếc lá vàng rơi ký ức chợt lùa về, ông viết bài thơ này và quay trở về nhà ông mang bài thơ ra phổ nhạc Mùa Thu không trở lại.


Phạm Trọng Cầu là nhạc sĩ chuyên về Contrepointiste và Fuguiste. Ông sinh ngày 25 tháng 12 năm 1935 tại Nam Vang, mất năm 1998 tại Sài Gòn. Nguyên quán của ông ở Hà Nội. Có cha là kỹ sư trắc địa và là nhân viên thuộc quyền của chính phủ Pháp nên được thuyên chuyển công việc ở các nước Đông dương.

Năm 1939 cha mẹ ông bị trục xuất ra khỏi Campuchia, vì lý do  có dính líu đến chính trị. Về Sài Gòn, mẹ ông mở nhà hàng ca nhạc mang tên Aristo. Tại đây, Phạm Trọng Cầu được tiếp xúc với những ban nhạc người Philippines và một số ca sĩ, nhạc sĩ danh tiếng Việt Nam, trong đó có Trần Văn Khê, Phạm Duy… Ông cũng được học mandolin trong một thời gian khi gia đình ông tản cư về Biên Hòa.

Năm 1948, Phạm Trọng trở lại Sài Gòn, tham gia phong trào xuống đường đấu tranh của sinh viên học sinh. Một thời gian sau, ông thoát ly và vào quân đội thuộc trung đoàn Cửu Long. Sau đó ông bị thương phải cưa chân, mẹ ông đã tìm cách đưa ông vào Sài Gòn cứu chữa. Chính thời gian này ông viết ca khúc đầu tay Trường làng tôi.

Sau hiệp định Genève ông sống ở Sài Gòn, theo học tại viện Âm nhạc Sài Gòn. Sau đó ông du học về âm nhạc tại Pháp hơn 7 năm. Những năm đầu 70 ông tốt nghiệp Conservatoire Supérieur de Musique de Paris.Ông là tác giả nhiều ca khúc, lãng mạn hiện đại và các loại hòa tấu có giá trị nghệ thuật cao với những tác phẩm tiêu biểu như: Em ra đi mùa thu, Trường làng tôi, Cho con, Một trái tim một quê hương, Tà áo trắng, Một mai tôi qua đời.
Nhà Thơ Phạm Trọng Cầu được biết đến với không nhiều bài thơ ấn tượng đi vào lòng độc giả một cách sâu lắng nhưng có lẽ nổi bật nhất vẫn là bài thơ và nhạc phẩm phổ nhạc ” Mùa Thu Không Trở Lại” của ông thể hiện nỗi buồn sâu lắng trong ông về cuộc chia ly người mình thương trong một buổi chiều Thu ở Paris tuyệt đẹp khi ông tiễn người yêu về nước (không quay trở lại) và đi ngang qua vườn Luxembourg. Với lời thơ nhẹ nhàng nhưng vô cùng da diết nên bài thơ cũng để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người yêu thơ.

Bài thơ êm ái như sương khói,quyện trong giai điệu ngây ngất và chơi vơi để tâm hồn mình lững lờ đong đưa như chiếc lá vàng vừa lìa cành chợt tiếc thương cho “tuổi xuân thì” qua vội.

Mùa thu Paris nhuốm vàng nỗi sầu muộn của những xác lá vàng rơi trên vai  những bức tượng trắng dọc lối đi trong vườn Luxembourg, phủ bóng lên dòng sông Seine êm đềm buồn bã, trên những ngõ hẻm của kinh thành Paris sương mù giăng âm u, trong tiếng mưa rơi cô quạnh trên mái ngói thâm nâu..

Những âm thanh quen thuộc bắt đầu vang lên và choáng ngợp cả không gian. Thoạt đầu là những nốt nhạc cất lên cao vút, rồi mở ra mênh mang cuốn ta vào nhịp đi của mùa, của lá, của mây, của những dòng nước ra đi không bao giờ còn trở lại, của "Mùa thu không trở lại" gợi lên mối đồng cảm sâu sắc của một người con xa xứ  cô độc trong chiều trên con đường vô định đi tìm bóng hình xưa cũ.giữa mùa thu vàng ngập tràn ký ức.

Có lẽ không phải ai cũng có cảnh ngộ trong tình yêu như cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã có nhưng khi giai điệu tha thiết của bản nhạc này cất lên thì lòng người nghe như chùng xuống và hòa vào giai điệu mượt mà này để lặng lẽ lạc bước vào mùa Thu Paris tuyệt vời và thi vị sẽ vĩnh viễn không quay lại trong đời mình một lần nữa.


Share