Trường thi Động hoa vàng được Thiền sư Phạm Thiên Thư sáng tác vào năm 1970, gồm 100 khổ thơ lục bát, mỗi khổ có 4 câu thơ, được nhà xuất bản Cảo thơm in lần đầu vào năm 1971. Khi bài thơ đến tay nhạc sĩ Phạm Duy, ông nghiền ngẫm rồi chọn ra khoảng 40 câu trong 400 câu thơ nằm rãi rác từ khổ thơ thứ 7 đến khổ thơ thứ 41 để viết nên bài hát Đưa em tìm động hoa vàng mơ màng và sang trọng khiến thơ của ông đã nổi tiếng lại càng trở nên lấp lánh hơn qua mười bản Thiền ca Phạm Duy đã sáng tác cũng như những bản nhạc tình khác mang màu sắc Phật giáo như: Ngày xưa Hoàng thị, Em lễ chùa này…, khiến cái tên Phạm Thiên Thư nổi danh hơn từ đấy.
Thọat tiên, công chúng biết đến những bài thơ tình này do một nhà sư có pháp danh Tuệ Không, tu tại Thiền viện Pháp Vân, Sài Gòn đã sáng tác. Vào giai đoạn này, tình hình chiến sự ở miền Nam leo thang ác liệt khiến tuổi trẻ ở miền Nam hoài nghi, mất phương hướng về tương lai… nên những bài thơ lạ kiểu như Động hoa vàng xuất hiện là cơn mưa lớn, là bài ca siêu thoát, giữa xã hội và thời sự đảo điên; những lời thơ chấp chới cuốn người đọc vào một giấc mơ dài, kết nối nhiều hình ảnh thi vị của một trần gian xa cách, cảnh quê hương thanh bình, con người an vui…đối diện với thực tế xã hội đang loạn lạc do chiến tranh đau thương và mất mát.
Năm 14 tuổi, ông theo mẹ di cư vào miền Nam, ngụ tại khu Tân Định. Sau khi học xong tú tài, Phạm Thiên Thư theo học Trường Phật học Vạn Hạnh và đắm chìm trong kinh kệ, Phật pháp như một cách giải thoát cho bản thân. Năm 1968, gia đình nhà thơ mua mãnh đất ở cuối xóm rồi dựng căn gác nhỏ nhìn ra sông ở khu cù lao gần kênh Nhiêu Lộc, ông xuất gia tại chùa Vạn Thọ cũng ở khu này,đây là lúc là lúc ông bắt đầu sáng tác Trường thi phẩm Động hoa vàng gồm bốn trăm câu thơ lục bát có sử dụng nhiều điển tích cổ và những hình ảnh thiên nhiên như hoa vàng,chim ,bướm… quanh khu nhà ông ở hiện lên bàng bạc rãi rác khắp bài thơ này .Đây cũng là nơi nhà thơ tiếp đón bằng hữu và đã trải qua những năm tháng sáng tác rực rỡ nhất trong cuộc đời mình.
Với hình ảnh của hoa vàng xuất hiện dày đặc trong thơ Phạm Thiên Thư, nó trở thành một biểu tượng xuyên suốt, một nỗi hoài niệm đâu đó ẩn nấp trong vô thức của tác giả và cái tựa đề Động hoa vàng được đặt cho Truờng thi này có lẽ bắt nguồn từ đó.Trong hồi ký của mình, Phạm Duy có kể khá rõ giai đoạn này, việc “gặp được” thơ của tu sĩ Phạm Thiên Thư đối với ông như là một hạnh ngộ. “Thời đó, 1970, để phản ứng lại với cái “dung tục, trâng tráo” của xã hội, đã xuất hiện khuynh hướng “về nguồn, với con người Việt Nam, cây nhà lá vườn.”
Dù trẻ hơn nhạc sĩ đến hơn đến 20 tuổi nhưng cả hai đã có mối tri kỷ từ những ngày đầu mới gặp, họ thường xuyên gặp gỡ, đàm đạo và nhiều lần chia sẻ những dự định, những trăn trở về đường sáng tác, về nỗi cô đơn trong cuộc đời. Có lẽ nhắc đến “thơ hay” mà không khen tặng “nhạc tuyệt” thì thật cũng không công bằng với nhạc sĩ Phạm Duy.
Với Trường thi “ Động hoa vàng” này, Phạm Duy đã “ bắt thóp” được hồn thơ cũng như chữ “Tình” trong cái nhìn thánh thiện của Phạm Thiên Thư. Ông lược trích ( ý hoặc vài câu thơ và có đổi từ ) và đảo ý,đảo khổ … để biến bài trường thi Động hoa vàng (với nhiều điển tích, những ý dài dòng) trở thành một câu chuyện tình thi vị của một chàng trai hận tình,chọn đường khoa bảng để thành danh, rồi chán nãn với quan trường nên gát kiếm từ quan để “Lên non tìm động hoa vàng nhớ thương” bằng những giai điệu ngọt ngào, tiết tấu chậm theo điệu Boston mơ màng ,uể oải mà sâu lắng dắt người nghe chìm đắm vào mối tình hoang đường sầu mộng.
Người đọc, nhất là người nghe nhạc, luôn để ý đến những câu thơ tình như tình yêu trong thơ chỉ dẫn dắt cho sự hồi tưởng. Sắc màu của trang phục theo bốn mùa của kiều nữ trong thơ len lén chôn chặc vào hoài niệm, vào ký ức của gã từ quan và lung linh thay đổi theo ánh sáng của bốn mùa của hoài mộng. Trong “Four seasons”, để diễn tả được ánh sáng cũng như sắc màu của bốn mùa, nhạc sĩ Vivaldy đã phải phân ra bốn trường đoạn riêng biệt mới có được tác phẩm bất hủ nói trên nhưng qua những câu thơ của Phạm Thiên Thư, chỉ cần đảo tứ và lọc từ thì Phạm Duy đã kết hợp nhuần nhuyễn ý thơ và màu sắc vào âm nhạc của mình để vẽ nên bức tranh huyền ảo siêu thực về mối tình của gã tình si.
Đọc “Động hoa vàng” của Phạm Thên Thư dễ thấy có những câu, những đoạn ý thơ dàn trải, không cao siêu nhưng lời thơ da diết và ru ngủ chỉ vì cách chọn những từ: thì thôi, thế thôi, luyến láy, dằn vặt và sử dụng những từ cổ như Rằng xưa,tà huy,mù sa,giang hà… Đơn cử như việc sử dụng từ “ Rằng xưa ” có trong bài thơ, khi nghe qua cũng thấy bình thường, nhưng đó lại là lối nói lửng lơ( hư từ ) của người Việt, nó gợi mở ra một điều gì đó hơi mông lung nhưng buộc người ta chú ý đến cái điều theo sau của câu đó.Những câu”ỡm ờ” kiểu vậy thường hay xuất hiện trong thơ của những người “hay chữ” hoặc những người có tài dẫn dụ người đọc vào một “mê hồn trận” phía sau nó. Đây cũng là một góc nhìn rất riêng và tinh tế của Phạm Duy khi ông chọn khổ thơ thứ 41 để mở đầu cho bản nhạc này.
Để nhìn nhận rõ hơn tác phẩm này (cả thơ và nhạc), người nghe cần đặt nó vào thời điểm xuất phát. Những năm70, chiến tranh ở miền Nam lan tràn khốc liệt, xã hội đảo điên. Nổi lên lối thơ viết về thân phận, nói lên tâm trạng, hoàn cảnh tang tóc, bi thương thế nên cả xã hội thời đó không ai làm thơ kiểu giỡn chơi, mơ màng và lãng mạn như Thiền sư Phạm Thiên Thư đã viết. Và không chỉ có bản trường thi này, ông còn viết cả một Thi tập “Đoạn Trường Vô Thanh” với 3274 câu lục bát (dài hơn Đoạn trường Tân Thanh của Tiên điền Nguyễn Du đến 20 câu,tác phẩm này đã đoạt giải nhất văn chương toàn quốc trước 75), trong đó ông các điển tích Việt nam để thay thế các điển tích của Tàu mà Nguyễn Du đã dùng trước đó cũng như mở rộng vai trò các nhân vật phụ để viết thành một câu chuyện “Hậu truyện Kiều” thuần Việt,ngoài ra ông là người Việt Nam độc nhất đã thi hóa 7 bộ kinh Phật bằng thơ Việt, cho đề án tốt nghiệp đại học của ông ở Vạn Hạnh.
Đọc thơ lục bát của tu sĩ Phạm Thiên Thư ít người nghĩ rằng ông đã có mười năm xuất gia tu hành nơi cửa Phật và dù là một tu sĩ viết thơ tình thì cái tình trong thơ của Phạm Thiên Thư rất trong sáng, thanh cao, không hề nhuốm màu sắc dục, vật dục… như những vần thơ tình của các nhà thơ khác.
Ở miền Nam vào giai đoạn này, Phạm Duy (nhờ bắt gặp thơ của Phạm Thiên Thư) đã vượt qua được những chán chường và bế tắt của cuộc sống… để viết nên mười bài Đạo ca sâu lắng và thánh thiện cùng với những bản tình ca buồn nhưng thi vị và tuyệt đẹp mang màu sắc của Phật giáo được người nghe đón nhận nồng nhiệt và mãi đến tận hôm nay vẫn còn nhiều thính giả nghe lại và yêu chuộng…mỗi khi thanh âm ấy được cất lên.