Đặc phái viên Khí hậu Mỹ John Kerry cảnh báo về mối đe dọa đang xảy ra

People walking through a rainstorm in Zhengzhou city, China

People walking through a rainstorm in Zhengzhou city, China Source: AAP

Đặc phái viên khí hậu Mỹ, ông John Kerry cảnh báo thế giới không thể đợi đến sau đại dịch COVID thì mới hành động về biến đổi khí hậu và ông kêu gọi một sự hợp tác toàn cầu. Bình luận của ông đưa ra khi các đám cháy rừng trên khắp các bang phía Tây của Hoa Kỳ toà khói đen mù mịt lan tới bờ biển phía Đông, cùng lúc đó lượng mưa kỷ lục tại miền trung của Trung Quốc khiến hàng chục ngàn người phải sơ tán tìm nơi trú ẩn.


Nhiều ngày qua mưa như trút nước tại tỉnh Hà Nam miền Trung của Trung Quốc đã biến những con đường của thủ phủ Trịnh Châu giống như ghềnh thác chảy xiết, cuốn trôi tất cả những gì bị kẹt lại trên đường đi của thác lũ.

Hàng chục người được cho là đã thiệt mạng khi cơn mưa với lượng nước dâng cao hơn 20 cm đổ xuống chỉ trong một giờ, làm vỡ bờ sông và làm ngập mạng lưới tàu điện ngầm của thành phố - khiến hành khách bị mắc kẹt trong nước cao đến thắt lưng.

Khoảng 100 ngàn người khác đã được chuyển đến nơi trú ẩn an toàn khi đất nước Trung Quốc nâng cao cảnh báo lũ lụt, mà các nhà dự báo thời tiết cho rằng đây là lượng mưa cao nhất trong một ngàn năm qua.

Cùng lúc đó ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ cũng cảnh báo dấu hiệu của những sự kiện hi hữu ngàn năm có một sắp sửa xảy ra.

Khủng hoảng khí hậu chính là thử thách của thời đại chúng ta, và trong khi một số người vẫn nghĩ rằng nó đang diễn ra với tốc độ chậm, thì ngược lại, thử thách này hiện nghiêm trọng và đang tồn tại giống như bất kỳ thử thách nào khác đã từng xảy ra trước đây.

Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục chiến đấu với hơn 80 đám cháy rừng liên tiếp trên khắp 13 bang miền Tây.

Khói toả ra từ đám cháy càn quét khắp đất nước, lan đến tận bờ biển phía đông.

Chuyên gia về Dự báo thời tiết quốc gia của Mỹ David Lawrence nói thật bất thường khi thành phố New York cũng bị ảnh hưởng bởi khói cháy rừng từ California.

Đám khói cháy rừng đó đang được vận chuyển bởi những cơn gió lớn quay cuồng trên bầu khí quyển đến những nơi mà trước đây chưa từng thấy, ít nhất là trong hầu hết những năm gần đây, gió đưa khói đến tận bờ biển phía đông của Hoa Kỳ.

Bang Oregon bị tàn phá bởi cháy rừng phải yêu cầu được hỗ trợ thêm, ngọn lửa đã bùng cháy hơn hai tuần và lan rộng đến sáu km một ngày.

Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp được ban bố ở tỉnh British Columbia miền cực Tây Canada, các chiến binh cứu hỏa của Canada đang chiến đấu với hơn 80 đám cháy ngoài tầm kiểm soát, gây ra bởi đợt nóng khắc nghiệt vừa qua.

Các nhà khoa học đang đổ lỗi cho tình trạng hạn hán kéo dài và sự gia tăng các đợt nắng nóng quá mức.

Giám đốc Chính sách Khí hậu của Liên minh Châu Âu Frans Timmermans nói chi phí giải quyết tình hình biến đổi khí hậu hiện nay đang thấp hơn những chi phí phải trả vì không giải quyết tình hình đó.

Đó là hậu quả của khủng hoảng khí hậu, vì vậy tất cả những ai nói về chi phí giải quyết khủng hoảng khí hậu cũng nên nghĩ về cái giá phải trả của việc không giải quyết khủng hoảng khí hậu, và tôi nghĩ những gì chúng ta đã thấy tuần trước là một lời nhắc nhở về một thực tế là chi phí sinh mạng con người cũng như chi phí vật chất cho việc chúng ta không hành động gì thì còn cao hơn nhiều so với chi phí bỏ ra để hành động giải quyết biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ cao hi hữu tại cao nguyên phía bắc Siberia khiến bùng phát hơn 200 vụ cháy rừng tại miền Yakutia.

Các lực lượng quân sự Nga đã nỗ lực dập tắt ngọn lửa cháy rừng, mà Điện Kremlin cũng cho rằng nguyên nhân là do biến đổi khí hậu.

Ông John Kerry nói một loạt các thảm họa môi trường đang gây áp lực lên hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11, và hội nghị này có thể là cơ hội cuối cùng để kéo thế giới trở lại từ bờ vực thẳm.

Chúng ta không có thời gian chờ đợi cho đến khi COVID bị đánh bại để đối mặt với thách thức về khí hậu. Glasgow chính là địa điểm và năm 2021 chính là thời điểm mà chúng ta có thể trong vòng hơn 100 ngày nữa cứu vớt 100 năm tới.

Trong khi nhiều quốc gia cam kết loại bỏ lượng khí thải carbon ròng trước năm 2050, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu nói lượng khí thải phải được cắt giảm ít nhất 40% vào cuối thập kỷ này để giữ nhiệt độ thế giới trong tầm kiểm soát.

Share