Theo ông Nguyễn Cung Thông, Pháp sư Nghĩa Tịnh, tên tục là Trương Văn Minh, sinh năm 635 ở Tế Châu (Sơn Đông) và xuất gia năm 14 tuổi. Ngài đã nghe tiếng thiền sư Pháp Hiển và Huyền Trang hành hương xứ Phật, nên nhất định theo đuổi ý định này để tìm hiểu Phập pháp thấu đáo hơn.
Tới năm 37 tuổi, ngài mới có cơ hội đi tàu qua Srivijaya (bây giờ là Palembang ở Sumatra, từng là một trung tâm Phật giáo lớn trong vùng Đông Nam Á), ở đây 6 tháng học tiếng Phạn và tiếng Mã Lai, sau đó đi tàu sang Ấn Độ. Sau khi đậu ‘kỳ thi nhập học’, ngài vào
Tu viện Nalanda được 12 năm tu học, so với 25 năm sống ở hải ngoại và thăm viếng được hơn 30 quốc gia.
Cây chà răng của sa môn từng được các nhà sư trước thời Nghĩa Tịnh ghi chép lại, tuy rất là sơ sài nhưng là một trong 18 món cần thiết, mà giới tăng lữ luôn mang theo bên mình.
Trong điều thứ 8 của quyển ‘Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện’ của pháp sư Nghĩa Tịnh, có tên là ‘Triêu tước xỉ mộc’, tức sáng sớm phải chà răng bằng ‘xỉ mộc’, là cây chà răng, tiếng Phạn là ‘đạn xỉ gia sắt sá’ trong đó ‘đạn xỉ’ nghĩa là răng, ‘gia sắt giá’ nghĩa là thanh cây.
Xỉ mộc dài 12 chiều ngang ngón tay, không nhỏ hơn 8 chiều ngang ngón tay, lớn khoảng ngón tay út.
Nhai một đầu cho mềm, rồi dùng đầu này để chà/lau cho sạch miệng. Xong thì bẻ xỉ mộc, uốn cong nó để cạo lưỡi.
Áp dụng các phương cách trên lâu ngày thì ít bệnh tật. Chất bẩn ở chân răng tích tụ lâu ngày trở nên cứng, phải cạo cho sạch hết. Lấy nước nóng, đắng rửa thì răng sẽ không bị hư suốt đời. Đau răng ở Ấn Độ rất hiếm vì hậu quả tốt lành khi dùng xỉ mộc chà răng.
Có vấn đề về cách hiểu xỉ mộc cho ra lẽ, so với nét nghĩa ‘dương chi’ tức nhánh liễu, vì cây liễu ở Ấn Độ rất hiếm dù rằng người dịch thường dùng danh từ ‘dương chi’.
Ngoài ra pháp sư Nghĩa Tịnh còn cho biết, đã gặp gỡ các nhà sư từ Giao Chỉ hay Giao Châu tức nước Việt khi chưa giành được độc lập, khi tu học tại đại học Nalanda Ấn độ như pháp sư Vẫn Kỳ, pháp sư Mộc Xoa Đề Bà toàn là tên tiếng Phạn, pháp sư Qui Xuân và pháp sư Huệ Diễm.