Các tục lệ kỳ lạ và hạnh Đầu Đà hồi thế kỷ thứ 7 ở Ấn Độ

Hành trình đi học đạo của Nghĩa Tịnh – theo tác giả Takakusu năm 1896 new.jpg

Hành trình đi học đạo của Nghĩa Tịnh – theo tác giả Takakusu năm 1896 Credit: Takakusu

Trong quyển ‘Nam Hải Ký Qui Nội Pháp Truyện’ của pháp sư Nghĩa Tịnh, một vị sư người Trung Quốc sang du học ở Ấn độ ghi chép lại, có chương ‘Các tục lệ hay tôn kính kỳ lạ hay ngược ngạo’ do chính nhà sư ghi lại hồi thế kỷ thứ 7. Ngoài ra ở một chương khác, ông cũng bàn đến ‘Hạnh đầu đà’ được ghi nhận ra sao, cách nay hơn 1300 năm. Ông Nguyễn Cung Thông, một nhà nghiên cứu vể cổ học cho biết thêm những điều thú vị trong tập du ký hiếm hoi nầy.


Pháp sư Nghĩa Tịnh, tên tục là Trương Văn Minh, sinh năm 635 ở Tế Châu thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc và xuất gia năm 14 tuổi.

Ngài đã nghe tiếng thiền sư Pháp Hiển và Huyền Trang hành hương xứ Phật, nên nhất định theo đuổi ý định này để tìm hiểu Phập pháp thấu đáo hơn.

Tới năm 37 tuổi, ngài mới có cơ hội đi tàu qua Srivijaya (bây giờ là Palembang ở Sumatra, từng là một trung tâm Phật giáo lớn trong vùng Đông Nam Á), ở đây 6 tháng học tiếng Phạn và tiếng Mã Lai, sau đó đi tàu sang Ấn Độ.

Sau khi đậu ‘kỳ thi nhập học’, ngài vào Tu viện Nalanda với 12 năm tu học, so với 25 năm sống ở hải ngoại và thăm viếng được hơn 30 quốc gia.

Trong chương thứ 33 của quyển ‘Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện’ của pháp sư Nghĩa Tịnh, có tên là "Các thức tục lệ/tôn kính ngược ngạo".

Phật giáo đã có lề luật chỉ rõ cách thức chào hỏi tôn kính hay đảnh lễ người trên.

Tự mình tức tỳ kheo phải đảnh lễ và niệm chú 6 lần mỗi ngày, dùng toàn thân cả tay và chân đảnh lễ hết sức nghiêm cẩn, một mình ở trong phòng yên tĩnh và đi khất thực để sống.

Phải noi gương hạnh đầu đà và tu tập tri túc tức là biết đủ là đủ.

Chỉ mặc ba loại áo choàng hay tam y và may b̀ằng vải dư thừa.

Tâm tư luôn nghĩ về vô sinh hay thoát ra khỏi các dây nhợ, liên lụy của thế giới chung quanh.

Không thể làm khác hơn các quy luật trên, thử xem trường hợp người tu hành mặc áo nhà sư, không nhìn như người thường không xuất gia và chào hỏi thiên hạ ở chốn thị thành.

Hãy kiểm tra lại luật lệ của Phật giáo, thì sẽ thấy các điều nói trên đều bị cấm.

Đức Phật dạy rằng, có hai hạng người được tôn kính, thứ nhất là Tam bảo và thứ hai là những Đại sư, tức là những người đã là tì kheo lâu năm.

Có những người đem tranh của đức Phật ra ngoài đường, làm cho dơ bẩn vì bụi bặm, chỉ đề cầu tài lợi như tiền bạc, hay của bố thí.

Lại có những người làm cho thân thể như có tật, như làm cho chân tay bị cong queo, châm da mặt cho có vết thương, bẻ xương cho gẫy hay làm rách da thịt cho có vết thương và giả bộ như là tình thật chỉ để sinh nhai. Các cảnh tượng như trên ở Tây quốc tức Ấn Độ, hoàn toàn không có, nên pháp sư Nghĩa Tịnh khuyên là đừng làm các trò giả dối đó, hàm ý các trò lừa gạt đó ở quê nhà Trung Hoa của pháp sư Nghĩa Tịnh.
tác giả chụp với mộr ông lão dòng họ Thích Ca tại Lâm Tỳ Ni - Ấn Độ.jpg
Credit: Nguyễn Cung Thông
Về Hạnh đầu đà, Đầu đà là một dạng kí âm tiếng Phạn và Pali, từ này có nhiều nghĩa như lắc đầu (một trong 13 kiểu lắc đầu), bỏ (tháo gỡ) đi, bị bỏ - có gốc là động từ dhu- hàm ý rũ bỏ, tiêu trừ, nghĩa chính dùng trong Phật Giáo là từ bỏ, tiếng Anh là asceticism tức chủ thuyết khổ hạnh.

Pháp sư Nghĩa Tịnh có lúc ghi là 12 và có lúc ghi 13 hạnh đầu đà trong NHKQNPT, tuy nhiên điều 33 chỉ ghi hai hạnh là mặt 3 áo tức chỉ có tam y và khất thực phản ánh nếp sống khổ hạnh của người xuất gia.

Một điểm nên nhắc ở đây là trong điều 9, pháp sư Nghĩa Tịnh ghi là một số nhà sư noi theo hạnh đầu đà bằng khất thực và mặc tam y, hàm ý là không phải tất cả người xuất gia nào cũng tuân theo 12 hay 13 hạnh đầu đà.

Theo các kinh như Tăng Nhất A Hàm, 12 hạnh đầu đà có thể tóm tắt lại là.

(a) về áo quần: lấy vải vụn/cũ/phế thải làm y, chỉ có ba y mà thôi.

(b) về ăn uống: đi khất thực, khất thực tuần tự từng nhà không kể nghèo giầu, ăn một lần, ăn vừa đủ, quá ngọ không ăn, không uống nước trái cây ép.

(c) chỗ trú ngụ: ở nơi thanh vắng, ở dưới gốc cây, ở nơi đất trống, ở nơi chứa thây của người chết hay mồ mả, và chỉ ngồi, không nằm.

Một điểm ghi nhận là ngày xưa và cho đến nay, tại các quốc gia như Ấn độ hay Trung Á, xác chết thường được đem thiêu và như vậy không có các nghĩa địa, như tại các nước theo Phật Giáo Đại thừa.

Ở đây chúng tôi chỉ ghi nhận các ‘Hạnh Đầu Đà’ do pháp sư Nghĩa Tịnh ghi lại trong quyển Nam Hai Ký Qui Nội Pháp Truyện hồi thế kỷ thứ 7, chứ không dính líu chi đến vấn đề ‘Hạnh Đầu Đà’ vốn là một đề tài gây nhiều tranh luận hiện nay.

 và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay  

Share