Con gái của Adel Al Deeb là Hanna vẫn còn nhớ ngày đó, khi cô 15 tuổi, cha cô đã bị bắt khỏi nhà của họ.
“Ông ngồi cạnh tôi, đút cho tôi ăn vì tôi không ăn. Ông nói "Cha sẽ quay lại. Ăn hết đồ ăn của con đi. Cha sẽ quay lại đón con", Hanna.
Ông Al Deeb đã xây dựng một cuộc sống mới ở Melbourne.
Nhưng bi kịch gia đình đã buộc ông phải trở về Lebanon, nơi đang bước vào giai đoạn nội chiến kéo dài 15 năm.
Bi kịch lại ập đến, khi ông bị lực lượng Syria bắt cóc.
Em gái ông là Jamal Al Deeb, kể lại câu chuyện.
“Họ bắt ông đi vào khoảng 7 giờ tối".
"Sau đó, khoảng 9 giờ 30 hay 10 giờ tối, con trai ông ấy đến nhà bố mẹ tôi và nói với họ rằng, ‘ôi có người đã bắt ông đi và chúng tôi không biết ông ở đâu”, Jamal Al Deeb.
Còn Hanna nói rằng, họ chưa bao giờ vượt qua được chuyện đó.
“Mỗi phút, ông ấy đều ở trong đầu tôi, chúng tôi đang nghĩ về ông ấy”, Hanna.
Gia đình ông Al Deeb cho biết, ông đến Úc vào năm 1973.
Các tài liệu cung cấp cho SBS cho thấy, ông đã có quốc tịch Úc vào năm 1977, cùng năm ông phải trở về làng của mình ở Lebanon.
Gia đình ông cho biết, ông đã bị bắt cóc vào tháng 12 năm 1984 ở tuổi 36, giờ ông đã 76 tuổi.
Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của người thân ông, là ông đang bị giam giữ tại nhà tù khét tiếng Sadnaya ở Damascus.
Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả nơi này là 'lò sát sinh’.
Kể từ khi chế độ Assad sụp đổ, các cựu tù nhân đã tràn ra ngoài, bao gồm một người đàn ông Lebanon bị giam giữ gần 40 năm, bị bắt trong cuộc nội chiến của đất nước ông.
Nhưng Jamal nói rằng, không có tin tức gì về Adel Al Deeb cả.
“Tôi tự nhủ nếu có thể, tôi sẽ cầm micro và hét lên 'anh trai tôi đâu rồi".
"Adel, Adel, Adel, chúng tôi muốn gọi anh ấy, đó là lý do tại sao chúng tôi cần mọi người giúp anh ấy”, Jamal Al Deeb.
Jamal vẫn tin rằng anh trai mình vẫn còn sống, sau khi nhận được một lá thư có chữ ký của ông vào tháng 4.
Cô ấy nói rằng, gia đình hiện đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính phủ Úc.
“Chúng tôi muốn họ đi tìm, bởi vì anh ấy là công dân Úc và tất cả những đứa con của anh ấy đều ở đây".
"Chúng tôi muốn tìm thấy anh ấy, bởi vì anh ấy vẫn ở đó và 100% là anh ấy vẫn ở đó, anh ấy vẫn còn sống”, Jamal Al Deeb.
SBS đã liên lạc với Bộ Ngoại giao để xin bình luận, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Theo BBC, trong những giờ sau sự sụp đổ của chế độ Bashar al-Assad ở Syria, hàng trăm người đã đổ về một địa điểm mà đối với nhiều người là tượng trưng rõ nét nhất cho sự đàn áp của chính quyền Assad, đó là nhà tù Saydnaya.
Tổ hợp giam giữ khét tiếng này đã được sử dụng để giam giữ hàng chục ngàn người, bị coi là chống đối chính quyền Syria trong hàng thập niên.
Được biết Chế độ Assad đã giam giữ hàng trăm ngàn tù nhân chính trị.
Nhóm ‘Hiệp hội Tù nhân và Người Mất tích tại Nhà tù Saydnaya’ ADMSP, có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ mô tả Saydnaya là một "trại tử thần".
Trong suốt cuộc nội chiến bắt đầu từ năm 2011, lực lượng chính phủ đã giam giữ hàng trăm ngàn người trong các trại giam, nơi các tổ chức nhân quyền cho rằng tra tấn là chuyện phổ biến.
Trong khi đó phiến quân Syria đã thề sẽ truy đuổi bất kỳ ai liên quan đến việc tra tấn, hoặc giết người bị giam giữ trong thời kỳ cầm quyền của Tổng Thống Syria bị lật đổ, khi họ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm áp đặt đối với thủ đô Damascus cách đây vài ngày.
Một tuyên bố của Bộ Chỉ Huy Phiến quân cho biết, họ đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm mà họ đã áp đặt, để thúc giục mọi người tiếp tục đi làm, để giúp xây dựng lại Syria mới.
Chỉ huy chính là Abu Mohammed al-Golani cho biết, trong một tuyên bố được công bố trên kênh Telegram của Đài truyền hình nhà nước Syria rằng, họ sẽ truy đuổi bất kỳ ai liên quan đến việc giết người, hoặc tra tấn "để chúng ta có thể đạt được công lý".
Syria hiện phải đối mặt với viễn cảnh cố gắng ổn định và xây dựng lại một quốc gia đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài 13 năm và sau một trong những nhà nước cảnh sát áp bức nhất ở Trung Đông, trong năm thập niên cai trị của gia đình Assad.