Phạm Đoan Trang như nhiều người biết, là một cây bút sắc sảo, một gương mặt nhân quyền vì tự do dân chủ cho Việt Nam.
Cô là tác giả của hàng loạt các tác phẩm nằm trong số những đầu sách được yêu thích của NXB Tự Do như: Chính Trị Bình Dân, Cẩm Nang Nuôi Tù, Phản Kháng Phi Bạo Lực, Politics of A Police State và một số đầu sách khác mà cô là đồng tác giả như Học Chính Sách Công Qua Luật Đặc Khu.
Cô cũng là đồng sáng lập tờ Luật Khoa Tạp chí- một trong những tờ báo độc lập có uy tín tại Việt Nam và Nhà Xuất Bản Tự Do.
Năm 2017, Phạm Đoan Trang được tổ chức People In Need trao giải thưởng Homo Homini.
Năm 2019, cô tiếp tục nhận Giải Tự do Báo chí của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), hạng mục Ảnh hưởng (Impact).
Năm 2020 thì Nhà Xuất bản Tự Do - được tặng giải Voltaire về tiếng nói nhân quyền.
Bố mẹ của Phạm Đoan Trang đều là nhà giáo.
Mẹ cô bà Bùi Thị Thiên Căn - một giáo viên cấp ba mãnh dẻ nhỏ nhắn, đã không tưởng tượng được rằng những điều tốt đẹp thiện lành mà bà dạy cho con đã đưa con trở thành một cái gai đối với nhà cầm quyền.
Từ một nhà báo xuất sắc đầy hứa hẹn của báo chí nhà nước, Phạm Đoan Trang đã bước ra khỏi cái thế giới đỏ mụ mị của truyền thông đảng để nói một tiếng nói khác với nhà cầm quyền: Tiếng nói của của những người bị chết oan trong tù, tiếng nói của người dân mất đất, tiếng nói của người yêu nước trước biển đảo bị xâm lược, tiếng nói đấu tranh cho toàn vẹn lãnh thổ, cho quyền con người và cho sự công bằng trong xã hội.
Cô dùng ngòi bút của mình để lên tiếng và cô bị săn đuổi, bị tấn công.
Từ một cô gái khỏe mạnh, trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2014 cô bị an ninh thường phục đánh đứt gây chằn gối và bị thương tật vĩnh viễn phải chống nạn để đi lại.
Chưa hết, nhà cầm quyền còn cô lập cô và gây khó khăn cho bât cứ ai liên hệ hay giúp đỡ cô.
Từ hai năm nay, cô phải rời gia đình ở Hà Nội để tránh cho mẹ cô khỏi bị những cuộc canh chừng và viếng thăm không mời liên tục của chính quyền tới gia đình họ.
Cô phải di chuyển nhiều nơi
Ở mỗi nơi cô đều phải dời chổ ở nhiểu lần để tránh những cuộc vay ráp, làm khó của chính quyền liên quan đến những quyển sách cô viết.
Chỉ tính riêng từ giữa 2019 đến nay cô đã phải di dời nhà đến gần 50 lần.
Tuy nhiên, tât cả những điều này cô cho biết mình có thể vượt qua được.
Điều làm cô ray rứt nhất là nghĩ về mẹ, ở cái tuổi thấp thỏm sống mà vẫn cứ phải ngóng về con mỗi ngày.
Mùa Vu Lan, cùng Mai Hoa trò chuyện với Phạm Đoan Trang về mẹ.
Nếu chạy về bên mẹ bây giờ, việc đầu tiên em làm là gì?
Em đã nghĩ đến điều này rất nhiều, nên luôn có câu trả lời ngay: Nếu có thể chạy về bên mẹ bây giờ, việc đầu tiên em làm là ôm mẹ. Rồi sau đó ngồi xuống và nghe mẹ tíu tít, mừng rỡ nói đủ thứ chuyện, em chỉ im lặng mà nghe thôi. Mẹ là một bà cụ già, nhưng lúc mừng vui thì cũng có nét như một đứa trẻ, thương lắm.
Ký ức về mẹ thì đong đầy, nhưng dấu ấn nổi bật nhất về mẹ những lúc nhớ lại để thấy em thương mẹ nhất là gì?
Em thương mẹ nhất là những lúc mẹ lật đật đi làm cái gì đó cho con, hay là lúc… công an đến nhà, mẹ xù lông lên như con gà mẹ bảo vệ con (mà đâu có bảo vệ được). Mẹ em vốn là người Hà Nội gốc, là cô giáo cấp III, nên tính tình hiền lành, mô phạm lắm, cả đời không biết nói tục chửi bậy. Mẹ lại nhỏ người, càng về già càng quắt lại. Thế mà lúc công an đến, một bà cụ gầy còm, tóc bạc phơ, nói không ra hơi, lại cứ trừng mắt lên giận dữ với công an để mong bảo vệ con mình, có tội không?
Mẹ cũng hay vào mạng đọc tin tức thời sự (chủ yếu của những người bị cái nhà nước này gọi là “phản động”). Những lúc mạng đứt hoặc bị tường lửa không vào được, mẹ cứ bần thần, loay hoay không biết làm thế nào, nhìn thương vô cùng.
Em hối hận nhất là đã chưa bao giờ và chắc là sẽ không bao giờ mang đến cho mẹ những năm tháng bình yên được, chừng nào… chế độ độc tài độc đảng này còn tồn tại.
Với em, mẹ đẹp nhất là khi mẹ vui, mẹ cảm thấy hạnh phúc. Mà… điều đó em cũng không bao giờ làm nổi cho mẹ em, trong hoàn cảnh này.
Lâu lắm rồi em không về nhà, cuộc sống có cho em thuận tiện dể gọi về cho mẹ không, những lúc như vậy hai mẹ con nói những gì với nhau?
Em chỉ có thể gọi cho mẹ em qua mạng (không sử dụng điện thoại bình thường được), mà nếu thế thì chỉ lúc nào mẹ em online, em mới gọi được. Cho nên thường là em không gọi, chỉ chờ khi nào mẹ online thì mẹ gọi em thôi. Mỗi lần mẹ gọi, thường cũng là mẹ ríu rít nói chuyện, em chỉ nghe, im lìm, và cố động viên an ủi nếu mẹ em có điều gì phiền muộn.
Ngồi nhớ lại thời bé nhất xa nhất mà mình có thể nhớ là hình ảnh gì của Trang và mẹ? Mẹ đã có một thời con gái như thế nào? Mẹ yêu như thế nào trong tình yêu của bố?
Hồi em còn nhỏ, mẹ em đi dạy suốt ngày, ngày nào cũng lên lớp từ sáng đến chiều tối, mà thời ấy Việt Nam còn chưa có lệ nghỉ thứ bảy, nên em ít được gần mẹ hơn là bố. Nhưng em rất nhớ hình ảnh mẹ chở em bằng xe đạp đi chơi đâu đó, ví dụ một lần chở em lên Hồ Tây chơi nhân dịp đầu hè, 1/6 (Quốc tế thiếu nhi). Hai mẹ con ngồi dưới bóng cây xanh rất mát và rợp tiếng ve. Mẹ mua cho em một cành roi chín hồng (người miền Nam gọi là trái mận). Em cũng nhớ những cuốn sách mẹ mua cho em, chủ yếu là truyện thiếu nhi, như tiểu thuyết “Không gia đình” của Hector Marlot, hay kịch “Con chim xanh” của Maurice Maeterlinck. Cả hai đều là những cuốn sách cực kỳ ảnh hưởng đến suy nghĩ của em thời thơ ấu.
Bố và mẹ em cùng học Đại học Sư phạm, và yêu nhau từ thời sinh viên. Nghĩ về tình yêu của bố mẹ và những năm tháng bố mẹ trải qua cùng nhau – từ khi yêu cho tới khi lập gia đình và vật lộn với cuộc sống khó khăn của thời bao cấp để nuôi ba đứa con – em chỉ thấy lòng ngập nỗi buồn và thương bố mẹ.
Cả một thời tuổi trẻ mẹ em không biết ăn diện, chỉ mặc quần đen, áo sơ mi và thường để tóc dài vì không có tiền làm tóc. Về già, tóc rụng hết, mẹ em cũng bắt đầu “biết” đi uốn, đi làm tóc, nhưng ăn mặc thì vẫn xuềnh xoàng thế, 5-7 năm mua một bộ đồ mới. Có bao nhiêu tiền, mẹ dành dụm nuôi con và cho thiên hạ hết cả rồi. Bố em cũng vậy, vét tới đồng tiền túi cuối cùng để cho học trò nghèo… mà bố quá hiểu rằng lòng tốt ấy của bố đâu cứu được cả xã hội?
Cảm xúc buồn và thương bố mẹ đó chính là một động lực rất lớn để em tham gia đấu tranh với mong muốn thay đổi đất nước. Em không muốn cứ mãi mãi có những cặp vợ chồng như bố mẹ em, hiền lành, lương thiện, nghèo khổ, vật lộn với cuộc sống cơ cực và đầy bạc ác gian giảo để nuôi dạy con nên người. Một xã hội tốt đẹp là một xã hội mà những người lương thiện phải được sống đàng hoàng và không phải dằn vặt với câu hỏi: Mình nuôi dạy con thành người tốt như vậy có đúng không, có thiệt, có khổ cho các con không?
Món ăn mẹ nấu nhớ nhất? Bài hát mẹ thích nhất hay bài mà mẹ hồi trẻ thỉnh thoảng ngâm nga hoặc bài mà giờ mình còn nhớ nhất là nghe từ mẹ?
Em nhớ nhất món tép (hay còn gọi là moi) kho với khế xanh, mỗi lần mẹ em làm món đó là em ăn đến 3 bát cơm.
Thời trẻ, mẹ em hát rất hay, cho đến những năm trung niên thì mất giọng, do di chứng của bệnh viêm họng hạt – bệnh nghề nghiệp của các giáo viên. Gu âm nhạc của mẹ em cao và đa dạng, và rất ảnh hưởng đến em; phải nói là em sẽ không chơi được đàn hay hát nếu không chịu ảnh hưởng từ tình yêu âm nhạc của mẹ. Mẹ hát, mẹ ru em bằng nhiều bài hát cổ điển, của dân thanh nhạc chuyên nghiệp, như Người đẹp thành Pét, Bài ca nàng Solveig, Rồi một con chim bay (dân ca Ba Lan), Cây liễu, Sông Volga, Bengawan Solo (dân ca Indonesia)… Có những câu mẹ hát mà với em, đã thành kinh điển, in sâu trong tâm trí em từ 4-5 tuổi đến giờ, không bao giờ em quên được, như:
“Ngày họ mang anh đi, là khi đôi lứa xa cách. Mẹ cha em muốn khuyên em dứt tình cùng anh”.
Hay là: “Sông Volga, những đêm thơ mộng ơi!
Thời gian hỡi, hãy khoan đừng trôi”.
Thời gian hỡi, hãy khoan đừng trôi”.
Mẹ có bao giờ giận em không hay tiếc nuối là em đã không ‘ngoan’ hơn khờ hơn?
Mẹ không giận em, nhưng xót xa thì chắc chắn là có, và tiếc nuối vì em đã không khôn ngoan hơn, không sống một cuộc đời ít bão tố hơn.
Mẹ em có biết là em đau đáu về mẹ và điều này làm em khổ tâm không ít không?
Em không biết mẹ em có biết không.
Có bao giờ em tự đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ có đứa con thì em nghĩ mình sẽ như thế nào?
Em mà có đứa con như… em thì em sẽ rất xót, và rất có thể là em sẽ ngăn, không cho nó đi vào con đường đấu tranh. Cho nên thực sự em thông cảm với những bậc cha mẹ cố cản, không cho con cái “dính dáng đến phản động”. Vì thực sự là đấu tranh khổ quá, mà cha mẹ nào chẳng thương con, xót con. Đó là em còn may mắn chưa phải đi tù.
Theo em thì điều gì có thể giúp mẹ em mạnh mẽ nhất và an lòng nhất có thể khi nghĩ về con mình? Hay nói cách khác, nếu có thể làm điều gì cho con thì em nghĩ mẹ em sẽ làm gì?
Em nghĩ mẹ chỉ an lòng khi em an toàn và hạnh phúc. Mà đó là điều mẹ cũng như em không thể làm nổi. Nếu có thể làm điều gì cho em, chắc mẹ sẽ cố hết sức để em chịu ra nước ngoài sinh sống, bỏ hết con đường đấu tranh.
Và nếu bây giờ có thể ôm mẹ một cái hay làm một điều gì đó cho mẹ em sẽ làm gì? Vì sao?
Em chỉ muốn về bên mẹ và ở bên mẹ mãi mãi.
Điều cuối cùng đọng lại em muốn mẹ nghĩ về em là điều gì?
Là em yêu mẹ và luôn cố hết sức, một cách tuyệt vọng, để thực hiện được phần nào trách nhiệm của đứa con với mẹ. Em biết em là đứa con bất hiếu, em không thể làm cho bố mẹ em hạnh phúc, nhưng em mong bố mẹ biết là em đã cố rất nhiều.
Điều cuối cùng đọng lại em nghĩ về mẹ - cho dẫu ngày tháng phôi pha, cho dẫu thời gian xoá nhoà nhân ảnh, đó là điều gì?
Em luôn biết và luôn nhớ rằng mẹ em là người mẹ tuyệt vời, đã hy sinh cả đời vì con: Hy sinh những năm tháng tuổi trẻ, dạy học, làm việc đến rạc người để nuôi con khôn lớn, và hy sinh sự bình yêu của những năm tháng tuổi già để con mình được yên tâm đi theo con đường nó chọn, chưa từng trách móc gì con, một lòng yêu thương và ủng hộ con vô điều kiện.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại