"Vì vậy tôi phải lén lút vào lớp học để được học. Và mỗi lần có thanh tra công cộng đến, tôi phải trốn, ở nhà hoặc bỏ học. Vì trên giấy tờ, tôi thực sự không tồn tại trong lớp học đó."
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thuộc về bất kỳ nơi nào?
LISTEN TO

Không thuộc về nơi nào: Fadi sinh ra ở Lebanon - nhưng trên giấy tờ, ông ấy không tồn tại
SBS Vietnamese
10:54
Nếu ngay cả quốc gia nơi bạn được sinh ra cũng không công nhận bạn là công dân.
Bạn không thể tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục hay thậm chí lấy bằng lái xe.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, đây là thực tế mà ít nhất 4,4 triệu người vô quốc tịch trên thế giới đang phải đối mặt.
Tôi là Michael Nguyễn, và đây là podcast ‘Không Thuộc Về Nơi Nào’ – một cuộc điều tra về ý nghĩa của việc sống vô quốc tịch và có quốc tịch bị tranh chấp.
"Định nghĩa pháp lý của người vô quốc tịch là người không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận là công dân. Có nghĩa là không quốc gia nào cấp quốc tịch cho người đó. Dù ai cũng được sinh ra ở đâu đó và có mối liên hệ với một quốc gia, nhưng vẫn có nhiều trường hợp mà việc sinh ra ở một quốc gia không đảm bảo có quyền quốc tịch."
Đó là Michelle Foster, giám đốc Trung tâm Peter McMullin về Vô Quốc Tịch tại Đại học Melbourne – một trong những trung tâm nghiên cứu lớn nhất tại Úc chuyên hỗ trợ người vô quốc tịch.
Vậy vô quốc tịch có phải là vấn đề mới không?
Không hẳn.
Sau Thế chiến thứ hai, cộng đồng quốc tế rất lo ngại về hàng triệu người bị mất nơi cư trú, trong đó nhiều người là vô quốc tịch – vì chế độ phát xít đã sử dụng việc tước quốc tịch như một công cụ.Michelle Foster
Giáo sư Foster cho biết Liên Hợp Quốc đã tổ chức hội nghị về tình trạng vô quốc tịch vào năm 1954 – chỉ ba năm sau Công ước người tị nạn năm 1951.
Hội nghị đã đưa ra định nghĩa pháp lý quốc tế về người vô quốc tịch là người “không được bất kỳ quốc gia nào xem là công dân theo luật của nước đó.”
Năm 2024 đánh dấu 70 năm kể từ hội nghị đầu tiên về tình trạng vô quốc tịch.
"Năm 1961, có thêm một hiệp ước thứ hai nhằm ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng vô quốc tịch. Hiệp ước đầu tiên là để bảo vệ những người đã vô quốc tịch, và hiệp ước thứ hai là để đảm bảo không tiếp tục phát sinh thêm các trường hợp mới."
Úc là một trong những quốc gia tham gia cả Công ước 1954 và Công ước 1961 về Giảm Thiểu Vô Quốc Tịch.
Nhưng sau hàng thập kỷ, thế giới vẫn còn rất nhiều người vô quốc tịch, và con số chính xác vẫn chưa được xác định rõ.
"Có thể nói rằng qua nhiều năm, tình trạng vô quốc tịch dường như trở thành 'người anh em bị lãng quên' của luật người tị nạn. Các quốc gia rất quan tâm đến người tị nạn, vì họ dễ thấy – họ di chuyển, còn người vô quốc tịch thì phần lớn sống 'tại chỗ', không di chuyển, sống ở nơi họ sinh ra qua nhiều thế hệ. Vì thế, tình trạng vô quốc tịch đã bị phớt lờ trong thời gian dài. Nhưng gần đây, UNHCR đã được trao nhiệm vụ nhận diện và bảo vệ người vô quốc tịch – điều này trước đây chưa từng có."
Vậy làm sao một người có thể trở nên vô quốc tịch?
Giáo sư Foster cho biết có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do lớn nhất là sự phân biệt đối xử.
"Hãy nghĩ về đủ loại phân biệt đối xử trên toàn thế giới. Ví dụ như phân biệt giới tính – vẫn còn 24 quốc gia trên thế giới không cho phép phụ nữ truyền quốc tịch cho con cái của họ. Đây là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng vô quốc tịch truyền đời."
Thị trấn Koura ở miền Bắc Lebanon là nơi Fadi Chalouhy sinh ra và lớn lên.
Mẹ ông là người Lebanon, cha ông là người Syria.
Nhưng ông không giống những đứa trẻ khác.
"Tóm lại, tôi đã sinh ra không đúng thời điểm, không đúng nơi chốn và trong hoàn cảnh sai lầm."
Vấn đề nằm ở luật quốc tịch của Lebanon.
"Sáu tháng sau khi tôi sinh ra, cha tôi bỏ đi và không muốn liên quan đến tôi nữa. Điều đó khiến mẹ tôi hoàn toàn không thể đăng ký giấy khai sinh cho tôi. Ở Lebanon cho đến ngày nay, để đăng ký bất kỳ giấy tờ gì cho trẻ em – như giấy khai sinh, bằng lái xe hay mở tài khoản ngân hàng – thì phải là đàn ông, phải có cha. Nếu người cha không có mặt, người mẹ gần như bất lực."
Fadi đã vô quốc tịch.
Và khi lớn lên, ông gặp thêm nhiều trở ngại khác.
"Mẹ tôi đã cố gắng ghi danh cho tôi vào nhiều trường công nhưng đều bị từ chối. Cách duy nhất tôi có thể học là vì mẹ tôi làm lao công cho một trường Công giáo. Mẹ đã xin các sơ: 'Làm ơn, hãy giúp con tôi biết đọc, biết viết để nó có cơ hội sống'. Và tôi đã lén vào lớp học để được học. Mỗi lần có thanh tra, tôi phải trốn đi, ở nhà hoặc bỏ học vì trên giấy tờ, tôi không tồn tại trong lớp học đó."
Còn nhiều khó khăn khác nữa.
"Nếu tôi bị ốm, tôi không thể đến bệnh viện. Khi tốt nghiệp, tôi không có quyền làm việc. Mỗi lần đi qua trạm kiểm soát, tôi bị yêu cầu trình giấy tờ – và tôi không có. Tôi phải kể lại toàn bộ câu chuyện từ đầu, và mẹ tôi phải quá giang đến tận trạm kiểm soát để giải thích, kể câu chuyện về tôi."
Ngay cả những việc đơn giản cũng trở thành thử thách khổng lồ đối với ông.
"Tôi phải canh thời gian, điều tra trước xem có trạm kiểm soát nào không rồi mới dám đi nhà thuốc, đi học, đi làm. Mỗi việc đơn giản đều cần lên kế hoạch chi tiết để đảm bảo tôi không rơi vào tình huống nguy hiểm, bởi chỉ cần bị giữ lại, tôi có thể bị giam vô thời hạn."
Fadi luôn cảm thấy dễ bị tổn thương.
"Người ta có thể bắn tôi giữa đường phố Lebanon mà không bị vào tù, vì trên giấy tờ, họ đâu có bắn ai – tôi không tồn tại. Và đó là cốt lõi của mọi vấn đề. Tôi không tồn tại – nên không thể lấy bằng lái xe, không thể có mã số an sinh xã hội, không thể có thẻ sinh viên, không thể mở tài khoản ngân hàng, không thể xin xác minh lý lịch. Nếu không có những thứ đó thì làm sao xin việc được?"
Fadi không hiểu tình trạng vô quốc tịch là một khái niệm và cho biết nơi ông lớn lên, mọi người không nhận thức hoặc hiểu biết đầy đủ về vấn đề này.
Ông nói ông chỉ cảm thấy mình đau đớn.
Tôi cảm thấy như bị mắc kẹt trong một mối quan hệ độc hại mà không thể thoát ra. Trong suốt 28 năm, cảm giác đó như một mối tình đơn phương. Tôi sinh ra tại đất nước đó, sống cả đời ở đó, nói ngôn ngữ đó, sống theo văn hóa đó – nhưng đất nước ấy không cần tôi.Fadi Chalouhy
Fadi không phải là trường hợp duy nhất.
Luật sư nhân quyền Alison Battison cho biết nhiều người vô quốc tịch không hề biết mình mang thân phận ấy.
"Thực tế là nhiều người không biết họ vô quốc tịch. Tôi từng gặp nhiều người chỉ nhận ra điều đó khi bị giam giữ – vì họ không thể quay về nước cũ, vì quốc gia đó không công nhận họ là công dân."
Năm 2016, Fadi tìm thấy một tổ chức phi chính phủ có tên Talent Beyond Boundaries – hỗ trợ người tị nạn và người di cư có kỹ năng tìm cơ hội việc làm quốc tế.
Lúc đó, Fadi đang là quản lý dự án tại một công ty phần mềm Pháp.
Ông đáp ứng tiêu chí và được một công ty tại Úc bảo lãnh.
"Tôi phỏng vấn vài lần và được tài trợ visa. Năm 2019, tôi đến Úc theo diện visa thiếu hụt kỹ năng – là người vô quốc tịch đầu tiên và duy nhất được cấp visa này trong lịch sử."
Ông ấy nói rằng chỉ trong vòng sáu tháng, ông đã đạt được nhiều điều hơn cả 28 năm sống ở Lebanon.
"Trong mơ tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành công dân của bất kỳ quốc gia nào, chứ đừng nói là một đất nước tuyệt vời như Úc."
Ông nói rằng nếu không có mẹ, ông sẽ không thể làm được điều đó.
"Tôi từng nhìn thấy mẹ mình mỗi ngày, lúc 6 giờ sáng, lau dọn từng phòng học, đổ rác và dọn vệ sinh. Mẹ luôn nói với tôi: 'Con có một sự lựa chọn – hoặc là lau dọn lớp học, hoặc là học từ nó.' Và chính mẹ đã thúc đẩy tôi theo đuổi việc học."
Nhưng khi Fadi đến Úc, ông không thể đưa mẹ theo. Bà đã mất ở Lebanon.
Ông là một trong hàng ngàn người được ước tính đã đến Úc từ hoàn cảnh vô quốc tịch.
Luật sư Alison Battison cho biết có nhiều con đường để người vô quốc tịch đến được Úc.
Tuy nhiên, cô nói rằng nhiều người bị cản trở bởi hệ thống nhập cư hiện tại của Úc.
"Hệ thống hiện nay ở Úc cố gắng gộp tình trạng vô quốc tịch vào định nghĩa người tị nạn. Đôi khi điều đó có hiệu quả – bạn là người tị nạn vì bị đàn áp, vì bạn vô quốc tịch và không được bảo vệ. Nhưng nếu bạn vô quốc tịch, đã đến Úc và không thể rời đi, nhưng lại không bị đàn áp và không đủ điều kiện là người tị nạn, thì bạn coi như tiêu đời – bạn không có nơi nào để đi, không có loại visa nào phù hợp cho bạn."
Đối với Fadi, hiện ông đã là công dân Úc từ năm 2024 và cảm thấy hài lòng với vị trí của mình tại đất nước này.
Nhưng ông nói rằng tình trạng vô quốc tịch vẫn chưa được xem là một vấn đề độc lập, và ông mong muốn Lebanon ký Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người vô quốc tịch.
Ông tin rằng điều đó sẽ giúp người vô quốc tịch có thể tiếp cận các quyền con người căn bản như những công dân khác.
"Tôi không thể nghĩ ra một nhóm người nào bị gạt ra bên lề, bị bỏ mặc và phớt lờ hơn là người vô quốc tịch. Số tiền đổ vào các chương trình hỗ trợ người tị nạn và các tổ chức phi chính phủ so với người vô quốc tịch thật sự là quá chênh lệch. Đã đến lúc phải lấp đầy khoảng trống đó và trao cho những người này sự quan tâm xứng đáng. Nếu có thể rút ra điều gì từ thông điệp này, thì hãy quan tâm đến người vô quốc tịch – họ đang thực sự cần điều đó."
Tập tiếp theo của Không Thuộc Về Nơi Nào sẽ khám phá về các nhóm thiểu số vô quốc tịch và hành trình của họ đến Úc.