Người Úc đang được cảnh báo về khoản nợ sau Giáng sinh như 'quả bom hẹn giờ'

shopping-mall-522619_1280.jpg

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc nợ tiêu dùng trong dịp Giáng sinh có thể dẫn đến khổ sở về tài chính sau này. Source: Pixabay

Áp lực chi phí sinh hoạt cộng thêm khoản nợ sau Giáng sinh có thể khiến nhiều người phải đối mặt với tình huống rất khó khăn, giống như một "loại bom hẹn giờ".


Key Points
  • Ước tính trung bình một người Úc chi khoảng 800 đô la vào dịp Giáng sinh này.
  • 31% người Úc cho biết họ dựa vào thẻ tín dụng để chi tiêu cho dịp Giáng sinh.
  • Nghiên cứu từ Salvation Army cho thấy 17,4% người Úc sẽ mắc nợ trong kỳ nghỉ lễ này.
Cho dù chỉ là một chai rượu vang, đồ trang trí lễ hội hay những món quà chu đáo, Giáng sinh thường đi kèm với cơn sốt mua sắm - một truyền thống mà các chuyên gia cảnh báo có thể gây ra "quả bom hẹn giờ" nợ sau Giáng sinh.

Theo nghiên cứu của Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC), người Úc ước tính họ sẽ chi trung bình 783 đô la vào dịp Giáng sinh này, trong khi cứ ba người thì có một người dự định chi hơn 1.000 đô la.

Một số người đã chi số tiền này bằng thẻ tín dụng hoặc dịch vụ "buy now, pay later" (mua ngay, trả sau) (BNPL), điều này có thể dẫn đến nợ nần sau Giáng sinh đối với nhiều người Úc.

Chi tiêu ngoài dự tính

Andrew Grant, Phó giáo sư tài chính tại Đại học Sydney, giải thích:

"Mọi người thích chi tiền để có một Giáng sinh vui vẻ bên gia đình... Vì vậy, họ sẽ xài thẻ tín dụng hoặc các hình thức nợ ngắn hạn khác như các khoản vay luân chuyển hoặc dịch vụ 'mua ngay, trả sau', cuối cùng khiến họ phải trả nợ vào năm mới."

"Đây là một mô hình khá dễ đoán mà chúng ta thấy trong năm tài chính của người tiêu dùng và bạn có thể chi tiêu nhiều tiền hơn so với dự định."

"Cho dù đó chỉ là mua một món quà tặng thêm cho người thân, hay là chi nhiều hơn một chút cho món giăm bông hoặc chai rượu mà bạn thường không mua".

Nghiên cứu của ASIC vào cuối tháng 11 cho thấy 75% người Úc có kế hoạch chi tiêu cho Giáng sinh bằng tiền tiết kiệm, 31% cho biết họ sẽ dựa vào thẻ tín dụng và 16% cho biết họ sẽ sử dụng các dịch vụ 'mua ngay, trả sau'.

"Tôi nghĩ điều quan trọng là phải hiểu rằng những thứ như thẻ tín dụng và dịch vụ mua ngay, trả sau là khá phổ biến. Nhưng có những hậu quả nếu không trả hết nợ, bao gồm cả việc bạn gặp khó khăn khi vay tiền sau này. Nó giống như một quả bom hẹn giờ", ông Grant nói.
Theo một phân tích gần đây của cơ quan nghiên cứu và trang web so sánh tài chính Canstar, lãi suất thẻ tín dụng đã tăng vào mỗi tháng 1 kể từ năm 2015.

Báo cáo của Canstar dự đoán: "số tiền hàng ngày này thậm chí có thể tăng cao hơn nữa vào tháng 1, nếu người mua sắm không thể trả hết các khoản chi tiêu trong mùa lễ hội, bao gồm mua sắm Giáng sinh, các đợt giảm giá Black Friday và Boxing Day và kỳ nghỉ hè".

Phân tích cho thấy người Úc dự kiến sẽ chi khoảng 86 tỷ đô la vào thẻ tín dụng trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1.

Trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt, các chuyên gia lo ngại rằng vấn đề nợ sau Giáng sinh sẽ trầm trọng hơn.

Ông Grant nói rằng, điều quan trọng là phải hiểu rằng áp lực chi phí sinh hoạt vốn đã gây căng thẳng cho ngân sách của nhiều người.

"Việc mua những gì bạn thường mua cho Giáng sinh sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt, đồng thời ngân sách gia đình bạn có thể sẽ thâm hụt khi chi trả cho việc đó".

Dữ liệu mới từ Roy Morgan và Hiệp hội các nhà bán lẻ Úc (ARA) cho thấy năm nay, người mua sắm dự kiến sẽ chi 11,8 tỷ đô la cho quà tặng - nhiều hơn 1,6 tỷ đô la so với năm 2023.

Shumi Akhtar, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Đại học Sydney, cảnh báo rằng sự kết hợp của các khoản nợ sau Giáng sinh có thể tạo ra một "loại bom hẹn giờ".

"Đó là vì chúng ta không có đủ tiền để chi trả cho những nhu cầu căn bản nhất, bao gồm thực phẩm, tiện ích và tất nhiên là hóa đơn y tế", bà nói.
Vì khoản nợ Giáng sinh này, một số người sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn, đặc biệt sẽ nghiêm trọng hơn nếu họ không biết mình đang vướng vào điều gì.
Shumi Akhtar, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Đại học Sydney.
Làm sao để không mắc nợ?

Nghiên cứu gần đây của Salvation Army dự đoán 17,4% người Úc sẽ mắc nợ trong kỳ nghỉ lễ này.

Tuy nhiên, Akhtar cho biết mọi người vẫn có thể thực hiện một số biện pháp để đối mặt với ít hậu quả hơn.

"Thành thật mà nói, họ nên được cảnh báo về khoản nợ trước khi họ thực sự sử dụng thẻ tín dụng."

"Nhưng ngay cả khi họ không được cảnh báo, thì họ cũng nên ý thức được điều đó."

"Nếu họ đang gặp khó khăn trong việc trả khoản thanh toán tối thiểu trên thẻ tín dụng của bản thân, họ phải lập kế hoạch để chi trả hết, nếu không thì khoản nợ sẽ tăng lên rất nhanh".
Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay 

Share