Cơm áo gạo tiền: Trà Hương quản lý chi tiêu cho gia đình 5 người với một đầu lương ra sao?

76193030-dd64-40a1-8a6e-535a2536fabc.jfif

Trà Hương là giáo viên Montessori, quản trị viên của nhiều diễn đàn hỗ trợ cho phụ huynh. Cô hiện đang làm mẹ 'toàn thời gian' với ba đứa con 3 tuổi, 6 tuổi và 9 tuổi. Với nguồn thu nhập duy nhất từ lương của chồng, tự quản lý một căn hộ cho thuê airbnb, cô chia sẻ phương thức để quản lý tài chính hiệu quả cho gia đình 5 người.

Bằng cách áp dụng phương pháp quản lý tài chính từ cuốn sách ăn khách 'The barefoot investor' của tác giả người Úc Scott Pape, Trà Hương đối diện với cơn bão 'khủng hoảng chi phí sinh hoạt' một cách tự tin. Làm mẹ toàn thời gian với ba con nhỏ, gia đình có 5 người, chỉ với một đầu lương, cô có cách để quản lý chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư hiệu quả.


Các tham vấn dưới đây chỉ mang tính tổng quát, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định tài chính nào, mời quý vị gặp các chuyên gia tài chính để có lời khuyên phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.

Trà Hương (Evelyn Trần) làm mẹ toàn thời gian, đang sống ở Melbourne. Cô là giáo viên Montessori và quản trị viên của nhóm 'Cộng đồng cha mẹ gỡ rối, tích cực chia sẻ' và 'Montessori cùng con ở nhà'. Cô chọn ở nhà để chăm sóc và đồng hành cùng con toàn thời gian cho đến khi con đến tuổi đi học. Với một đầu lương từ người chồng đang làm việc trong ngành công nghệ, cộng thêm kiến thức đầu tư, cô có thể 'vận hành' một gia đình 5 người, với ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn một cách hiệu quả về tài chính. Trà Hương chia sẻ với SBS cách cô quản lý chi tiêu trong gia đình.
339159964_604343731598692_2055766842716173443_n.jpg
Giáo viên Montessori Trà Hương hiện đang làm mẹ toàn thời gian, bận rộn với ba bạn nhỏ 3 tuổi, 6 tuổi và 9 tuổi.
Trà Hương chia sẻ cách áp dụng cách quản lý chi tiêu từ sách 'The Barefoot Investor' từ kinh nghiệm thực tế của gia đình.

Tiền lương/ tiền đầu tư của cả vợ và chồng được chyển vào cùng một tài khoản, tạm gọi là Tiền vào- Income.

Sau đó chuyển tự động mỗi tháng vào 2 tài khoản:

-Chi tiêu cần thiết- Daily Expense (chi trả tiền chợ, siêu thị, tiền điện nước, internet, tiền phí bảo hiểm, tiền xăng xe, tiền học cho con, tiền đi gym, các loại tiền buộc phải chi ra không thể tránh khỏi) - chiếm khoảng 60% thu nhập tùy tình hình gia đình.

-Chi tiêu linh tinh- Splurge (trả tiền ăn nhà hàng, mua đồ ăn vặt, mua đồ mỹ phẩm, game, những món đồ/ dịch vụ không cần thiết lắm nhưng phục vụ cuộc sống tốt đẹp, vui vẻ hơn - khoảng 10% thu nhập.

Mỗi tài khoản có thẻ riêng, khi đi mua đồ hay chuyển khoản, mình chủ động chọn đúng thẻ. Mình dán một miếng giấy nhỏ trên thẻ viết "Daily Expenses" và thẻ kia là "Splurge" để mình nhìn cho rõ chi tiêu cho đúng thẻ.

Bằng cách này mình luôn nhìn thấy được rõ ràng tiền vào là bao nhiêu vì tài khoản này chỉ có tiền vào, các khoản chuyển ra là chuyển tự động, do mình đặt hẹn mỗi tháng. Mình cũng dễ theo dõi tiền ra cho những việc cần thiết và những thứ linh tinh ở mỗi tài khoản là bao nhiêu để dễ cân đối mà không cần quá chi li.
5b0bda1d-0626-4562-b050-163fb5c7eb8b.jfif
Credit: The Barefoot Investor
Đồng thời mình cũng tạo một số tài khoản tiết kiệm như trong sách The Barefoot Investor gợi ý:

-Tiết kiệm dài hạn cho những khoản tốn nhiều tiền như mua xe, sinh con, đi du lịch (Smile) - 10% thu nhập hoặc hơn tùy tình hình gia đình
Ví dụ: Bạn có thể tính ngược ví dụ muốn đi Nhật chơi cả nhà vào tháng XXX cần $XXXX tiền thì mỗi tháng cần ít nhất bao nhiêu bỏ vô tài khoản này để thực hiện được mục đích nhanh hơn, chứ không nhất định luôn là 10%

-Tiết kiệm để giảm nỗi lo tài chính (Fire Extinguisher) - để tiết kiệm tiền đặt cọc mua nhà, hoặc trả nợ, hoặc là để vào tài khoản offset trả cho nhanh hết nợ tiền mua nhà - 20% thu nhập tùy tình hình gia đình

Ngoài ra còn cần có thêm vài thể loại tiền tiết kiệm nữa ở NGÂN HÀNG KHÁC (chủ yếu để bớt bị cám dỗ chuyển qua xài mất)

-Tiết kiệm đề phòng rủi ro lúc thật sự nguy cấp (Mojo) - như bỗng dưng xui mất việc, bệnh tật. Tác giả khuyên cần có ít nhất $2000 trong tài khoản này, bằng cách bán bớt đồ không cần dùng, làm việc airtasker thêm. Sau đó chủ động tăng dần khoản tiết kiệm này lên 2 tháng lương, 3 tháng lương , chỉ sau khi đã vơi bớt gánh nặng tài chính ở tài khoản tiết kiệm Fire Extinguisher.

-Tích lũy tiền hưu bổng và tiền đầu tư để ổn định tài chính lâu dài (Grow) - là khoản tiền super của dân Úc mình mà chủ doanh nghiệp của bạn đã tự chuyển vào . Sau đó là đầu tư vào các thể loại khác, như mua nhà đầu tư, mua cổ phiếu, mua vàng... Chú ý là không nên để hết trứng vào một rổ và nên thường xuyên theo dõi thị trường, nhưng cũng phải cẩn thận đừng ham lợi nhỏ.

Sau đó là mình cần giảm chi phí những dịch vụ ít hoặc hiếm khi sử dụng, xem lại các 𝙨𝙪𝙗𝙨𝙘𝙧𝙞𝙥𝙩𝙞𝙤𝙣 coi có cái gì mình rất ít khi dùng mà vẫn đang bị tính phí hằng tháng không, ví dụ như Netflix, online game, online app, Canva, eBay subscription, Amazon subscription, Audible, .... Cái nào không dùng hay ít dùng thì nên unsubscribe luôn không thì mình quên hoài thì sẽ tốn phí hoài.

Tiếp theo là giảm chi phí các loại bảo hiểm xe, nhà, tiền điện gas. Mỗi khi gần hết hạn là chúng ta buộc phải đi shop các nơi xem có chỗ nào ngon bổ rẻ hơn không, nếu không so sánh giá và trả giá thì chắc chắn là chi phí bảo hiểm năm sau sẽ cao hơn năm trước. Các công ty điện có khi ở vùng này là rẻ nhất nhưng mình qua vùng khác thì công ty đó không rẻ nhất nữa, hoặc sau một thời gian họ lên giá, vậy nên người dùng cứ là phải so sánh hoài...

Tiền điện thoại di động, Internet mình cũng nên chọn loại tiết kiệm, có chi phí hợp lý.
7e887ed4-d0b6-4b3f-b053-62c9126a5bf9.jfif
Gia đình của Trà Hương
Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ bài phỏng vấn.
'Cơm áo gạo tiền' phát thanh hàng tuần vào mỗi tối thứ Ba trên SBS Radio. Tại đây, các chuyên gia về tài chánh, tiền bạc, hưu bổng, thuế vụ, đầu tư, cho vay... sẽ chia sẻ với quý vị phương thức chi tiêu thông minh, cách đầu tư hiệu quả, tư duy đúng đắn về tiền bạc, cũng như những khái niệm căn bản về tiền bạc. Đón nghe và cho chúng tôi biết chủ đề bạn quan tâm bằng cách gửi email về cho SBS: [email protected]

Share