Trong tập tiếp theo của loạt bài 'Hysterical', chúng tôi trò chuyện với những người phụ nữ đã gặp phải sự kỳ thị này tại nơi làm việc và những thay đổi mà họ muốn thấy trên khắp các nơi làm việc của Úc.
"Đến một lúc nào đó, đôi khi bạn chỉ ngồi đó và khóc, và tôi bắt đầu nghi ngờ bản thân mình. Tôi đã chịu như vậy mấy tháng cho đến khi mà việc bị xa lánh trở nên quá sức chịu đựng của tôi."
"Tôi thực sự thất vọng khi thấy tôi mình không thể kiểm soát được cuộc sống của mình. Tôi không thể đánh thức bọn trẻ dậy sớm hơn. Tôi không thể lái xe. Tôi không thể làm bất kỳ điều gì để những việc đó diễn ra nhanh hơn nó lúc này."
Trong tập này của loạt phóng sự tài liệu 'Hysterical' Nực cười', chúng ta sẽ xem xét cách phụ nữ chia sẻ về những trải nghiệm bị lạnh nhạt và phân biệt đối xử ở chổ làm khi nói đến chuyện dung hòa giữa cuộc sống và làm việc trong tình trạng bị những cơn đau mãn tính.
Tập này của loạt phóng sự sẽ tìm hiểu về thỏa thuận làm việc linh hoạt tại nhà như một phương thức để dung hòa việc làm trong tình trạng đau mãn tính.
Số lượng người làm việc tại nhà đã tăng đáng kể từ sau đại dịch COVID.
Dữ liệu từ Nha Thống kê Úc cho thấy khoảng 40% số người làm việc tại nhà trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021; và chỉ dưới 37 phần trăm số người vào năm 2023.
Các chế độ làm việc linh hoạt là lý do chính khiến hầu hết mọi người làm việc tại nhà vào năm 2023.
Tùy theo cơ quan chủ quản, nhưng phần lớn thảo thuận làm việc tại nhà linh hoạt - flexible working arrangements có thể là 4/6 tức nếu là nhân viên toàn thời thì sẽ cần 3 ngày ở công ty và 2 ngày làm việc tại nhà.
Mặc dù làm việc tại nhà ngày càng trở nên bình thường, một số phụ nữ mắc chứng đau mãn tính vẫn gặp phải những gì họ mô tả là sự phân biệt đối xử khi tìm đến thỏa thuận làm việc linh hoạt này để kiểm soát chứng đau mãn tính.
Jasmine, không phải tên thật của cô, mắc nhiều tình trạng tự miễn dịch, đặc biệt là chứng ngủ rũ - narcolepsy- một chứng rối loạn giấc ngủ mãn tính.
Jasmine cho biết chuyện xảy ra vào cuối năm ngoái khi cô còn làm việc trong một chính quyền địa phương ở Queensland, và khi cô nó với trưởng nhóm mới của cô về chứng ngủ rũ của mình thì cô bắt đầu nhận thấy sự thay đổi trong cách đối xử của vị này.
"Rõ ràng là có sự thay đổi tiêu cực đối với tôi từ người lãnh đạo nhóm sau khi tôi tiết lộ tình trạng của mình và họ có cảm giác không vui về việc tôi có thể làm việc tại nhà. Tôi đã trụ được vài tháng trước khi việc bị lạnh nhạt bị bỏ lơ trở nên quá sức chịu đựng. Có những thứ như là bị bỏ lơ tên ra khỏi các email, các cuộc họp, hay đề xuất, bỏ qua thông tin quan trọng hay có những thay đổi gì thì cũng không thông báo cho tôi. Tôi gọi điện thoại thì không được bắt máy hay trả lời và sau một thời gian, điều đó trở nên quá sức chịu đựng."
Cách đối xử này khiến Jasmine cảm thấy mình bị loại ra ngoài dù cô có nhiều năm cống hiến cho công việc, thường được khen thưởng cho công việc chăm chỉ của mình bằng cách được thăng chức và có cơ hội mới trên khắp các cơ quan chính phủ.
"Đến một lúc nào đó, đôi khi bạn chỉ ngồi đó và khóc. Và tôi bắt đầu nghi ngờ bản thân mình, điều này dẫn đến những sai lầm nhỏ vì tôi đã kiểm tra lại ba lần mọi thứ mình đang làm bởi vì tôi không chắc chắn chính xác họ muốn gì, họ đã thay đổi điều gì và tôi có thể làm gì. Nhưng mọi chuyện vẫn diễn tiến ra như vậy. Tôi bắt đầu trở nên thực sự nhạy cảm về mọi thứ nhỏ nhặt và không muốn trở thành người cay đắng và tức giận chỉ vì một người nào đó loại trừ tôi hoặc khiến tôi cảm thấy rằng đóng góp của mình không quan trọng."
Trải nghiệm này đã buộc Jasmine phải nghỉ việc và tìm một công việc mới tại một cơ quan chính phủ khác, sau khi nói rằng mối quan tâm của cô đã bị bỏ qua - mặc dù đã cố gắng nhiều lần trò chuyện để nêu vấn đề với trưởng nhóm của cô về cách họ có thể giao tiếp tốt hơn.
"Tôi đã không báo cáo việc cư xử này lên cấp trên. Tôi không muốn tiết lộ với toàn bộ tổ chức và bị giám sát chặt chẽ hơn về năng lực của mình hoặc ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc của tôi. Vì vậy, cơn đau là vô hình. Bạn đã quá quen với việc được bảo rằng nó chỉ nằm trong đầu bạn và rằng nó không có thật, khiến bạn sợ hãi và lo lắng. Và tôi không muốn bản thân mình có nguy cơ bị phân biệt đối xử nhiều hơn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cuối cùng, việc rời khỏi tổ chức là quyết định đúng đắn đối với tôi."
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Melbourne và Western Sydney đang thực hiện một báo cáo mới xem xét mối quan hệ giữa làm việc tại nhà và sự tiến triển của các mối quan hệ gia đình và xã hội cũng như hạnh phúc. Jasmine đã tham giao vào nghiên cứu này với tư cách là người được khảo sát.
Elisabetta Crovara là nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Đại học Melbourne và là đồng tác giả của một bản đệ trình do các nhà nghiên cứu gửi đến ban điều tra của Victoria về vấn đề về những chứng đau đớn của phụ nữ - Victorian women's pain inquiry.
Quá trình nghiên cứu này, bao gồm việc khảo sát 500 người trên khắp nước Úc, bà Crovara cho biết họ đã tình cờ phát hiện ra một bất ngờ, khiến họ phải gửi bản đệ trình đến cuộc điều tra vềchứng đau đớn của phụ nữ.
"Mặc dù cuộc khảo sát không nhằm mục đích lắng nghe ý kiến của những người lao động đang phải sống chung với chứng đau mãn tính, nhưng khá nhiều người trả lời cho biết làm việc tại nhà rất quan trọng để kiểm soát tình trạng sức khỏe mãn tính của họ. Tất cả những người này được đánh dấu là phụ nữ trong cuộc khảo sát. Vì vậy, từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2024, chúng tôi đã phỏng vấn tám người phụ nữ trong số này. Và những gì xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn là lịch sử lâu dài về định kiến giới tính trong y khoa, chẩn đoán sai và bị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe bỏ qua cơn đau, điều này đã có những ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp và trải nghiệm của họ tại nơi làm việc."
Sau khi phỏng vấn 8 trong số 12 phụ nữ và được hị cho biết họ làm việc tại nhà để có thể dung hòa giữa công việc và chứng đau mãn tính, bà Crovara chia sẻ rằng những người trả lời phỏng vấn tiết lộ cho thấy họ đã trải qua tình trạng phân biệt đối xử và kỳ thị.
Bà nói rằng một số phụ nữ mô tả rằng họ bị bỏ qua các cơ hội nghề nghiệp, bị loại khỏi các quy trình ra quyết định quan trọng và thậm chí bị chèn ép chỉ vì thu xếp làm việc tại nhà theo chế độ làm việc linh hoạt.
Bà Crovara nói nhiều phụ nữ đã không tiết lộ tình trạng của mình với phòng nhân sự vì sợ bị phân biệt đối xử.
"Những gì cho thấy từ các cuộc phỏng vấn này là làm việc tại nhà vẫn là một ngoại lệ. Nó không được bình thường hóa tại nơi làm việc và trong các tổ chức. Và vì lý do đó, một số phụ nữ mà chúng tôi đã nói chuyện đã trải qua sự kỳ thị khi thực hiện chế độ làm việc tại nhà linh hoạt, mặc dù làm việc tại nhà đối với họ là hoàn toàn cần thiết để kiểm soát tình trạng đau mãn tính của mình."
Ít nhất 3 triệu người Úc đang phải sống chung với chứng đau mãn tính, theo ước tính năm 2018 từ báo cáo của Deloitte và Painaustralia về chi phí điều trị chứng đau ở Úc.
Hơn một nửa số người phải chịu đựng là phụ nữ (53,8%)và 68,3% đang trong độ tuổi lao động.
Báo cáo năm 2024 về Chronic Pain Australia, khảo sát những người từ 18 tuổi trở lên, phát hiện ra rằng 3,6 triệu người Úc đang phải sống với chứng đau mãn tính.
Fiona Hodson, phó chủ tịch của Chronic Pain Australia, cho biết tình trạng đau mãn tính thường không được báo cáo đầy đủ vì nó bao gồm nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau.
Là một y tá lâm sàng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị chứng đau mãn tính, bà cho biết những người mắc các bệnh mãn tính chắc chắn đã từng gặp phải sự kỳ thị và sự hoài nghi tại nơi làm việc của họ.
Bà cho biết điều này đúng với cả nam và nữ, cũng như trong cộng đồng LGBTIQ+.
"Vấn đề lớn nhất liên tục xuất hiện là sự kỳ thị và cảm giác không được đồng nghiệp tin tưởng. Họ phải nghỉ làm nhiều ngày vì chứng đau mãn tính, và cảm thấy là mọi người không thực sự hiểu họ. Cũng có một số điểm tích cực. Một số nơi làm việc đã đưa ra một số nhượng bộ về phương thức làm việc cho mọi người. Nhưng một lần nữa, như trong báo cáo nói, chúng tôi thấy rằng rất nhiều người thực sự phải giảm giờ làm việc vì chứng đau mãn tính của họ khiến họ không thể làm việc hết năng suất."
Báo cáo năm 2024 của Chronic Pain Australia phát hiện ra rằng gần một nửa số phụ nữ được khảo sát tiết lộ về sự kỳ thị từ các chuyên gia y tế liên quan đến chứng đau mãn tính của họ và phụ nữ và những người giới tính thứ ba phải đối mặt với sự chậm trễ trong chẩn đoán thậm chí còn lâu hơn, với gần một nửa số phụ nữ và gần 60% những người giới tính thứ ba phải chờ hơn ba năm.
Điều này phù hợp với bằng chứng về sự thiên vị về sức khỏe từ cuộc điều tra của Victoria về chứng đau của phụ nữ, cũng như cuộc khảo sát End Gender Bias của liên bang, sẽ được trình bày trong tập 2 của 'Hysterical' Nực Cười.
Một trong năm người bị đau mãn tính cho biết họ đã trải qua sự kỳ thị từ người sử dụng lao động hoặc đồng nghiệp, trong khi gần một nửa (44,9%)số người được khảo sát đã phải ngừng làm việc vì cơn đau và gần 30 phần trăm (27,7%) đã phải hạn chế giờ làm việc.
Báo cáo không nêu rõ liệu phụ nữ và những người có giới tính đa dạng có gặp phải sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc nhiều hơn nam giới do chứng đau mãn tính hay không, nhưng bà Hodson cho biết điều quan trọng là phải xem xét mức độ phân biệt cao hơn mà phụ nữ và cộng đồng LGBTIQ+ gặp phải trong hệ thống y tế.
"Câu hỏi của bạn về việc phụ nữ có trải qua điều này nhiều hơn không? Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi thì có, có một số ghi nhận cho thấy không ít người cần nhiều thời gian nghỉ hơn để chăm sóc con cái. Nhìn chung, phụ nữ thường sẽ nghỉ làm nếu con họ bị bệnh, nhưng tôi không thể định lượng chính xác điều đó. Điều tôi muốn nói rằng chỉ với những rào cản khác và sự kỳ thị; và cách phụ nữ cảm thấy rằng họ đang bị bỏ rơi và đối xử... thì cũng dễ hiểu nếu điều đó xảy ra ở nơi làm việc."
Bà Hodson cho biết vì cũng khó để nhận được phân loại khuyết tật cho nhiều tình trạng đau mãn tính thông qua Chương trình Bảo hiểm Khuyết tật Quốc gia, nên người lao động không nhận được sự bảo vệ pháp lý đầy đủ và chế độ làm việc linh hoạt.
"Tôi nghĩ nếu cộng đồng được giáo dục đủ và hiểu biết đủ để nhận ra rằng đây cũng giống như một dạng khuyết tật đối với nhiều người; và cần sự linh hoạt khi đưa ra các tiêu chí để có thể hỗ trợ cho tất cả mọi người."
Lily, là một phụ nữ khác không tiết lộ tên thật cho biết cơn đau mãn tính của cô bắt nguồn từ một khuyết tật thể chất được gọi là tăng trương lực hypertonia, cũng như hội chứng tăng động tổng quát, có nghĩa là cô không thể lái xe.
Nhưng cô nói rằng mặc dù ban quản lý và các đồng nghiệp cấp cao biết về tình trạng của mình, cô vẫn gặp phải sự phản đối đối với các thỏa thuận làm việc linh hoạt do chứng đau mãn tính của mình.
"Tôi từng có một người quản lý rất hay khó chịu với tôi vì tôi không thể đến văn phòng trước 9 giờ 30. Cuối cùng, cô ấy rất khó chịu ra mặt luôn.... Cho đến khi tôi phải tra Google Maps và in ra thời gian lúc mấy giờ tôi có thể đến đâu, đến đâu trên phương tiện giao thông nào và thực tế hành trình của tôi trông như thế nào cho cô ấy xem. Và cô vui hơn khi tôi làm việc tại nhà mà không đến văn phòng trễ. Kiểu như là tôi không có cách nào có thể đi làm đúng giờ vậy. Nhưng thực sự phải nói là rất khó để giải thích tình trạng của mình trước khi nó trở thành một vấn đề, bởi vì cho tới thời điểm đó cô ấy nghĩ rằng tôi thiếu chuyên nghiệp."
Cuối cùng, người quản lý đã trở nên hợp lý hơn với việc điều chỉnh chế độ làm việc linh hoạt tại nhà cho Lily, nhưng Lily nói rằng cô ấy cảm thấy rất tổn thương vì phải trưng bày nỗ lực của mình để chứng minh rằng mình đang nói thật
"Tôi thực sự thất vọng khi thấy tôi mình không thể kiểm soát được cuộc sống của mình. Tôi không thể đánh thức bọn trẻ dậy sớm hơn. Tôi không thể lái xe. Tôi không thể làm bất kỳ điều gì để những việc đó diễn ra nhanh hơn nó lúc này, như thể tôi thiếu chuyên nghiệp và chẳng màng gì. Tôi muốn nói là tôi có hai bằng thạc sĩ, tôi không phải là người không đầu tư vào sự nghiệp của mình. Và tôi thấy ở các doanh nghiệp nhỏ thì đây là vấn đề lớn vì họ không nhất thiết phải có kiến thức về nguồn nhân lực."
Cô hiện đang làm quản lý dự án tại một công ty lớn với yêu cầu báo cáo về sự tham gia của nhân viên nữ và người khuyết tật.
Lily cho biết nhóm nhân sự cũng chủ yếu là phụ nữ, nhiều người trong số họ làm việc tại nhà và là mẹ của những đứa con nhỏ.
Cô tin rằng văn hóa làm việc linh hoạt này là văn hóa nên được áp dụng ở mọi nơi làm việc.
"Bằng cách không xem xét những người bị đau mãn tính, không chủ động làm điều đó, mà cứng nhắc trong điều hành,rằng giờ làm việc là từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều và 40 giờ (một tuần) thì bạn thực sự đang làm giảm nhóm người mà bạn có thể coi là nhân viên ngay từ đầu và bạn đang mất đi những người có khả năng. Những điển hình đa dạng và hòa nhập trong các doanh nghiệp khá rõ ràng. Nó không phải là cái gì mới mẻ, vì vậy các tổ chức đang suy nghĩ theo cách cũ sẽ không có được những người giỏi nhất. Không chỉ gây bất lợi cho Úc vì những người có năng lực đang bị kìm hãm, mà còn gây bất lợi cho các doanh nghiệp. Chúng ta vẫn luôn nghe nói rằng có tình trạng thiếu hụt kỹ năng."
Bà Crovara nói mặc dù những người phụ nữ này lưu ý rằng việc làm việc tại nhà đã trở nên bình thường hơn sau đại dịch COVID, bà cho biết vẫn còn những chính sách không đầy đủ để ngăn chặn sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người áp dụng các chế độ làm việc linh hoạt để giúp dung hòa với cơn đau mãn tính.
"Một số phụ nữ mà chúng tôi đã nói chuyện cho biết rằng trước khi có COVID-19, thực sự rất khó để có được chế độ làm việc linh hoạt. Họ phải đến văn phòng, và họ mô tả những trải nghiệm đó là mệt mỏi. Họ phải tự xoay xở vượt qua cơn đau. Hiện tại vẫn chưa có chính sách hoặc luật nào thực sự rõ ràng về việc làm việc tại nhà. Vì vậy, quyết định về chế độ làm việc linh hoạt tại nhà hoàn toàn nằm trong tay của tổ chức, của một tổ chức duy nhất. Tôi có thể nói rằng làm việc linh hoạt và làm việc tại nhà vẫn được coi là ngoại lệ hoặc là phần thưởng cho người lao động."
Một phát ngôn viên của chính phủ từ Bộ Lao động và Quan hệ Nơi làm việc liên bang Department of Employment and Workplace Relations cho biết trong phản hồi với SBS rằng sửa đổi Việc làm An toàn, Lương tốt hơn của Chính quyền Albanese đối với Đạo luật Công bằng Lao động, cung cấp cho những nhân viên đủ điều kiện quyền thực thi để yêu cầu sắp xếp công việc linh hoạt và cũng đưa bình đẳng giới trở thành mục tiêu của Đạo luật.
Người phát ngôn cho biết Ủy ban Công bằng Lao động cũng đang xem xét một thuật ngữ 'làm việc tại nhà' trong Giải thưởng Nhân viên, bao gồm những nhân viên chủ yếu thực hiện công việc văn thư và hành chính và người sử dụng lao động của họ trong khu vực tư nhân.