Từ Vatican: Bên trong quá trình chọn người lãnh đạo Giáo hội Công giáo toàn cầu

Cardinals leave at the end of a Mass on the eighth of nine days of mourning for Pope Francis (AAP)

Cardinals leave at the end of a Mass on the eighth of nine days of mourning for Pope Francis (AAP) Source: AAP / Alessandra Tarantino/AP

Các hồng y nhóm họp tại Vatican trước thềm Mật nghị vào ngày 7 tháng 5, khi họ sẽ bắt đầu bỏ phiếu để chọn người kế nhiệm Đức Giáo hoàng Phanxicô. Việc chuẩn bị cho truyền thống kéo dài hàng thế kỷ này đang được tiến hành, sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời vào ngày 21 tháng 4 ở tuổi 88.


Ngày 7 tháng 5 đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Giáo hội Công giáo: Vatican chính thức bước vào truyền thống mật nghị hồng y để chọn người kế vị Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nhà nguyện Sistine, nơi diễn ra nghi thức thiêng liêng này, một lần nữa đóng vai trò trung tâm trong cuộc bầu chọn có thể định hình đường hướng của giáo hội toàn cầu trong nhiều thập niên tới.
LISTEN TO
vietnamese_CONCLAVE EXPLAINER_0705.mp3 image

Từ Vatican: Bên trong quá trình chọn người lãnh đạo Giáo hội Công giáo toàn cầu

SBS Vietnamese

08:40

Mật nghị – truyền thống kéo dài hàng thế kỷ

Trong suốt lịch sử 2000 năm, Giáo hội Công giáo đã có 266 vị giáo hoàng. Mỗi khi vị Giáo hoàng đương nhiệm qua đời hoặc thoái vị, các Hồng y trên khắp thế giới sẽ được triệu tập về Vatican để tham gia một nghi thức được tổ chức chặt chẽ và mang tính biểu tượng cao: mật nghị (conclave).

Từ "conclave" xuất phát từ tiếng Latin cum clave – nghĩa là “khoá kín”, ám chỉ sự cô lập tuyệt đối của các Hồng y trong quá trình bầu chọn để tránh ảnh hưởng từ bên ngoài.

Tiến sĩ Joel Hodge, giảng viên thâm niên tại Khoa Thần học và Triết học, Đại học Công giáo Úc, giải thích:

“Các Hồng y cử tri sẽ là những người hợp lệ để tham gia mật nghị hồng y. Hiện tại, trong các cuộc họp chung, bất kỳ Hồng y nào cũng có thể tham dự và đóng góp ý kiến, nhưng chỉ những người dưới 80 tuổi mới có quyền bầu chọn Giáo hoàng tiếp theo và tham gia trực tiếp vào mật nghị.”

Hiện có 133 Hồng y đủ điều kiện tham gia bầu chọn. Quá trình bỏ phiếu có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần, thậm chí lâu hơn nếu chưa đạt được sự đồng thuận.

“Vùng bong bóng mật nghị” – tổ chức hỗ trợ hậu cần tỉ mỉ

Trisha Thomas, phóng viên thường trú tại Vatican của hãng tin AP, cho biết: “Vatican tổ chức một buổi lễ tuyên thệ dành cho những người sẽ làm việc bên trong 'vùng bong bóng mật nghị' hỗ trợ 133 Hồng y tham gia bầu chọn Giáo hoàng mới.”

Những người này không chỉ là kỹ thuật viên điều chỉnh hệ thống thông gió hay ánh sáng, mà còn là người chịu trách nhiệm hỗ trợ việc đốt phiếu bầu để tạo ra khói đen hoặc khói trắng – những tín hiệu quan trọng báo hiệu cho toàn thế giới biết kết quả bỏ phiếu. Khói đen đồng nghĩa với việc chưa chọn được Giáo hoàng mới; trong khi khói trắng, thường là thời điểm hồi hộp và đầy xúc động, báo hiệu một vị tân Giáo hoàng đã được chọn.

Ngoài ra, còn có đội ngũ tài xế, nhân viên y tế, đầu bếp, người phục vụ, nhân viên thang máy – tất cả đều phải ở lại trong khu vực Vatican, chủ yếu tại khu cư trú Santa Marta. Tất cả những người này đều phải tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối và không được mang theo thiết bị ghi âm hay liên lạc.

“Giờ họ phải tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối và không được sử dụng bất kỳ thiết bị ghi âm hay ghi hình nào – nếu vi phạm, họ sẽ bị rút phép ngay lập tức.”

Quy trình bỏ phiếu – vừa trang nghiêm vừa linh thiêng

Khi các Hồng y bước vào Nhà nguyện Sistine, họ sẽ viết tên ứng viên mình lựa chọn lên một phiếu trắng. Sau đó, các quan chức được chỉ định sẽ tiến hành kiểm đếm phiếu.
Ngày đầu tiên sẽ có một vòng bỏ phiếu duy nhất, các ngày tiếp theo có thể có đến bốn vòng mỗi ngày. Sau ba ngày không có kết quả, các Hồng y sẽ tạm ngừng để cầu nguyện và đối thoại, trước khi tiếp tục bỏ phiếu.
Tiến sĩ Joel Hodge
Một trong những di sản nổi bật của Đức Giáo hoàng Phanxicô là nỗ lực toàn cầu hóa thành phần Hồng y.

“Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Hồng y từ các quốc gia trước đây chưa từng có, chẳng hạn như Đông Timor, giờ đây có Hồng y đầu tiên. Tỷ lệ đại diện từ Châu Á và Châu Phi đã tăng lên tương đối,” Tiến sĩ Hodge nhận định.

Đáng chú ý, Hồng y trẻ tuổi nhất tại Úc – Mykola Bychok, 45 tuổi – là người gốc Ukraine hiện sống tại Melbourne. Việc ông được bổ nhiệm được cho là một dấu hiệu ủng hộ Ukraine trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và chiến tranh đang tiếp diễn tại quốc gia này.

Ảnh hưởng vượt ra ngoài tôn giáo

Với vai trò lãnh đạo của hơn 1,3 tỷ tín hữu Công giáo toàn cầu, Giáo hoàng không chỉ là nhà lãnh đạo tinh thần mà còn có tiếng nói trong các vấn đề xã hội, môi trường và nhân đạo trên thế giới. Lịch sử Giáo hội từng chứng kiến sự can thiệp của các thế lực chính trị trong việc lựa chọn Giáo hoàng.

Tiến sĩ Hodge bình luận: “Trong quá khứ, việc bầu giáo hoàng luôn mang tính chính trị và vẫn có ảnh hưởng lớn, đặc biệt ở Châu Âu. Mật nghị hồng y được thiết kế để ngăn chặn các tác động bên ngoài như vậy.”

Tuy nhiên, hiện nay, các Hồng y đang hướng đến tinh thần “đồng hành hiệp hành” – một thuật ngữ mô tả sự cùng nhau bước đi trong đức tin, thay vì đấu đá quyền lực.

Hồng y Tarcisius Isao Kikuchi nói: “Những gì chúng ta đang làm với tinh thần hiệp hành – hiệp hành bây giờ là điều bắt buộc – mọi người đều đi theo con đường đó, nên hiện không còn chỗ cho chính trị.”
Người dân Úc nói chung rất mong đợi, vì đây là người lãnh đạo giáo hội, nhà lãnh đạo tinh thần, người điều hành giáo hội luôn là một vai trò mang tính biểu tượng rất quan trọng với người Công giáo.
Tiến sĩ Joel Hodge

Lắng nghe Thánh Thần – niềm tin và hy vọng

Trong những ngày đầu tiên của mật nghị, các Hồng y đã thể hiện niềm tin sâu sắc vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Dù các cuộc bỏ phiếu vẫn đang diễn ra trong bí mật, một số cái tên đã nổi lên như ứng viên sáng giá. Trong đó có Hồng y người Ý Pietro Parolin – Quốc vụ khanh Tòa thánh, và Hồng y Luis Antonio Tagle người Philippines – người được đánh giá là có phong cách gần gũi, lôi cuốn, tiếp nối được tinh thần cải cách và gần dân của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Tiến sĩ Hodge nhận định: “Hồng y Tagle là người có thể tiếp nối tầm nhìn, năng lượng và phong cách lôi cuốn của Đức Giáo hoàng Phanxicô.” Ông cũng nêu thêm một số ứng viên tiềm năng khác như Hồng y Turkson (Châu Phi) và Hồng y Ebola (người Ý sống tại Jerusalem).

Tại khắp các tu viện, nhà thờ và cộng đồng Công giáo trên thế giới, lời cầu nguyện đang được dâng lên để mong các Hồng y đưa ra một quyết định sáng suốt. Sơ Mary Barron, chủ tịch tổ chức liên hiệp các bề trên nữ tu, nhắn gửi:

“Tôi nghĩ rằng vào lúc này, trong giáo hội và thế giới, có rất nhiều cơ hội để đời sống thánh hiến tạo ra sự khác biệt... Nếu chúng ta sống niềm vui được gọi để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa thế giới, thì chúng ta có thể đem đến hy vọng trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn mà thế giới của chúng ta đang trải qua lúc này.”

Share