Pauline Nguyễn đến Úc vào năm 1978, khi cô mới 4 tuổi.
Cô đã trải qua tuổi thơ đầy khó khăn, 7 tuổi bắt đầu làm việc trong nhà hàng và tiệm cho thuê băng đĩa của gia đình. Ba của cô mở tiệm cho thuê băng đĩa, nhà hàng, điều hành trường dạy lái xe... khi gia đình cô đến tị nạn ở Úc. Vừa làm việc cho gia đình nhưng cô cũng phải đạt điểm số tốt ở trường.
Lịch sử gia đình và những tâm sự riêng về cuộc đời cô được viết lại trong cuốn truyện 'The Secrets of The Red Lantern' (‘Bí mật Lồng đèn đỏ’).
Cuốn sách đầu tay của Pauline đã trở thành tác phẩm bán chạy trên thế giới và mở ra nhiều cơ hội cho cô sau này như trở thành nhà văn, nhà diễn thuyết, nghệ sĩ… bên cạnh làm chủ nhà hàng.
Kim Anh: "Tại sao Pauline lại muốn viết truyện ‘The Secrets of The Red Lantern’ (‘Bí mật Lồng đèn Đỏ’)?”
Pauline Nguyễn: "Tôi muốn viết cuốn truyện này cho con gái của tôi, Mia, để bé biết được tôi đến từ đâu và tại sao tôi lại đến Úc, để bé hiểu được tại sao mẹ bé trở thành người như hiện nay. Tôi muốn khi bé biết đọc, bé có thể hiểu được một phần nào đó lịch sử của mình."
Kim Anh: "Cuốn sách này ảnh hưởng nhiều đến Pauline hay không?"
Pauline Nguyễn: "Chắc chắn rồi. Tất cả những cơ hội đã đến từ cuốn sách này: đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người, những điều này xảy ra hoàn toàn bất ngờ. Nó đã thay đổi cuộc đời tôi theo nhiều hướng khác nhau và mở ra nhiều cánh cửa cho tôi."
Kim Anh: "Pauline có gặp khó khăn khi viết truyện hay không?"
Pauline Nguyễn: "Có chứ vì phải trải qua nhiều thứ. Tôi phải viết lại những điều kinh khủng đã trải qua trong thời gian trưởng thành. Tôi phải nhớ lại rất nhiều chuyện. Không có gì để giữ lại, cuốn sách khá là nặng nề về lịch sử của gia đình. Không có nhiều người cảm thấy thoải mái khi đọc lại những chuyện mình viết như thế nhưng tôi thì ổn vì tôi viết cho con gái của mình."
"Tôi nghĩ khái niệm bản sắc là điều gì đó độc nhất vô nhị đối với mỗi cá nhân, không cần phải tập trung vào quốc tịch của người đó."
Kim Anh: "Gia đình của Pauline đã phản ứng thế nào khi cuốn sách được xuất bản?"
Pauline Nguyễn: "Ba của tôi rất can đảm. Cuốn sách được phát hành rộng rãi với nhiều câu chuyện cá nhân nhưng ông nói rằng mọi chuyện xảy ra đúng nơi và đúng thời điểm. Ông hiểu rằng cuốn sách ra đời vì một mục đích lớn hơn và cuối cùng ông chấp nhận nó. Ông rất can đảm về điều này."
Kim Anh: "Pauline nghĩ gì về bản sắc Úc-Việt của mình?"
Pauline Nguyễn: "Tôi không thật sự hiểu lắm mỗi khi tôi được hỏi về vấn đề này. Tôi không nghĩ rằng mọi người cần phải tập trung nhiều về khái niệm bản sắc là gì. Tôi không quan tâm đến việc mình chỉ là người Việt Nam hay người Úc. Tôi chỉ nghĩ mình là Pauline Nguyễn, là một con người chịu sự tác động của nhiều chuyện xảy ra trong quá khứ, trong cuộc sống và tương lai."
"Tôi tự hào rằng mình đến từ đâu, tại sao mình đến đây và mình là người Úc. Nhưng tôi phải công nhận về cuộc hành trình đầy gian khổ để trở thành Pauline Nguyễn ngày nay. Và tôi nghĩ khái niệm bản sắc là điều gì đó độc nhất vô nhị đối với mỗi cá nhân, không cần phải tập trung vào quốc tịch của người đó."
Kim Anh: "Vậy Pauline có phải đối mặt với bất kỳ thách thức nào về vấn đề bản sắc trong giai đoạn thanh thiếu niên không?"
Pauline Nguyễn: "Tôi không thể nói rằng tôi có cảm thấy mơ hồ về nguồn gốc Úc Việt của mình khi tôi lớn lên hay không vì cuộc sống ở nhà quá khó khăn, sự mơ hồ, giận dữ và tổn thương do bạo hành gia đình gây ra, tôi quá bận rộn để đối phó với những vấn đề ở nhà nên đã không thắc mắc hay đặt câu hỏi về nguồn gốc của mình. Tôi chỉ thắc mắc là tại sao tôi lại bị đối xử như thế ở nhà. Vấn đề nguồn gốc, là người Việt ở Úc, đối với tôi lúc đó không phải là vấn đề lớn so với chuyện làm thế nào để tồn tại, để không bị đánh."
"Tôi không dạy các con phân biệt rõ ràng là người Việt hay Úc, tất cả chúng ta là một. Chúng ta là người Úc, người Việt, chúng ta là con người."
Kim Anh: "Thế Pauline có bao giờ hỏi ba tại sao mình lại bị đối xử như thế không?"
Pauline Nguyễn: "Có chứ. Và tất cả những điều đó cũng được kể lại trong cuốn sách 'The Secret of The Red Lantern'. Tại sao tôi lại bị đối xử như vậy, tại sao ba lúc nào cũng giận dữ như vậy. Khi tôi viết sách, tôi nhận ra câu trả lời. Ba tôi đã làm tốt nhất mọi thứ có thể với những công cụ có sẵn. Khi tôi tìm tòi về tính cách và quá khứ của ông, tôi nhận ra rằng ông cũng giống như rất nhiều người đã trải qua chiến tranh, bị mắc chứng Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD), nhất là trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, không có nhiều sự hỗ trợ và tư vấn về tâm lý như bây giờ. Tôi đã tìm ra câu trả lời như vậy."
Kim Anh: "Chị đã có 2 đứa con. Chị có nói với các bé về bản sắc văn hóa Việt hay không?"
Pauline Nguyễn: "Có chứ. Tôi nói với các con rằng chúng ta là những người rất đáng tự hào. Gần đây tôi có trở về Việt Nam vài lần. Tôi có nói với các con về lịch sử, ẩm thực, các con có 2 nền văn hóa, ba là người Úc, chúng ta là người Việt. Tôi không dạy các con phân biệt rõ ràng là Việt hay Úc, tất cả chúng ta là một. Chúng ta là người Úc, người Việt, chúng ta là con người."
Kim Anh: "Chị hiện là chủ hai nhà hàng, là nhà văn, nghệ sĩ, nhà diễn thuyết... Chị làm được rất nhiều việc. Vậy có chuyện gì mà chị không thể làm được không?"
Pauline Nguyễn: "Tôi không thể làm được những việc mà tôi không thích làm. Bất cứ chuyện gì cũng đều có thể thực hiện nếu bạn đủ khao khát đề thực hiện nó. Điều quan trọng là khi dạy con cái, chúng ta nên thừa nhận những điểm yếu của mình nhưng đừng tập trung vào nó mà để ý đến những điểm mạnh của mình."
Kim Anh: "Chị có rất nhiều việc để làm, vậy 24 giờ một ngày có đủ cho chị để làm tất cả mọi việc chị muốn hay không?"
Pauline Nguyễn: "Đối với tôi, vấn đề không phải là quản lý thời gian mà là quản lý năng lực của mình, năng lực giúp tôi tập trung vào những việc khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, năng lực từ những người xung quanh - những người lấy và cho năng lực theo cách thức tuyệt vời. Với tôi, vấn đề không nằm ở chuyện tôi có bao nhiêu thời gian mà là chất và lượng của năng lực trong cuộc sống của tôi."
"Tôi hướng đến sự hài hòa và cân đối trong công việc mỗi ngày, công việc cũng là cuộc sống và cuộc sống cũng là công việc. Vâng, chúng ta rất bận rộn nhưng bận rộn để làm những việc khiến chúng ta hạnh phúc."
Kim Anh: "Làm thế nào để chị cân bằng giữa công việc, hoạt động xã hội và cuộc sống gia đình?"
Pauline Nguyễn: "Dễ thôi (cười). Tôi không nghĩ là mình nên hướng đến từ 'cân bằng' bởi vì nếu ta luôn nghĩ về nó, ta sẽ luôn cảm thấy thất vọng. Mọi người thường hay nói đến cân bằng công việc và cuộc sống. Thay vào đó, tôi hướng đến sự hài hòa và cân đối trong công việc mỗi ngày, công việc cũng là cuộc sống và cuộc sống cũng là công việc. Vâng, chúng ta rất bận rộn nhưng bận rộn để làm những việc khiến chúng ta hạnh phúc."
Kim Anh: "Đâu là thay đổi lớn nhất đối với Pauline cho đến lúc này?"
Pauline Nguyễn: "Tôi luôn thay đổi. Có lẽ thay đổi lớn nhất với tôi là quyết định bỏ nhà đi năm 17 tuổi. Một thay đổi lớn khác là khi tôi viết cuốn sách 'The Secrets of The Red Lantern' đã mở ra rất nhiều cơ hội cho tôi, rồi mở nhà hàng Red Lantern, trở thành nhà diễn thuyết, có dịp nói chuyện với nhiều người và ảnh hưởng đến họ trong thời gian ngắn. Có quá nhiều thay đổi đến mức tôi không biết thay đổi nào là lớn nhất."
Kim Anh: "Chị có kế hoạch gì cho cuốn sách tiếp theo không?"
Pauline Nguyễn: "Có chứ. Cuốn sách mới là về những trải nghiệm khi là một doanh nhân. Tôi đã viết được phân nửa. Cuốn sách này viết về sự thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình và sự đáp đền mà ta có thể làm được càng nhiều càng tốt. Nó rất khác với cuốn sách đầu tiên. Cuốn sách mới nói về cuộc hành trình của tôi cho đến lúc này và niềm đam mê của tôi hiện nay.
Kim Anh: "Chị là chủ nhà hàng, vậy chị có thích ẩm thực và nấu ăn không?"
Pauline Nguyễn: "Có chứ"
Kim Anh: "Vậy chị có nghĩ mình là một đầu bếp giỏi hay không, so với em trai Luke Nguyễn rất nổi tiếng của chị?"
Pauline Nguyễn: "Luke Nguyễn nấu ăn giỏi hơn tôi rất nhiều. Chồng tôi cũng nấu ăn. Tôi là người thưởng thức chuyên nghiệp (cười)."
"Vấn đề sẽ mãi là vấn đề nếu ta dán nhãn cho nó là vấn đề, nhưng nếu ta xem bất cứ vấn đề nào cũng là công việc, dự án hay cơ hội thì ta sẽ được đền đáp xứng đáng. Và khả năng của con người là vô hạn."
Kim Anh: "Pauline có nghĩ là có sự mâu thuẫn giữa các hoạt động nghệ thuật và kinh doanh của chị không?"
Pauline Nguyễn: "Không hề có sự mâu thuẫn nào mà chỉ có sự hài hòa cân đối. Tôi là ai, tôi có thể làm được việc gì. Tôi là doanh nhân, nhà văn, nghệ sĩ, nhà diễn thuyết... tôi có thể nhìn thấy tất cả mọi khía cạnh tốt đẹp của sự hài hòa cân đối trong công việc. Tôi còn có ý định làm thêm nhiều việc có thể làm và tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng đến cho nhiều người."
"Những từ như 'mâu thuẫn', 'thách thức', 'khó khăn' đều là những dự án. Vấn đề sẽ mãi là vấn đề nếu ta dán nhãn cho nó là vấn đề, nhưng nếu ta xem bất cứ vấn đề nào cũng là công việc, dự án hay cơ hội thì ta sẽ được đền đáp xứng đáng. Và khả năng của con người là vô hạn."
Kim Anh: "Có thể tưởng tượng Pauline là một phụ nữ tràn đầy năng lượng?"
Pauline Nguyễn: "Tất cả đều là về năng lực, phá vỡ những tiêu chuẩn truyền thống, xã hội và văn hóa để tìm con đường ngắn hơn, tốt hơn để khai thác những tiềm năng của con người và đóng góp trở lại cho xã hội, giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, tìm kiếm những điều khiến chúng ta hưởng thụ cuộc sống, và vui hưởng những giá trị của cuộc sống càng nhiều càng tốt, hưởng thụ từng khoảnh khắc và hài lòng với tất cả những gì bạn làm."