Túi mật là một túi nhỏ dài khoảng 10 cm, nằm sát dưới gan, ở vùng bụng bên phải.
Chức năng của túi mật là dự trữ mật do gan sản xuất ra. Khi không có thức ăn vào cơ thể, mật được giữ trong túi. Khoảng 5-10 phút trước khi ăn, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật vào ống mật chủ, từ đó đổ vào tá tràng và xuống ruột non để giúp tiêu hóa thức ăn, nhất là chất béo.
Thông thường, mật là chất lỏng, nhưng nó có thể cô đặc lại và tạo thành sỏi mật.
Sỏi mật có kích thước sỏi từ vài mm đến vài cm, số lượng có thể lên đến hàng trăm. Khoảng 80% sỏi mật là sỏi cholesterol, còn lại là sỏi sắc tố.
Nguyên nhân gây sỏi túi mật
Nguyên nhân thường là do sự chuyển hoá, khi trong dịch mật có nồng độ cholesterol quá dư.
Ai có nguy cơ cao?
Người có nhiều nguy cơ bị sỏi mật thường là phụ nữ, trên 40 tuổi, thừa cân hoặc béo phì, đang mang thai hoặc mới mang thai.
Những người từ 50 tuổi trở lên, thừa cân, ít vận động, ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều trứng, người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền sử gia đình bị sỏi mật cũng có nguy cơ nhiều hơn.
Những người quá kiêng ăn, khiến mật tiết ra bị tích tụ nhiều trong túi mật dễ tạo thành sỏi mật.
Ngoài ra những người giảm cân quá nhanh, chẳng hạn như người đã phẫu thuật cắt ½ bao tử hoặc nối tắt dạ dày (gatric bypass) để thức ăn đi thẳng tới ruột non mà không qua bao tử, cũng có nguy cơ cao bị sỏi mật.
Triệu chứng
Khoảng 80% trường hợp bị sỏi mật mà không biết, bởi vì không nhận thấy triệu chứng nào.
Chỉ có khoảng 20% trường hợp có các triệu chứng như đầy bụng chướng hơi sau khi ăn, buồn nôn, đau nhức nhối liên tục, đau vùng bên phải, dưới gan, đau lan ra sau lưng và lên vai phải.
Nếu sỏi mật bị nghẽn lâu trong ống dẫn thì có nguy cơ nhiễm trùng khiến đau nhiều hơn, nóng sốt, vàng da, nước tiểu đậm màu, phân nhạt màu.
Triệu chứng đau do sỏi mật có thể tương tự triệu chứng viêm phổi, viêm tuyến tụy, ung thư gan, ung thư túi mật... Vì vậy, người bệnh nên đi gặp GP để được chẩn đoán chính xác.
Sỏi mật thường được tìm thấy bằng cách siêu âm, hoặc chụp CT hoặc MRI. Sỏi mật thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân được bác sĩ yêu cầu xét nghiệm vì một lý do khác.
Điều trị
Có thể điều trị sỏi mật bằng thuốc làm tan sỏi, nhưng thuốc hiện có tác dụng rất hạn chế, chủ yếu chỉ có thể tan sỏi cholesterol chứ không tan sỏi sắc tố. Nên dùng thuốc theo sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ.
Một số loại thảo dược được cho là mát gan lợi tiểu như artiso, bồ công anh, giấm táo... hiện chưa có bằng chứng cho thấy có thể làm tan sỏi mật.
Biện pháp phẫu thuật nội soi cắt túi mật khá đơn giản. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể bị biến chứng tiêu chảy trong một vài tháng trước khi cơ thể tự điều chỉnh để phù hợp tình trạng không còn túi dự trữ dịch mật.
Người bệnh nên nói chuyện với GP để biết tình trạng sỏi mật của mình và xác định có nên phẫu thuật cắt túi mật hay không. Hầu hết các trường hợp vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường sau khi phẫu thuật cắt túi mật.
Chỉ có thể giảm thiểu nguy cơ sỏi mật chứ không thể ngăn ngừa hoàn toàn.Bác sĩ Michael Dũng Cao
Phòng ngừa
Mỗi người có thể giảm nguy cơ bị sỏi mật bằng cách ăn uống lành mạnh với nhiều rau quả, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, không ăn quá béo, quá nhiều đường, tập thể dục thường xuyên.
Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Michael Dũng Cao trình bày chi tiết về tình trạng sỏi mật.