Bánh chưng gắn kết yêu thương ở giáo xứ Holy Eucharist, St Albans

Goi banh chung Holy Eukarist.jpg

Không chỉ là món ăn đặc trưng của ngày Tết cổ truyền, bánh chưng còn là biểu tượng của sự sum vầy, tinh thần gắn bó, giúp đỡ và yêu thương nhau. Ý nghĩa đó được thể hiện rõ trong hoạt động gói bánh chưng đón Tết ở cộng đoàn thánh Bênađô Duệ, St Albans, Victoria.


Ngày Tết được quây quần gói bánh chưng trong không khí đầm ấm sum vầy là một niềm hạnh phúc lớn lao, nhất là đối với những ai không có điều kiện để tự gói và nấu bánh.

Niềm hạnh phúc đó có thể được tìm thấy ở cộng đoàn thánh Bênađô Duệ, St Albans, Victoria, nơi hoạt động gói bánh chưng đón Tết được duy trì và phát triển trong tám năm qua.

Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Hiếu dòng Chúa Cứu Thế đang phụ trách cộng đoàn Việt Nam của giáo xứ cho biết, hoạt động gói bánh chưng ở đây không chỉ để gây quỹ cho các hoạt động trong suốt một năm của cộng đoàn.

"Không chỉ để gây quỹ, điều quan trọng là mọi người đến với nhau để chúng ta cùng cộng tác trong một cộng đoàn yêu thương. Mỗi người một việc, người thì làm lá, người thì làm gạo, người thì gói bánh chưng... để chúng ta biết rằng để làm ra một tấm bánh thì cần rất nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng quan trọng."
cha Hieu.jpg
Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Hiếu hướng dẫn cách gói bánh chưng. Credit: SBS Vietnamese
"Điều đó cho thấy chúng ta làm việc trong tình hiệp nhất yêu thương, để từ đó chúng ta xây dựng đức tin trong cộng đoàn vững mạnh, cũng như chúng ta cảm thấy hạnh phúc rằng, tuy ở xa quê hương nhưng chúng ta vẫn cảm thấy Tết đến với mọi nhà, đến với mọi người."

Cha Hiếu nói rằng nhà thờ cũng dành những phần bánh chưng để tặng những cụ già neo đơn, như một món quà ý nghĩa trong năm mới.
cac co.png
Các cô đang chuẩn bị lá gói bánh chưng để mang Tết đến với mọi người. Source: FB Holy Eucharist Vietnamese Youth, St Albans
Chị Thắm trong Ban điều hành của cộng đoàn cho biết hoạt động gói bánh chưng là cơ hội để gắn kết mọi người trong tình yêu thương và tạo cơ hội cho giới trẻ hiểu thêm về cội nguồn dân tộc.

"Đây cũng là dịp hội tụ không chỉ có quý cô chú anh chị lớn tuổi, mà còn các bạn trẻ và các em thiếu nhi. Các em đến cũng rất đông. Thường là các em và các bé sẽ đến từ lúc chiều tối sau giờ làm hoặc sau giờ học. Điều đó tạo nên một không khí rất là ấm cúng và tình thân với nhau."
em be lau la.png
Một bé gái phụ giúp lau lá gói bánh chưng. Source: FB Holy Eucharist Vietnamese Youth, St Albans
Em Thụy, 15 tuổi, phụ giúp ở khâu quấn dây vào khuôn, nói rằng em biết sự tích bánh chưng và học được cách làm bánh chưng tại cộng đoàn.
Em Thuy.jpg
Em Thuỵ là một trong những bạn trẻ tham gia gói bánh chưng. Credit: SBS Vietnamese
Khoảng 1,200 cái bánh chưng đã được gói trong hai ngày cuối tuần, với sự góp sức của nhiều người lớn và cả các em thiếu nhi.
Mục đích ở đây không phải là để bán thật nhiều bánh chưng, nhưng mục đích chính là đến để vui với nhau trong mùa xuân, tạo ra mùa Tết vui tươi với nhau.
Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Hiếu
Khu vực gói bánh chưng trong hội trường của nhà thờ được bố trí ngăn nắp như một dây chuyền sản xuất với nhiều công đoạn, mỗi dãy bàn là một công đoạn do một nhóm phụ trách.

Từ khâu ngâm gạo, cân nguyên liệu, xếp lá... cho đến gói bánh, trang trí bánh và nấu bánh, khâu nào cũng được thực hiện tỉ mỉ, gọn gàng và mọi người cùng làm việc với nhau rất vui vẻ.
goi banh chung.jpg
'Một chiếc bánh đẹp là đòi hỏi sự kết hợp của tất cả các khâu và tinh thần teamwork của mọi người' - chị Thắm trong Ban điều hành của cộng đoàn cho biết. Credit: SBS Vietnamese
Bất cứ ai cũng được chào đón tham gia gói bánh chưng ở cộng đoàn, vì mọi việc được sắp xếp đơn giản dễ hiểu nhất, để cả những người mới đến cũng có thể nhanh chóng học được, như cha Hiếu giải thích:

"Nhiều người bảo chứ con không biết gói, không biết con không biết làm gì, thì hãy cứ đến rồi sẽ có người hướng dẫn."

Cô Tin là người phụ trách khâu chuẩn bị lá cho biết, lá gói bánh chưng ở đây được ngâm rửa sạch trong khoảng hai ngày rưỡi trước khi đem ra sử dụng.

"Tôi hướng dẫn họ phải làm lá thật sạch, bởi vì bánh chưng ở đây chúng ta làm ra để cho cộng đoàn của chúng ta cũng như những người Việt ở đây dùng," cô nói.

Làm bánh chưng thì khâu nào cũng quan trọng, nhưng đòi hỏi nhiều công sức nhất có lẽ là khâu nấu bánh.
Goi banh 2.jpg
Các anh em cùng nhau xếp bánh vào nồi chuẩn bị nấu. Credit: SBS Vietnamese
"Khoảng một chục anh em, cứ thay phiên nhau thôi. Tối hôm qua thì được bốn anh em ở lại canh suốt đêm," chú Tiến, người phụ trách chính ở khâu nấu bánh, cho biết.

Chú nói rằng từ ngày mà nhà thờ bắt đầu gói bánh chưng Tết đến nay, chú 'chỉ mất có một mùa đi Việt Nam thôi, còn tất cả các mùa khác đều tham dự hết.'

Ngoài hoạt động gói bánh chưng mang ý nghĩa gắn kết, nhà thờ cũng gây quỹ với việc bán bông vạn thọ vào dịp Tết.
Untitled design.jpg
Tiểu cảnh trang trí Tết tại cộng đoàn Thánh Bênađô Duệ. Credit: SBS Vietnamese
Đặc biệt, trong khuôn viên nhà thờ năm nay có trang trí góc Tết ba miền rực rỡ với những đồ vật đặc trưng mô tả từng miền Bắc, Trung, Nam, thu hút các em nhỏ đến tìm hiểu cũng như bất cứ ai muốn lưu lại hình ảnh đẹp vào dịp Tết cổ truyền.
Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ hay 

Share