Giáo sư David Lindenmayer là một chuyên gia hàng đầu thế giới về bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng ông thường cảm thấy mình đã thất bại trong sự nghiệp.
"Tôi dành 45 năm cuộc đời để làm cho nước Úc trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường quốc gia, nhưng rồi lại chứng kiến những xu hướng như thế này."
Giám đốc Hội đồng Đa dạng sinh học, ông James Trezise, cho biết Úc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng.
"Úc đứng đầu thế giới về mất mát các loài thú có vú. Chúng ta đứng thứ hai toàn cầu về mất đa dạng sinh học.
LISTEN TO

Bầu cử 2025: Vấn đề môi trường trong chương trình nghị sự của hai đảng
SBS Vietnamese
10:22
Nhưng điều mà các nhà nghiên cứu liên tục chỉ ra là người Úc quan tâm và yêu thiên nhiên, nhưng họ không thực sự hiểu mức độ nguy cấp mà thiên nhiên đang đối mặt."
Hội đồng Đa dạng sinh học đã khảo sát 3.500 người trước kỳ bầu cử liên bang năm nay.
Thật vô cùng đau lòng khi chứng kiến môi trường của đất nước đang xuống cấp nhanh chóng, các chính phủ kế tiếp nhau lại đưa ra những quyết định chính sách rất ngu ngốc, cơ bản là không kết nối khoa học với chính sách, không liên kết khoa học với quản lý.Giáo sư David Lindenmayer
Cử tri quan tâm 'môi trường' sau 'nhà ở, kinh tế và y tế'
Ông Trezise cho biết dù chi phí sinh hoạt là mối quan tâm hàng đầu, cử tri vẫn quan tâm đến các vấn đề khác.
"Môi trường đứng thứ năm, nhưng không phải là một vị trí quá thấp. Nó chỉ đứng sau nhà ở, y tế và kinh tế - những vấn đề chiếm lần lượt 54%, 52%, và 50%. Vì vậy, đây thực sự là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri Úc."
Chính sách năng lượng là trọng tâm của cả hai đảng lớn trong chiến dịch tranh cử này.
Tuy nhiên, cả chính phủ và phe đối lập đều không tập trung vào môi trường, mặc dù có những lo ngại từ các nhóm vận động và ngành công nghiệp rằng luật bảo vệ môi trường thiên nhiên của Úc không còn phù hợp.
Đảng Lao động đã tranh cử lần trước với lời hứa sẽ khắc phục các vấn đề này bằng các đạo luật “Tích cực với Thiên nhiên”.
Bộ trưởng Môi sinh Tanya Plibersek từng trình bày kế hoạch đó vào năm ngoái.
"Mọi người đều đồng ý rằng hệ thống quy định hiện tại không hiệu quả. Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ sửa luật để giảm quan liêu, mang lại sự chắc chắn hơn cho doanh nghiệp, và để cải thiện thiên nhiên, bảo vệ các loài cây và động vật bản địa độc đáo của chúng ta, và ngăn ngừa tuyệt chủng. Đó là điều cộng đồng mong đợi và đó là điều chúng tôi đang thực hiện."
Nhưng các đạo luật đó đã bị hoãn lại – không được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện.
Ông Brendan Sydes, Giám đốc Chính sách Đa dạng Sinh học Quốc gia của Quỹ Bảo tồn Úc, cho biết ông thất vọng vì chính phủ không thực hiện được lời hứa.
"Chính phủ khởi đầu khá tốt vào tháng 12 năm 2022, khi công bố kế hoạch Nature Positive và cam kết cải tổ toàn diện luật pháp.
Nhưng sau đó trở nên phức tạp, mọi người bắt đầu mất niềm tin khi có sự trì hoãn, và cuối cùng, chính phủ nói rằng bây giờ chỉ làm phần này, gọi là giai đoạn hai, và sẽ quay lại các phần còn lại sau. Đó là bối cảnh quan trọng. Tuy nhiên, vẫn có những cải cách quan trọng đáng kể trong gói luật đó."
Các cải cách đó bao gồm việc thành lập một cơ quan giám sát và thực thi – được gọi là Cơ quan Bảo vệ Môi trường Úc (Environment Protection Australia).
Giai đoạn hai của đạo luật cũng nhằm thành lập Cơ quan Thông tin Môi trường Úc – một cơ quan dữ liệu và thông tin độc lập.
Ông James Trezise cho rằng đã có một nỗ lực có chủ đích để giết chết dự luật.
"Điều mà chúng tôi chứng kiến vào cuối cùng là Thủ hiến Tây Úc, theo yêu cầu của ngành khai khoáng ở tiểu bang đó, đã gọi cho Thủ tướng và nói hãy giết cải cách này đi."
Trái banh 'môi trường' đá qua đá lại
Đảng Lao động đổ lỗi cho các dân biểu độc lập và đảng Xanh vì dự luật không được thông qua.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Plibersek nói với SBS rằng thật đáng thất vọng khi đảng Xanh đã cùng với đảng Tự do trong Thượng viện để chặn việc thành lập một cơ quan EPA độc lập.
Đảng Xanh phủ nhận điều này, cho biết Thủ tướng đã chấm dứt đàm phán mặc dù họ đã nhượng bộ những yêu cầu then chốt.
Đây không phải lần đầu tiên có nỗ lực sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Môi trường và Bảo tồn Đa dạng Sinh học – còn gọi là đạo luật EPBC.
Giáo sư Andrew Macintosh tại Đại học Quốc gia Úc cho biết luật pháp yêu cầu chính phủ phải tiến hành rà soát độc lập định kỳ mỗi 10 năm.
"Lần đầu tiên là rà soát Hawke, lần thứ hai là rà soát Samuel. Rà soát Hawke đã chỉ ra các hạn chế của luật pháp và đưa ra hàng loạt khuyến nghị về việc bổ sung các yếu tố kích hoạt và cải tiến cần thiết. Một số đã được thực hiện. Một số lớn khác thì không."
Ông nói đến lần rà soát thứ hai năm 2020, các lo ngại về luật pháp ngày càng sâu sắc.
"Điều đó không có gì ngạc nhiên. Đến thời điểm đó, mọi người đều cùng chung quan điểm rằng luật này không hiệu quả và cần thay đổi lớn. Năm 2009, chưa phải ai cũng đồng tình – vẫn còn một số nhóm môi trường giữ niềm tin rằng luật này vẫn có thể hiệu quả. Nhưng khi Samuel được chỉ định và rà soát bắt đầu thì luật này gần như không còn ai ủng hộ."
Một trong các khuyến nghị then chốt là thiết lập các tiêu chuẩn môi trường quốc gia.
Giáo sư Macintosh cho biết điều này sẽ làm rõ các dự án nào có thể hoặc không thể được phê duyệt.
Ông Tennant Reed, Giám đốc Khí hậu và Năng lượng của Nhóm Công nghiệp Úc, cho biết doanh nghiệp cũng ủng hộ các tiêu chuẩn mới.
Sẽ chỉ có một quy trình và một hệ thống cần tuân thủ, thay vì hai hệ thống ra quyết định như hiện nay – liên bang và tiểu bang – khiến công việc phê duyệt dự án bị nhân đôi.Tennant Reed, Giám đốc Khí hậu và Năng lượng của Nhóm Công nghiệp Úc
Ông Reed nói quy trình phê duyệt hiện tại rất bất định và có thể mất nhiều năm, cản trở các dự án quan trọng – bao gồm cả những dự án giúp giảm phát thải, như điện gió ngoài khơi.
"Có rất nhiều sự qua lại giữa các chủ đầu tư, chính phủ tiểu bang và chính phủ liên bang. Tất nhiên, đây là những quyết định cần được thực hiện cẩn trọng, nhưng hiện nay chúng ta có nhiều chính quyền cùng cố gắng thúc đẩy ngành năng lượng điện gió ngoài khơi, và lại đang vấp vào nhau vì các quy định môi trường. Chúng ta cần làm tốt hơn thế."
Các khuyến nghị trong rà soát Samuel được Nhóm Công nghiệp Úc và Hội đồng Doanh nghiệp Úc ủng hộ.
Nhưng một số nhóm ngành công nghiệp vẫn lo ngại về phạm vi quyền lực của cơ quan bảo vệ môi trường được đề xuất.
Thủ tướng Anthony Albanese cho biết chính phủ sẽ xem xét thành lập EPA theo một mô hình khác.
"Chúng tôi sẽ cố gắng thông qua đạo luật thành lập EPA. Chúng tôi chỉ có 25 phiếu trong tổng số 76. Điều chúng tôi làm là tiếp nhận các khuyến nghị từ rà soát Samuel, quan trọng là cuộc rà soát đó do phe Liên đảng khởi xướng, không phải chúng tôi, vì đạo luật EPBC đã lỗi thời. Chúng tôi biết rõ điều đó."
Bộ trưởng Môi trường Tanya Plibersek không trả lời trực tiếp câu hỏi của SBS về việc đảng Lao động sẽ cải cách luật môi trường như thế nào ngoài việc thành lập EPA.
Thay vào đó, bà nhấn mạnh đến việc tăng cường bảo vệ rừng và đại dương, phê duyệt năng lượng tái tạo và đầu tư vào Rạn san hô Great Barrier Reef để bảo vệ thành tích môi trường của đảng Lao động.
Liên đảng cũng đồng ý rằng đạo luật EPBC đã lỗi thời, và cam kết cải cách cơ bản theo rà soát Samuel.
Tuy nhiên, họ cho rằng các đạo luật Nature Positive đe dọa việc làm, thủ tục môi trường rườm rà, và mở rộng quyền hạn của cơ quan EPA vượt xa các khuyến nghị.
Giáo sư David Lindenmayer cho biết đạo luật EPBC "gần như vô dụng" và đã đến lúc phải hành động.
"Chính phủ mới cần thực sự làm điều gì đó. Nếu chúng ta muốn ngăn chặn mất mát đa dạng sinh học, thì phải kết nối khoa học tốt nhất với thực tiễn tốt nhất và đầu tư nghiêm túc để giải quyết khủng hoảng đa dạng sinh học ở đất nước này.
Theo những gì tôi thấy, cách duy nhất là quốc gia này cần có một khoản thu môi trường. Giống như chúng ta có khoản thu Medicare để chăm sóc sức khỏe cho người dân, chúng ta cần một khoản thu môi trường để chăm sóc sức khỏe của môi trường."
Ông mong khoản thu này chiếm 1% ngân sách liên bang.
"Đây là những vấn đề không thể giải quyết bằng một khoản tài trợ 1, 2 hay 3 năm. Chúng ta đã mất 230 năm để phá hoại đất nước này, và sẽ mất hàng thập kỷ để phục hồi. Và mức tài trợ nhỏ – chỉ khoảng 3 xu trong mỗi 100 đô la chi tiêu của chính phủ liên bang – đơn giản là không đủ để khắc phục vấn đề."
READ MORE

SBS Việt ngữ