Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề mà dân Úc bận tâm.
Khi mà các chỉ số chất lượng không khí cho thấy Úc được xếp hạng là một trong những nơi có chất lượng không khí tốt nhất thế giới.
Dù vậy, một số chuyên gia cho biết ngay cả mức độ ô nhiễm thấp cũng không an toàn, và thậm chí có thể gây ra những tác động lâu dài đến não bộ của chúng ta.
Rachel Tham là nghiên cứu sinh về dịch tễ học môi trường tại Khoa Y của Đại học Melbourne và Trường Dân số và Sức khỏe Toàn cầu Melbourne cho biết.
"Đối với sức khỏe, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến khả năng tư duy. Khi tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí - dù trong môi trường mà mức độ ô nhiễm không khí thấp như Melbourne hoặc Sydney hay cho đến nơi có mức độ cao như thành phố với Delhi ở Ấn Độ chẳng hạn, nếu sống trong đó một thời gian đủ lâu chúng đều có tác động đến sức khỏe của chúng ta, cụ thể khả năng tư duy, và đối với những người sống gần các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao thì tác động này lâu dài. Nói như vậy, chúng ta cũng có thể nghĩ đến nhưng nơi gần các tuyến đường chính hoặc ở những khu vực có nhiều ngành công nghiệp."
Một chỉ số quan trọng về chất lượng không khí là mật độ của thứ được gọi là vật chất dạng hạt - particulate matter hay P-M.
Chất dạng hạt là hỗn hợp các giọt bụi mịn quyện trong hơi nước lơ lửng trong không khí.
Các hạt này đủ nhỏ để có thể đi sâu vào phổi của chúng ta.
Chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe phổi, mà bằng chứng còn cho thấy chúng còn ảnh hưởng đến não của chúng ta .
"Các chất gây ô nhiễm không khí khi chúng ta hít vào, một số trong số chúng có thể đi qua mũi, chúng đủ nhỏ để đi qua phía sau mũi của chúng ta thẳng vào não. Và vì vậy, khi chúng xâm nhập vào não, chúng gây ra phản ứng viêm trong não, theo thời gian có thể dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc não. Có nhiều nghiên cứu hơn đang được thực hiện để hiểu về sự liên hệ của việc tiếp xúc lâu dài những ô nhiễm này với những thứ như bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer."
Ô nhiễm không khí là một trong những yếu tố môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.
Trên thực tế, nó được cho là mối đe dọa bên ngoài lớn nhất đối với cuộc sống con người trên toàn thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính tác động kết hợp của ô nhiễm môi trường và ô nhiễm không khí trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Elaine Luthi là Trưởng phòng Truyền thông khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF, cho biết ô nhiễm không khí trong khu vực đang tác động năng nề hơn đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn .
“Đó là những đứa trẻ có gia đình sống trong cảnh nghèo đói, không đủ tiền mua bếp nấu sạch, không đủ tiền mua khẩu trang, không đủ tiền mua máy lọc không khí. Chúng là những người phải trả giá cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí và những đứa trẻ này đang phải trả giá bằng sức khỏe, bằng giáo dục và bằng chính tương lai của chúng, và chúng ta cần phải làm tốt hơn.”
Theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới - I-Q-Air World Air Quality Report - năm 2023 khảo sát chất lượng không khí tại 134 quốc gia, cho thấy Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đứng đầu bảng với tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới, Úc đứng ở vị trí thứ 128.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta miễn nhiễm.
Gần đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications phát hiện ra rằng ngay cả khi tiếp xúc ngắn với ô nhiễm không khí cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của một người đối với các công việc hàng ngày của họ.
Với tình trạng ô nhiễm không khí cao hơn ở nhiều khu vực công nghiệp, Tiến sĩ Tham cho biết những người sống ở các khu vực kinh tế xã hội thấp hơn thường có nguy cơ cao hơn.
Trong đó, những người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ em cũng nằm trong số những đối tượng dễ bị ô nhiễm không khí nhất.
"Chúng tôi cũng đã thực hiện nghiên cứu về chức năng nhận thức của trẻ em tại các trường học và đo lường bằng điểm số NAPLAN. Và chúng tôi phát hiện ra rằng trên khắp nước Úc, trẻ em học tại các trường học ở những khu vực kinh tế xã hội thấp hơn gần các tuyến đường chính có xu hướng có điểm số NAPLAN thấp hơn. Vì vậy, cũng có thể có một số tác động về việc học đối với trẻ em."
Các nghiên cứu được tiến hành tại Hoa Kỳ và Đan Mạch cũng chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông với chức năng nhận thức và thành tích học tập kém hơn.
Mặc dù nghiên cứu vẫn đang được thực hiện trong lĩnh vực, một số nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm là một yếu tố nguy cơ gây ra chứng mất trí nhớ dementia.
Fay Johnston là bác sĩ y tế công cộng và nhà dịch tễ học môi trường, và cũng là nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm Không khí An toàn.
Tiến sĩ Johnston cho biết khi chất lượng không khí kém, cơ thể chúng ta sẽ kích hoạt hệ thống phòng thủ miễn dịch.
"Nếu chất lượng không khí chỉ hơi xấu một chút nhưng nó dài hạn, thì những phản ứng đó sẽ diễn ra ở chế độ nền. Chúng nhỏ so với tất cả những thứ khác hình thành nên sức khỏe và sức khỏe não bộ của bạn, như chế độ ăn uống, như tập thể dục, như cấu tạo gen của bạn. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng không ảnh hưởng đến sức khỏe và trạng thái tinh thần về mặt tổng thể. Với những ảnh hưởng nền như vậy, nó có thể khiến bạn có nhiều khả năng mắc các loại bệnh như bệnh tim, đối với não bộ theo thời gian, việc ảnh hưởng trong nhiều năm dẫn đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hoặc nguy cơ cao hơn về đột quỵ."
Vì vậy, ngay cả ô nhiễm không khí ở mức độ thấp cũng có thể, theo thời gian, có tác động.
Ngoài trời, những thứ như khói xe cộ và bão bụi tạo ra ô nhiễm ở mức độ thấp trong không khí ngoài trời thì trong nhà các thiết bị sử dụng gas và lò sưởi bằng gỗ cũng gây ra rủi ro.
Trung tâm Không khí An toàn ước tính rằng khói từ lò sưởi bằng gỗ ở Úc có liên quan đến từ 558 đến 1555 ca tử vong sớm hơn dự kiến mỗi năm.
Tiến sĩ Johnston cho biết cần có chính sách tốt hơn.
"Chúng tôi có hơn một triệu lò sưởi củi. Chúng rất kém hiệu quả. Chúng tạo ra rất nhiều ô nhiễm so với lượng năng lượng mà chúng cung cấp cho bạn so với động cơ diesel. Vì vậy, cần có các chính sách để giảm nguồn ô nhiễm lâu dài đó trong suốt mùa đông. Có nhiều nơi, mặc dù Úc có không khí trong lành, nhưng có nhiều nơi không khí thực sự kém trong nhiều tháng và điều đó có tác động có thể đo lường được."
Trong các vụ cháy rừng Mùa Hè Đen cách đây năm năm, ô nhiễm không khí trong và xung quanh các khu vực bị ảnh hưởng đã khiến chất lượng không khí giảm xuống mức tệ hơn nhiều so với mức được coi là 'nguy hiểm'.
Một báo cáo từ Viện Grattan ước tính ô nhiễm từ những vụ cháy rừng đó đã khiến khoảng 2000 người phải nhập viện vì các vấn đề về hô hấp.
Chỉ riêng khói cháy rừng đã gây ra 417 ca tử vong vào mùa hè đó.
Tiến sĩ Johnston cho biết khi tần suất cháy rừng tăng lên, chúng ta có thể bắt đầu thấy những tác động lâu dài hơn đối với sức khỏe.
"Càng kéo dài, tất cả sự tích tụ trong nhiều năm càng ảnh hưỡng đến sức khỏe của bạn hơn nhiều so với một ngày khói bụi. Giống như chế độ ăn uống của bạn, ăn đồ ngọt trong các bữa tiệc chỉ là thỉnh thoảng, những gì bạn ăn hàng ngày mới thực sự định hình sức khỏe của bạn. Và không khí cũng vậy. Nếu một đợt khói bụi cháy rừng nghiêm trọng và kéo dài trong khoảng một tuần, thì đối với những người có nguy cơ cao hơn, chúng ta thậm chí có thể đo lường được những tác động nhỏ trong nhiều năm, thậm chí là vài năm sau."
Về lâu dài, ô nhiễm không khí ở Úc và trên toàn thế giới liên tục trở nên tồi tệ hơn do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Các chuyên gia cho rằng ở cấp độ cá nhân, khẩu trang, bộ lọc không khí HEPA và sử dụng các phương tiện di chuyển năng động hơn như đi bộ và đạp xe đều có thể giúp giảm thiểu mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí.
Nhưng Tiến sĩ Johnston cho biết một trong những cách hiệu quả nhất để tránh tình trạng chất lượng không khí xấu đi là chính sách tốt hơn về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Chúng ta phải chung tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm carbon, CO2, chuyển sang các nguồn điện và ngừng việc đốt cháy bất cứ khi nào có thể, nếu có cơ hội tạo ra năng lượng, không sử dụng quá trình đốt cháy, chúng ta nên làm điều đó. Đó là thông điệp chính quan trọng. Và đối với ô nhiễm không khí, có rất nhiều chính sách khác có thể giúp chúng ta thúc đẩy xe điện, thúc đẩy giao thông tích cực, giao thông công cộng để giảm sử dụng ô tô.